Ông Nguyễn Thanh Năm (sinh năm 1956) ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) tạo được tiếng tăm trong nghề và trở thành "thần đèn” nổi danh khắp miền Bắc.
Ông Năm (ngoài cùng bên trái) di dời phòng bảo vệ của UBND huyện Tứ Kỳ vào năm 2003
"Cái khó ló cái khôn"
Tôi tìm đến nhà ông Năm vào một buổi sáng mùa đông với một tâm trạng sẵn sàng chấp nhận may rủi vì không biết chắc ông Năm sẽ ở nhà dù đã hẹn gặp từ trước. Bởi ông nói rằng thời gian ông đi theo công trình nhiều hơn ở nhà. Hoặc nếu ở nhà thì khi có việc đột xuất, ông lại phải đi ngay. Ngày hôm ấy, may mắn thay ông Năm đang ở nhà. Thấy tôi, ông Năm cười nói: "Nay trời mưa, nền đất ướt, khó di dời công trình nên chú mới rảnh rỗi như vậy".
Nhâm nhi tách trà nóng, ông Năm kể cho tôi nghe cơ duyên ông gắn bó với công việc này. Sau một thời gian làm công nhân xa nhà, năm 1990, ông trở về quê theo nghề mộc. Nhờ cẩn thận, tỉ mỉ, ông trở thành thợ lành nghề trong vùng. Do đặc thù công việc nên ông thường xuyên có mặt tại các điểm xây dựng dân dụng. Thời điểm ấy, kỹ thuật làm mái nhà còn thô sơ. Người thợ sử dụng xà để bảo đảm độ vững chắc cho ngôi nhà. Xà làm từ bê tông cốt thép nặng từ 3-4 tấn được chuyển lên mái bằng sức người nên rất vất vả, nguy hiểm. Hình ảnh này ám ảnh ông Năm trong suốt thời gian dài. Nhiều đêm ông mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ làm cách nào để nâng xà lên mái hiệu quả mà không tốn công, mất sức.
Năm 2000, sau khi học hỏi, tìm hiểu về kỹ thuật nâng chuyển, ông Năm mua vật dụng cần thiết, tự thiết kế bộ nâng theo tư duy riêng. Khi thử nghiệm thành công, ông ứng dụng kỹ thuật này trong xây dựng. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ có thể áp dụng với đồ vật được đặt đúng vị trí, nếu ở xa vẫn phải vận chuyển thủ công. Sẵn có tay nghề làm mộc 10 năm, ông Năm tiện những con lăn bằng gỗ để vận chuyển vật dụng dễ dàng.
Cách đây 15 năm, cả thị trấn Tứ Kỳ bàn tán xôn xao về việc nhà bảo vệ của UBND huyện sẽ được di chuyển đến vị trí mới để phục vụ cho mục đích mở rộng khuôn viên thay vì bị phá bỏ theo kế hoạch trước đó. Sáng sớm 7.2.2003, rất đông người dân tụ tập trước cổng UBND huyện với mong muốn có thể chứng kiến tận mắt điều kỳ lạ này. Chỉ chưa đầy 2 ngày, ngôi nhà rộng 20 m2 đã được chuyển đến khu vực khác cách địa điểm cũ 100 m và được nâng cao 55 cm so với mặt đường. Đáng ngạc nhiên hơn, người thực hiện lại là một thợ mộc với những công cụ hỗ trợ thô sơ.
Ông Năm xúc động khi nhớ lại giây phút đánh dấu bước ngoặt lớn trong nghề nghiệp của ông: "Khi nghe thông tin UBND huyện Tứ Kỳ quy hoạch lại khuôn viên, phải phá bỏ nhà bảo vệ mới xây dựng, tôi đã nghiên cứu kết cấu công trình, nền đất. Tôi mạnh dạn xin được di chuyển ngôi nhà để tránh lãng phí. Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt tò mò xen lẫn nghi ngại của người dân khi xem nhóm thợ thực hiện các công đoạn dịch chuyển".
Khi ngôi nhà được xê dịch trên những con lăn đến vị trí mới an toàn, ông Năm mới thở phào nhẹ nhõm trong tiếng vỗ tay thán phục của người dân.
Có tâm với nghề
Ông Năm kiểm tra đồ làm nghề trước khi thực hiện công trình mới
Từ khi di chuyển thành công nhà bảo vệ của UBND huyện, ông Năm được nhiều người biết tới. Có người từ các tỉnh, thành phố khác tìm đến ông để nhờ tư vấn, tìm hướng xử lý cho các công trình được đặt ở địa điểm không còn phù hợp. Sau vài năm kéo xà, rời nhà, ông Năm tiếp tục cải tiến máy móc để khắc phục tình trạng công trình bị nghiêng, lún. Không phải là người duy nhất làm công việc này nhưng điều khiến ông tự hào là dù đã cải tạo, di chuyển nhiều công trình nhưng ông chưa để xảy ra bất kỳ sự cố nào.
- Làm sao chú có thể tránh được rủi ro, nguy hiểm bởi hầu hết các công trình đều được xây dựng từ lâu, có những cái đã xuống cấp?- tôi tò mò hỏi.
Nhấp một ngụm trà, ông Năm chậm rãi đáp: "Trước mỗi công trình, tôi đều trăn trở làm sao để đưa ra được phương án tối ưu nhất. Tất cả các công trình dù là lớn hay bé, đơn giản hay phức tạp, tôi đều đến tận nơi quan sát, xem xét thực trạng rồi lên bản vẽ chi tiết. Cái khó của nghề này là phải tính toán để sử dụng công cụ chia lực hợp lý, không được dồn lực vào một điểm nếu không công trình sẽ dễ bị rạn nứt, đổ sập, gây mất an toàn lao động".
Nói xong, ông Năm lấy ra từ ngăn tủ tập tài liệu mà ông cất giữ đã lâu. Cứ mỗi khi hoàn thiện công trình nào, ông đều chụp ảnh, ghi lại thông tin, giữ làm kỷ niệm. Ông Năm hào hứng giới thiệu cho tôi những công trình mà ông tâm đắc từ lúc mới bắt đầu làm nghề đến nay. Có ngôi nhà thờ cổ 5 gian hơn 300 năm tuổi ở Thái Bình được ông nâng cao thêm 50 cm để tránh mối mọt. Nhiều ngôi nhà nghiêng, sụt lún được cân chỉnh lại vuông vắn như ban đầu. Những cổng làng cổ, tượng thờ cổ cũng được giữ lại nguyên vẹn nhờ sự khéo léo, tài ba của ông Năm.
Để minh họa rõ hơn công việc của mình, ông Năm cho tôi xem những thước phim quay lại quá trình làm việc của ông và đồng nghiệp. Xem hiện trường mới thấy dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, tháo vát. Trước khi tách công trình ra khỏi móng cũ, ông thận trọng xem xét, kiểm tra hệ thống dầm giằng không để xảy ra sơ suất nhỏ. Nhìn những tư liệu mà ông Năm lưu giữ đủ thấy ông trân trọng và có trách nhiệm với công việc này đến mức độ nào.
Đến tận bây giờ anh Nguyễn Văn Bình ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn chưa tin được ngôi nhà nghiêng anh từng có ý định phá đi xây lại đã được cân chỉnh thẳng bởi nhóm thợ của ông Năm. Năm 2004, anh Bình xây nhà 2 tầng nhưng vì nền đất kém, nền nhà bị sụt lún 10 cm. Do độ chênh không lớn nên gia đình anh vẫn sinh sống bình thường trong căn nhà đó. Từ khi có hộ xây nhà sát cạnh, móng nhà của gia đình anh Bình bị ảnh hưởng, nền nghiêng 65 cm. "Cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn. Chúng tôi sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Tôi dự định tháng 8.2017 sẽ phá đi xây lại dù ngôi nhà vẫn mới. Được người quen giới thiệu, tôi tìm đến ông Năm. Lúc đầu, tôi cũng nghi ngờ khả năng của ông Năm. Để tạo lòng tin cho tôi, ông Năm đề nghị ký hợp đồng, ông bảo đảm công trình sẽ giữ nguyên hiện trạng sau khi được xử lý", anh Bình cho biết. Sau 3 ngày, ngôi nhà của gia đình anh Bình đã được định hình vuông vắn như lúc mới xây. Trong khi đó, kinh phí bỏ ra có hơn 40 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với việc xây mới.
Tiếng là thợ giỏi nhưng ông Năm không giấu nghề. Đi đến đâu, ông đều liên kết, hợp tác với thợ ở khu vực ấy để cùng làm, cùng chia sẻ kinh nghiệm. Dù đã cao tuổi, sức khỏe kém hơn trước song ông Năm vẫn cần mẫn, nhiệt tình với công việc khi có người gọi, bất cứ là ở đâu, khu vực nào, công trình lớn hay nhỏ. Ông tâm niệm nghề mà ông đang theo đuổi rất có ý nghĩa bởi công việc này giúp gìn giữ nguyên vẹn được nhiều công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa. Ông Năm chỉ có một người con trai nhưng lại không theo nghề của bố nên ông luôn đau đáu tìm người để truyền nghề. Theo ông Năm, nghề nào cũng có công thức chung nhưng mỗi người làm nghề lại có một bí quyết riêng và điều quan trọng nhất là phải có tâm với nghề.
Tiễn tôi ra về, ông Năm lại tất bật kiểm tra từng dụng cụ để chuẩn bị cho những công trình sắp tới. Đồ nghề của ông đơn giản chỉ gồm pa lăng, kích thủy lực và con lăn. Kho chứa đồ cũng chỉ được dựng tạm bợ cạnh cổng nhà nhưng nhờ những vật dụng này mà ông Năm đã di dời được rất nhiều công trình, giúp người dân tránh được những lãng phí không cần thiết và bảo tồn nhiều công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa.
DŨNG CƯỜNG