Đam mê du lịch, anh Phan Ngọc Mẫn (40 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đã dành 3 tháng và đầu tư 800 triệu đồng để biến chiếc xe 7 chỗ Land Cruiser 200 đời 2012 thành “ngôi nhà di động”.
“Nhiều người dò xét, đầu tư số tiền lớn như vậy cho một chiếc xe chỉ để đi du lịch vài ba ngày cuối tuần có đáng không? Tôi thì thấy hoàn toàn xứng đáng, bởi có những trải nghiệm không thể đong đếm bằng tiền bạc”, anh Mẫn chia sẻ.
Anh Phan Ngọc Mẫn đã có hơn 10 năm yêu thích, tìm hiểu và gắn bó với những chiếc xe thể thao đa dụng, đặc biệt là dòng xe có khả năng chinh phục địa hình gập ghềnh, hiểm trở. Một vài năm gần đây, khi các con bước vào tuổi thích khám phá, anh Mẫn và vợ thường xuyên đưa con đi du lịch trải nghiệm.
Anh Mẫn chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt nên tuổi thơ gắn bó với núi rừng. Sau nhiều năm bon chen ở thành phố, anh luôn khao khát được tìm kiếm sự yên bình, trong lành của thiên nhiên.
“Từ niềm đam mê của bản thân và mong muốn các con cũng được trải nghiệm tuổi thơ nhiều kỷ niệm, tôi quyết định làm ngôi nhà di động. Cứ cuối tuần, cả gia đình lại rong ruổi khắp các tỉnh, thành từ Quảng Bình trở vào miền tây, khi lên núi, khi ra biển”, anh chia sẻ.
"Ngôi nhà di động" đồng hành cùng gia đình anh Mẫn trong các chuyến đi
Chiếc xe được anh hoàn thiện vào tháng 12.2018. Đầu tiên anh nâng cấp hệ thống giảm xóc để xe được êm ái hơn. Anh thay hệ thống lốp xe ban đầu bằng hệ bánh gai, cộng thêm bộ chắn gầm xe để dễ dàng chinh phục những cung đường gồ ghề, địa hình hiểm trở.
Chiếc xe được trang bị đầy đủ hệ thống lều, bếp, bình nước, pin dự phòng, hệ thống bạt… Với mong muốn có “ngôi nhà di động” tiện nghi và an toàn nhất, anh Mẫn dành nhiều công tìm kiếm các sản phẩm chất lượng, đa dụng.
Chiếc xe được trang bị đầy đủ đồ dùng phục vụ các chuyến đi xa
Về hệ thống nước, anh sử dụng bình chứa nhôm khoảng 27 lít đặt trên nóc xe, đủ cho một gia đình 4 người sử dụng nấu ăn, tắm, giặt trong một ngày. Chiếc bình có giá 9,5 triệu.
Về hệ thống điện, anh đầu tư trạm sạc dự phòng di động Goal Zero Yeti 1400 Lithium - một trong những trạm sạc đa năng và sáng tạo nhất trên thị trường. Anh Mẫn chia sẻ, với công suất 1400W, trạm này có thể sạc điện thoại đến 400 lần, máy tính đến 23 lần, xem tivi 14 tiếng liên tục, thậm chí có thể nấu cơm luôn. Đây là trạm pin sạc bằng pin năng lượng mặt trời có giá khoảng 62 triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các chuyến đi xa, anh Mẫn cũng đầu tư 32 triệu để mua chiếc tủ lạnh hiệu ARB, nhập từ Úc. Chiếc tủ có thể làm lạnh ở nhiệt độ -18 độ C. “Tôi có thể làm đá, để đồ ăn như thịt, trái cây, rất tiện lợi và bảo đảm vệ sinh. Nhiệt độ tủ có thể điều chỉnh bằng điện thoại”, anh cho biết.
Anh sử dụng bộ bếp dã ngoại Ikamper nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, có giá 11 triệu đồng. Chiếc bếp nhỏ, gọn, cơ động, sử dụng bình gas mini - loại rất dễ mua ở bất cứ đâu.
“Khi đến địa điểm đẹp, gia đình chỉ cần dừng xe, kéo bạt che, hạ bếp là có thể vừa nấu ăn vừa ngắm cảnh”, anh cho biết. Anh Mẫn không sử dụng các loại bát đĩa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
Anh Mẫn có thể cắm nồi cơm điện bằng trạm sạc dự phòng di động Goal Zero Yeti 1400 Lithium
Lúc mới bắt đầu tham gia các chuyến cắm trại, anh Mẫn sử dụng lều dựng trên mặt đất. Khi gặp trời mưa hay ở nơi có địa hình gồ ghề, cả nhà rất khó ngủ vì đau lưng.
Trở về, anh tìm hiểu và quyết định nâng cấp, gắn lều trên nóc xe. Chiếc lều này lắp đặt sẵn trên xe nên việc dựng rất đơn giản, chỉ trong vỏn vẹn khoảng 1 phút. “Từ ngày có chiếc lều này thì kể cả đỗ xe ở vũng sình hay nơi gồ ghề sỏi đá, mình vẫn ngủ ngon. Bên trong lều có nệm, cửa sổ bên và cửa sổ trời”, anh Mẫn cho biết.
Chiếc lều trên nóc xe có giá khoảng 65 triệu đồng
Anh cũng trang bị thêm lò sưởi mini, bàn ghế gấp gọn đa năng, các loại nồi, chảo phục vụ việc nấu nướng…
Kể từ khi có “ngôi nhà di động” tiện nghi này, anh thường xuyên đưa vợ và các con đi du lịch trải nghiệm. Nhìn các con hào hứng vui đùa ở suối, biển, hòa mình với thiên nhiên, thay vì chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, tay cầm điện thoại, mắt chăm chú vào tivi, anh cảm thấy quyết định đầu tư chiếc xe là hoàn toàn chính xác.
“Tuổi thơ của các con chỉ trải qua một lần và tôi muốn cùng các con trải nghiệm thật nhiều kỷ niệm. Buổi sáng, cả nhà có thể hít hà không khí núi rừng hay ngắm bình minh trên biển”, anh Mẫn chia sẻ.
Anh Mẫn cho biết, anh từng có những chuyến đi kéo dài vài ngày đêm vào trong rừng sâu để “cách ly thế giới”. Ở đó, anh và những người bạn đồng hành đều không có sóng điện thoại hay internet.
“Đầu năm 2020, mình đi Đà Lạt. Mới tới ngày thứ 2, đồ ăn, nước uống đã cạn. Mấy anh em phải tận dụng hết những kỹ năng sinh tồn để kiếm đồ ăn, nước uống, thử thách thức chính bản thân mình. Cảm giác được trở về cuộc sống như thời nguyên thủy ấy rất thú vị”, anh Mẫn chia sẻ.
Mỗi chuyến đi đều mang tới những kỷ niệm đẹp với gia đình anh Mẫn
Gia đình nhỏ của anh Mẫn trong chuyến đi du lịch đầu năm nay
Thời điểm này, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh và cả gia đình phải tạm hoãn những chuyến đi du lịch. Chuyến đi cuối cùng của anh Mẫn là từ cuối tháng 5.2021 tới nay.
“Thời gian dài phải quanh quẩn ở nhà, không tới trường, không đi khám phá, các con rất buồn, thường xuyên hỏi bố mẹ là khi nào dịch bệnh mới qua. Lúc đầu mình dự định sẽ tổ chức buổi cắm trại tại nhà cho các con thay đổi không khí nhưng sau này, mình tham gia đội Phản ứng nhanh nên bận rộn và cũng thường xuyên phải tự cách ly nên chưa có cơ hội thực hiện”, anh Mẫn cho biết.
Hơn hai tháng nay, anh Mẫn tham gia đội Phản ứng nhanh (PNF), hỗ trợ vận chuyển hàng chục tấn rau củ, thực phẩm thiết yếu đến các khu cách ly, bệnh viện, nhà dân ở quận 7, Biên Hòa, Thủ Đức… đều đặn mỗi tuần. Đặc biệt, đội phản ứng nhanh này còn tham gia thu gom, chiết nạp oxy miễn phí và vận chuyển đến các bệnh viện hoặc nhà dân ngay lập tức khi nhận được yêu cầu.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, anh Mẫn sẽ lại tiếp tục đưa gia đình lên đường khám phá những cảnh đẹp của Việt Nam trên “ngôi nhà di động” đặc biệt.
Theo Vietnamnet