Hơn 60 năm qua, ông Nguyễn Đăng Chắm luôn gắn bó hết lòng với Đảo Cò, góp phần giúp nơi này thành một khu dự trữ thiên nhiên đa dạng.
Giống như một nhà sinh học, ông Chắm có thể nhận biết được từ vỏ trứng đã nở thành công hay trứng hỏng, cho đến tên và tập tính của mỗi loài chim đang sống ở Đảo Cò
Sinh ra và lớn lên ở thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) - nơi có thắng cảnh Đảo Cò, nhiều năm nay, cùng với bà con trong làng, ông Nguyễn Đăng Chắm đã dày công bảo vệ và chăm sóc đàn cò, vạc, góp phần giúp nơi này thành một khu dự trữ thiên nhiên đa dạng.
"Nhà sinh vật học" chân đất
Ngày mới của ông Nguyễn Đăng Chắm bắt đầu lúc trời mới tảng sáng. Khẽ đẩy cánh cửa gỗ kêu cọt kẹt, ông lách mình bước xuống sân, hít một hơi thật khoan khoái rồi rảo bước ra hồ. Mấy chục năm nay đều thế. Thủ tục đầu ngày của ông là ra bờ hồ vươn vai "chào cò, chào vạc".
Mùa này, chỉ còn số ít cò, vạc sinh sản nhưng tầm tháng 3 cho đến tháng 5 là lúc các đảo như "nhà trẻ", do các loài chim đẻ rộ. Với tay gỡ một vỏ trứng cò mắc trên cành, ông Chắm cho biết đây là trứng hỏng. Nếu trứng đã nở thì vỏ thường chỉ có 2 mảnh chứ không bị xơ tướp. Trứng rụng có thể do mưa bão, do cò bố mẹ hoặc cò nở trước làm rơi.
Trời sáng rõ mặt người, ông Chắm mới quay về nhà, cũng là lúc các đàn vạc từ xa bay về kín cả một khoảng trời, lượn vòng quanh các đảo để thăm dò rồi mới đáp xuống. Ấy cũng là khi đàn cò râm ran gọi nhau rời ổ đi kiếm ăn, cho đến tối mặt người mới lại quay về đảo. Ông Chắm bảo, đấy là lúc chúng "giao ca". Vạc về thì cò mới lên đường, như một vòng tròn khép kín. Vạc đi qua đêm, đến sáng bay về mớm mồi cho con, sửa sang "nhà cửa" rồi gục đầu ngủ cả ngày, nhìn xa chúng im lìm như khúc gỗ màu tro xám. "Giao ca là lúc chúng mất trật tự, ầm ĩ và chí chóe nhất. Chỉ cần nghe tiếng chúng kêu nhớn nhác là người quanh hồ đã ước được mấy giờ, chỉ xê dịch vài phút đồng hồ", ông Chắm bảo.
Năm nay 63 tuổi đời thì trọn cả 63 năm ông Chắm ở sát Đảo Cò. Đến cái tên của ông cũng là tên một loài cá lớn dưới hồ. Ông cười, khi xưa các cụ viết nhầm khai sinh là Chắm, đúng ra là Trắm - cá trắm. Ông Chắm có một người anh hy sinh tháng 3.1972, là Kìm - cũng mang tên một loài cá đặc sản của hồ An Dương.
Gắn bó và bảo vệ đàn cò bất kể thời gian, khi trước ông Chắm còn bị vợ quở trách bê trễ việc nhà, chăm chim trên trời còn hơn chăm đàn gà dưới sân. Ông Chắm không giải thích, vì ông biết đất lành chim mới đậu. Không phải nơi nào cũng được thiên nhiên tặng cho một cảnh quan độc đáo thế này. Rồi có một ngày bà đã hiểu ra, đàn gà gây lúc nào cũng được, nhưng đàn cò không phải cứ có cây, có rừng là chúng đến, mà phải vì một cơ duyên nào đấy. Đảo Cò quý lắm, giữ được cò thì mới giữ được đảo, giữ được đảo thì mới có cò.
Trong Tổ dịch vụ Đảo Cò, ông Chắm là người cao tuổi và nhiều kinh nghiệm nhất. Năm 1997, khi Đảo Cò được quy hoạch, ông là thành viên cốt cán. 24 năm liên tục đến giờ, nên từng ngóc ngách trên đảo, từng vụng nước nông sâu dưới lòng hồ, ông thân thuộc như đường chỉ trên bàn tay mình vậy.
Với đàn cò, vạc, chỉ thấy chấp chới từ xa, ông Chắm đã có thể gọi tên chính xác, kể về đặc tính, tiếng kêu, thói quen đi lại... giống như một nhà sinh vật học. "Con đậu trên cây trứng cá kia là cò ốc, do đặc tính hay ăn ốc, còn sách thì ghi là cò nhạn. Cò này sống trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á, thường bay ra đây từ mạn Ninh Bình, là giống di cư, quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam. Theo dõi nhiều năm nhưng không rõ lý do gì cò ốc chưa sinh sản ở đây. Chúng chỉ coi Đảo Cò giống như chỗ trọ" - ông Chắm giảng giải.
Ở đây còn có cò bợ xám tro như vạc, nhưng khi tung cánh thì toàn màu trắng. Còn cò nghênh, cò ngang là dân gian gọi theo dáng đi của chúng. Ở góc kia có cò ruồi, tưởng chậm chạp nhưng mổ ruồi nhanh thoăn thoắt. Rồi cò lửa, cò trắng mỏ đen hay cò hương là con bé nhất... chúng đều là những loài thân thuộc.
Vạc ở đây có nhiều loài như vạc xám, vạc xanh, vạc rạ có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc di cư sang và lấy Đảo Cò làm nhà. Tầm tháng 9, tháng 10, còn có giang, diệc từ đâu kéo về. Những loại này không chỉ to cao lênh khênh mà còn có tiếng kêu rất lớn, nhất là khi chúng mới đến "cãi nhau" để tranh chỗ ở với các "chủ nhà"...
Đảo Cò đã trở thành khu dự trữ thiên nhiên đa dạng với đông đảo các loài chim quý hiếm
Kỳ công giữ đảo
Trên các đảo có hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú với hơn 170 loài. Ngoài cò, vạc, các đảo còn là nơi quần tụ của rất nhiều loài chim khác như bói cá, bồng chanh, chim cuốc, chào mào... Dưới hồ An Dương, nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống như rái cá, tổ đỉa; các loài cá như măng kìm, chép, trôi, mè, trắm... cùng chung sống trong một khu dự trữ thiên nhiên đa dạng. Phía gần bờ là đảo 2. Đảo 1 ở phía xa hơn, đi thêm một đoạn là sang đất Hưng Yên. Hai đảo này đang là nơi sinh sống ổn định của các loài cò, vạc. Còn đảo 3 đã hình thành nhưng cò, vạc chưa đến do còn một hộ dân đang sinh sống.
Tương truyền, khoảng thế kỷ 15 những trận lũ lớn đã làm vỡ đê sông Luộc. Cánh đồng trũng của làng An Dương cùng một ngôi đền và gò đất cao bị nhấn chìm. Sau này nước rút đã tạo thành một hồ lớn, ở chỗ có gò đất hình thành một đảo nhỏ, cây cối dần sinh sôi, chim cò các nơi tìm về trú ngụ.
Lòng hồ An Dương bây giờ chỗ sâu nhất khoảng 18 m, nhưng khi trước còn sâu hơn. Ông Chắm nghe kể lại, chỗ gần đảo 1 là "gợ ông Câu" - nơi sâu nhất của hồ. Khoảng năm 1960, có ông Câu là trưởng đoàn lưới dịch (một đoàn đánh cá) từ Hà Nam sang kéo cá thuê. Do không nắm được địa hình, lưới bị sa xuống vùng nước sâu. Là người giỏi bơi lội, ông Câu lặn xuống gỡ, lưới được kéo lên nhưng xác ông 7 ngày sau mới tìm thấy. Từ đó khu này được gọi là "gợ ông Câu" - ý là một vùng nước sâu, bên dưới có nhiều thân cây cối. Dù bơi giỏi đến đâu cũng không ai dám ra vùng nước này, vì từ bé đã nghe dặn "gợ ông Câu nghịch lắm".
Ông Chắm kể, đảo 1 là đảo cổ có từ mấy trăm năm trước. Đảo 2 lớn hơn, cách bờ chỉ chừng chục mét, là toàn bộ diện tích của xóm Bờ Vực khi xưa. Lúc trước, trên đảo có 7 gia đình quần tụ, cây cối mọc um tùm và là nơi trú chân yêu thích của chim muông. Trước đây, để tránh những loài chim này dẫm lúa, người dân dùng đủ mọi cách xua đuổi như tạo âm thanh, dựng bù nhìn rơm, đốt lửa... "Từng có người đã gắn bộc phá lên cây. Sau tiếng nổ lớn, khói bụi và lông cò bay phấp phới, xác cò trắng vương vãi khắp dưới gốc cây. Nhưng không vì thế mà cò, vạc bỏ đi. Nó vẫn quyến luyến mảnh đất này, như thể đây là quê hương bản quán", ông Chắm bồi hồi.
Khi ấy ở xóm Bờ Vực có gia đình bà giáo Ê, là con cụ Quất đã rất quan tâm bảo vệ đàn cò. Sau này, chị Quế là con bà giáo Ê đã viết một bài báo về việc Đảo Cò bị tàn phá, cần bảo vệ các loài chim thì các nơi mới biết đến và các nhà khoa học tìm về. Đảo Cò được chính thức bảo tồn vào năm 1994 và 7 gia đình ở xóm Bờ Vực chuyển ra gần chỗ UBND xã Chi Lăng Nam bây giờ để nhường đất cho cò, vạc. Đàn cò được quan tâm bảo vệ hơn. Từng có những nhóm thợ săn quen hơi tìm đến đã bị dân làng truy đuổi và bây giờ không còn ai bén mảng. Còn người dân quanh đó sống chung, hòa hợp với đàn cò, vạc, đã coi chúng như những thành viên và có "sổ đỏ" ở mảnh đất này.
Theo ông Chắm, những năm gần đây, Đảo Cò liên tục được cải tạo. Từng lớp kè đá bọc bằng rọ sắt thả xuống bao quanh để đất trên các đảo không bị trôi xuống lòng hồ. Cây cối cũng được trồng dặm thêm nhiều, dù công việc này rất khó khăn khi cò, vạc ngày càng nhiều khiến số lượng cây chết tăng lên. Để giúp cò, vạc có vật liệu làm tổ chuẩn bị vào mùa sinh sản, quãng đầu tháng 3 hằng năm, du khách lại bắt gặp hàng chục người đàn ông ở làng An Dương ngồi cặm cụi chẻ tre rồi chèo thuyền mang ra đảo.
Dù được bảo tồn rất tốt, nhưng đàn cò, vạc vẫn không tránh khỏi sứt mẻ. Thỉnh thoảng người dân vẫn bắt gặp những xác cò treo ngược trên thân tre, dưới chân còn dính bẫy chuột chúng kéo về từ ruộng lúa. Một cò mẹ chết đi thì cả tổ cò non cũng không còn sống sót. Hoặc sau mỗi lần mưa bão, ông Chắm chèo thuyền ra nhặt cò non rơi đặt lên tổ nhưng tỷ lệ sống sót cũng rất thấp vì đặt sai tổ thì cò mẹ cũng không nuôi. Lo ngại nữa là rắn hổ mang đang phát triển mạnh vì trên đảo không có thiên địch, thường xuyên ăn trứng và chim non. Những con rắn hổ mang "mắc võng" trên thân tre là hình ảnh người dân bắt gặp ngày càng nhiều trên các đảo...
Dịch dã đang khiến những việc bình thường trở nên khó khăn. Những ngày này, thành viên của Tổ dịch vụ Đảo Cò cũng không thể thường xuyên chèo thuyền ra các đảo để kiểm tra. Nhưng với ông Chắm, thiên nhiên và động vật hoang dã sẽ trỗi dậy mạnh mẽ khi vắng bóng con người, giống như cái cách chúng bám trụ và sinh sôi ở mảnh đất này cả trăm năm qua!
TIẾN HUY