Từ đầu tháng 3 đến nay nhiều mặt hàng trên thị trường nhất tề tăng giá, khiến người tiêu dùng “méo mặt”, nhất là người có thu nhập thấp. Câu chuyện giá cả lại là câu chuyện thời sự nhất trong bản tin “vỉa hè”.
Ngày nghỉ cuối tuần, trời mưa, tôi lò dò đến nhà văn hóa khu dân cư xem các cụ đánh cờ, mới thò đầu vào đã bị một bác “hưu non” phỏng vấn:
- Này, Chính phủ hô hào kiềm chế lạm phát để bảo đảm an sinh xã hội, lương thì chưa tăng đồng nào mà giá cứ tăng như "ngựa phi" thế này thì ông bảo sao mà sống nổi?
- Hai vợ chồng tôi cũng lương hưu như các bác, tháng hơn bốn triệu bạc phải chi cho một đứa đang học đại học mất đứt hai triệu còn hai vợ chồng cũng phải chia đều cho cả tháng chứ có sung sướng gì đâu - Tôi nói.
- Nhà ông còn sướng chán. Nhà tôi đây chỉ 1 suất lương hưu, bà xã thì chạy chợ “buổi đực, buổi cái”, cứ đến ngày mồng 5 hằng tháng mà chưa có lương hưu thì cũng “không dám nói to”, sợ nhất là người nhà ở quê gọi điện mời về ăn cỗ cưới hoặc trong xóm có nhà nào tổ chức cưới con. Thứ nữa là đến ngày nộp tiền điện, nước... - Một ông kể lể.
- Buồn cười nhất là hôm qua bà vợ tôi đi chợ về cầm trên tay mấy bó rau, một túm đậu rán và mấy lạng thịt ba chỉ mà mất đứt gần trăm nghìn đồng, lúc kiểm lại tiền mới “tá hỏa” tưởng là trả nhầm tiền. Mãi sau cộng cộng trừ trừ thì hóa ra do cái thằng “bão giá” nó "cuỗm” mất. Khổ thế! - Một người kể.
- Thôi thì trong thời buổi khó khăn chúng ta đành hết sức tiết kiệm, tỉ dụ nếu ta có thói quen ăn sáng bằng phở hoặc canh cá ở hiệu thì cứ rang cơm nguội cho thêm quả trứng vào cũng xong. Mỗi đằng tiết kiệm một chút thì cũng đỡ khó khăn...
- Nhưng người bệnh thì không thể tiết kiệm được! - Một ông cắt lời. Rồi ông kể: Hôm nọ tôi đi mua mấy hộp thuốc Boganic là loại thảo mộc chứ có phải thuốc nhập ngoại gì đâu mà mỗi hộp cũng tăng đến quá 30%. Lọ thuốc nhỏ mũi trước đây có 10 nghìn đồng mà bây giờ 15 nghìn đồng... Mà đã là người bệnh thì ai dám tiết kiệm với bệnh tật của mình.
Câu chuyện giá cả đang là đề tài nóng bỏng không kém gì chuyện động đất ở Nhật Bản...
NGUYỄN VIẾT