Các hộ nuôi thủy sản ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) đang lâm vào tình trạng khó khăn khi nguồn nước sông Cửu An ô nhiễm làm cá chết nhiều, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao.
Do nguồn nước sông Cửu An bị ô nhiễm nên tình trạng cá chết ở Đoàn Kết ngày một nhiều
Nguồn nước ô nhiễm, chi phí sản xuất tăng cao làm các hộ nuôi thuỷ sản ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) gặp nhiều khó khăn.
Cá chết hàng loạt
Xã Đoàn Kết có 120 ha nuôi thủy sản, trong đó có 90 ha sử dụng nước sông Cửu An để phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, nguồn nước này bị ô nhiễm khiến nhiều diện tích nuôi thuỷ sản bị ảnh hưởng nặng nề. "Hiện gia đình tôi không dám sử dụng nước sông Cửu An để nuôi cá vì nước càng ngày càng ô nhiễm. Tình trạng cá chết xảy ra liên tục, có hộ gần như mất trắng. Mong các cấp, ngành sớm có giải pháp để hỗ trợ người dân", ông Vũ Văn Tĩnh, thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết cho biết.
Theo phản ánh của người nuôi thuỷ sản ở xã Đoàn Kết thì tình trạng cá chết xảy ra nhiều vào mùa khô khi mực nước sông Cửu An xuống thấp. 2 tháng trở lại đây có đến 80% số hộ nuôi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đặc biệt có hộ 2 - 3 tấn cá bị chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. "Chỉ hơn tháng nữa là gần 4.000 con cá rô phi của gia đình tôi được thu hoạch nhưng vì nguồn nước không bảo đảm, thời tiết bất lợi nên cá bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng", anh Đặng Văn Tuyền ở xã Đoàn Kết chia sẻ.
Tháng 9 vừa qua, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã lấy mẫu nước sông Cửu An và một số hộ nuôi thuỷ sản để đánh giá. Tại điểm quan trắc sông Cửu An, mật độ coliform (một đánh giá về độ tinh khiết của nước dựa trên số lượng vi khuẩn tồn tại trong phân) cao hơn 2,7 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Điểm quan trắc tại hộ ông Đặng Văn Tuyền và Nguyễn Văn Điều ở xã Đoàn Kết, nồng độ P-PO4 và chỉ số COD cao hơn ngưỡng cho phép.
Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo các cơ sở nuôi không nên sử dụng trực tiếp nguồn nước sông Cửu An trong đợt quan trắc này để cấp cho ao nuôi. Nếu cần thiết phải lấy nước, các hộ nuôi cần bơm nước vào ao lắng, khử trùng nước bằng các hóa chất được phép lưu hành trên thị trường để giảm mật độ coliform trong nước. Trong trường hợp cá chết cần thu gom, chôn xuống đất có bổ sung 1% vôi bột và sát trùng quanh khu vực hố sau khi chôn...
Chi phí tăng cao
Nhiều người ở đây phải khoan giếng để lấy nước nuôi cá
Giá giảm, cá chết nhiều trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm các hộ nuôi thuỷ sản ở xã Đoàn Kết càng thêm điêu đứng. Hiện giá mỗi cân cá trắm cỏ từ 42.000-43.000 đồng, rô phi từ 25.000-26.000 đồng, cá chép 35.000 đồng. So với cùng kỳ năm trước giá các loại cá trên giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. "Giá cá giảm sâu, trong khi từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 6 lần. Giờ nuôi cá chỉ mong hòa vốn là may mắn lắm rồi", anh Tuyền cho biết thêm.
Cũng vì không thể sử dụng nguồn nước sông Cửu An nên các hộ ở vùng nuôi thuỷ sản tập trung xã Đoàn Kết phải sử dụng nguồn nước ngầm. Đến nay, 100% hộ nuôi ở đây đều lắp đặt từ 2-4 giếng khoan. Khi bơm vào ao, người dân phải xử lý bằng vôi bột, phèn. "Trước đây khi nước sông Cửu An chưa ô nhiễm chúng tôi chỉ cần bơm nước vào ao. Giờ đây muốn sử dụng nguồn nước này phải bỏ thêm tiền mua dung dịch xử lý rồi đợi nước sạch mới đưa cá vào nuôi. Hộ nào sử dụng nước ngầm thì thuê người khoan giếng, mua máy bơm mất khoảng 4 triệu đồng/giếng. Chi phí phát sinh nhiều khiến người nuôi cá ngày càng ngao ngán", ông Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Thuỷ sản Đoàn Kết cho biết.
Theo ông Đinh Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, nước sông Cửu An ô nhiễm diễn ra từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa tìm được cách giải quyết hiệu quả. Xã đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con chủ động xử lý nguồn nước, phòng bệnh cho cá. Khuyến khích người dân nuôi thử các loại thuỷ sản khác vừa phù hợp với điều kiện hiện nay, vừa đem lại hiệu quả kinh tế.
ĐỖ QUYẾT