Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đã có ở 38 quốc gia/vùng lãnh thổ, song chưa ghi nhận ca tử vong nào vì biến thể này. WHO kêu gọi mọi người không nên quá hoang mang.
WHO đưa ra thông tin đáng chú ý trên, trong bối cảnh giới chức toàn cầu gấp rút áp đặt nhiều hạn chế đi lại để phòng ngừa biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo biến thể mới xuất hiện này có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cần vài tuần đánh giá
Ngày 3.12, theo Hãng tin AFP, WHO khẳng định phải mất vài tuần nữa để đánh giá đầy đủ hơn về biến thể mới, bao gồm khả năng lây nhiễm, nguy cơ gây bệnh nặng và mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị, vắc xin COVID-19 hiện có.
Bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO - khuyên mọi người không nên quá lo sợ vì biến thể Omicron. Theo bà Swaminathan, vẫn còn quá sớm để kết luận cần phải điều chỉnh lại các loại vắc xin.
"Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ vì chúng ta đang ở tình huống khác với một năm trước" - nhà khoa học trưởng WHO nói. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận chưa có đủ dữ liệu để nói về nguồn gốc của Omicron hay so sánh độc lực của biến thể này với các biến thể khác.
Ngoài ra, theo Hãng tin Reuters, WHO cảnh báo sự lây lan của biến thể mới có thể gây ra một nửa số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu trong vài tháng tới, dù lúc này Delta vẫn đang là biến thể lấn át, chiếm hơn 99% số ca mắc mới hiện nay.
Trước đó, một nghiên cứu sơ bộ chưa được bình duyệt, do các nhà khoa học Nam Phi công bố ngày 2.12, cho thấy Omicron có nguy cơ gây tái nhiễm COVID-19 cao gấp 3 lần so với các biến thể Delta hay Beta.
Ông Francesca Rocca - Chủ tịch Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là "bằng chứng cuối cùng" cho thấy thực trạng bất bình đẳng về tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, khoảng 65% người dân ở các nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều, trong khi tỉ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 7%.
Ngày 3.12, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết Omicron có thể kéo chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu, như những gì biến thể Delta gây ra trước đây. "Một biến thể mới có khả năng lây lan rất nhanh có thể ảnh hưởng tới niềm tin, vì vậy, chúng tôi phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với tháng 10" - bà Georgieva nhận định.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, như AFP đưa tin, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đạt 5,9% và năm 2022 đạt 4,9%. "Ngay cả trước khi xuất hiện biến thể mới này, chúng tôi đã lo ngại quá trình phục hồi, dù vẫn tiếp tục, nhưng sẽ chậm lại" - bà Georgieva nói thêm.
Trước đó, theo báo Guardian, ngày 1.12, OECD đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do lo ngại biến thể Omicron. OECD cảnh báo tâm lý lo sợ về biến thể mới có thể làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng lạm phát, hay thậm chí khiến hoạt động kinh tế giảm mạnh tương tự giai đoạn đầu đại dịch.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 5,6%, giảm 1% so với dự báo trước đó, và năm 2022 đạt 4,5%.
Nhà kinh tế trưởng của OECD - bà Laurence Boone - đưa ra hai kịch bản đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Omicron đang khiến quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19 trở nên không chắc chắn.
Ở kịch bản thứ nhất, nó làm tăng gián đoạn nguồn cung, kéo dài thời gian lạm phát cao trên thế giới. Ở kịch bản thứ hai, nếu biến thể Omicron trở nên nguy hiểm hơn các biến thể khác, chính phủ các nước có thể lại phải tung ra gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp mới cho doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Mỹ đẩy nhanh phê duyệt vắc xin, thuốc trị Omicron
Ngày 3.12, báo Wall Street Journal (WSJ) cho biết Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đang thiết lập cơ sở cho việc việc đánh giá nhanh các loại thuốc và vắc xin COVID-19 sẵn có song được điều chỉnh để chống Omicron nếu cần.
Theo đó, các công ty sẽ không phải làm các thử nghiệm kéo dài, quy mô lớn cần hàng ngàn tình nguyện viên và phải chờ một số người trong đó mắc COVID-19 có triệu chứng. Thay vì vậy, họ có thể đơn giản hơn các bước, chẳng hạn nghiên cứu phản ứng miễn dịch ở một vài trăm người.
Nguồn tin của WSJ cho biết các hãng dược cần khoảng 3 tháng để phát triển các vắc xin mới, sau đó sẽ xin cấp phép qua quy trình thẩm định nhanh và FDA sẽ mất từ 1-2 tuần để quyết định.
Theo Tuổi trẻ