Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố kiên quyết bác bỏ những nỗ lực nhằm làm suy yếu phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 được cho là "mạnh mẽ hiếm thấy".
Ngày 22.9, trong một bài phát biểu đầy bất ngờ ở lần đầu tiên dự hội nghị thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) - nơi thường quy tụ nguyên thủ của các nước đến phát biểu, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố "kiên quyết bác bỏ những nỗ lực nhằm làm suy yếu" phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và khẳng định phán quyết "nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm của các chính phủ để làm suy yếu hoặc chối bỏ nó".
Dù không công kích trực diện vào Trung Quốc, nhưng trái ngược với những phát biểu và hành động trước đây của mình khi thường tránh đề cập hoặc làm nhẹ đi phán quyết của Tòa trọng tài để tranh thủ những lợi ích kinh tế và chính trị từ Trung Quốc, phát biểu lần này của ông Duterte mạnh mẽ hiếm thấy.
Liệu đây có phải là dấu hiệu của "làn gió đổi chiều" trong chính sách Biển Đông của Philippines? Hay là phát biểu "bất ngờ nhưng có tính toán" của một vị Tổng thống nổi tiếng là dân túy và thực dụng?
Không phải ngẫu nhiên mà ông Duterte chọn cho mình sự xuất hiện lần đầu tiên tại LHQ theo cái cách như vậy. Lựa chọn việc đề cập đến một phán quyết của Tòa trọng tài tại diễn đàn lớn nhất hằng năm của LHQ không chỉ là cách tốt nhất để tiếp tục "nuôi" phán quyết này trong cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện một nước Philippines ủng hộ và tôn trọng luật pháp quốc tế, làm loãng đi những chỉ trích của dư luận trong và ngoài nước đối với cuộc chiến chống ma túy và khủng bố đầy tranh cãi của ông Duterte.
Hơn nữa, nội dung của bài phát biểu cũng nằm trong "mạch xu thế chung" trên thế giới trước tình hình mới ở Biển Đông thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh vừa mới tuần trước các nước Anh, Pháp và Đức đã cùng gửi công hàm lên LHQ nhấn mạnh các yêu sách về "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông là vô lý theo luật pháp quốc tế và khẳng định sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa trọng tài.
Việc bày tỏ sự ủng hộ đối với một phán quyết của Tòa trọng tài thuộc LHQ tại một diễn đàn của chính tổ chức này, mà trong đó không có từ ngữ nào công kích trực diện Trung Quốc, cho thấy có sự tính toán của ông Duterte. Rõ ràng khó có lý do để Trung Quốc có thể phản đối bài phát biểu này của ông Duterte hoặc để ảnh hưởng đến những hợp tác mà Philippines hiện đang có với Trung Quốc.
Còn đối với công luận trong nước, bài phát biểu cũng giúp ông Duterte ghi điểm ngay cả với những người vốn chỉ trích mạnh mẽ chính sách Biển Đông của ông, thể hiện hình ảnh của một vị Tổng thống "biết lắng nghe" mà ông Duterte đang xây dựng, nhất là trong lúc dư luận Philippines còn bất bình sau vụ việc tàu cá của Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông năm 2019.
Đi ngược lại với ý kiến của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr là tránh đề cập đến phán quyết trong phát biểu lần này, ông Duterte đã lựa chọn lần xuất hiện đầu tiên tại LHQ kể từ khi lên làm Tổng thống 4 năm trước đây đầy bất ngờ như vậy.
Như cách báo chí Philippines ví von, ông Duterte đã "bỏ bom" hội nghị LHQ với bài phát biểu này. Nhưng đây lại là sự "bỏ bom" có tính toán của Tổng thống Philippines.
Theo Tuổi trẻ