Dẫu chưa một lần đặt chân đến nước Nga rộng lớn, xa xôi nhưng hơn nửa thế kỷ nay, tôi đã có trong mình một nước Nga - quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga phối hợp với Quỹ Hỗ trợ và quảng bá văn học Nga - văn học Việt Nam ra mắt các phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt thời gian gần đây
Suốt những năm tháng đói nghèo và chiến tranh, nước Nga trong con mắt của thế hệ chúng tôi (sinh những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước) hiện ra như một thiên đường đẹp đẽ, ấm áp.
Qua sách báo, phim ảnh, thiên nhiên nước Nga trong chúng tôi đẹp tuyệt vời. Chúng tôi đã đến "thăm" nhiều nơi trên đất nước Nga. Này đây rừng Taiga ở Xi-bê-ri với vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ, nên thơ, với những rặng núi cao đầy tuyết trắng, hồ nước xanh như ngọc, dòng suối dịu hiền, cánh đồng hoa dại đủ màu sắc...
Này đây bốn mùa tươi đẹp của nước Nga. Mùa xuân với những rừng táo, rừng đào nở hoa trắng muốt, rồi hoa tử đinh hương, hoa mận và hàng trăm thứ hoa khác tỏa hương. Mùa xuân nước Nga thật đẹp trong bài thơ "Thư gửi mẹ" của Ê-xê-nhin: "Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc". Mùa hạ với những đêm thảo nguyên xanh mênh mông và những tia chớp lặng lẽ trườn xuống cuối trời trong trang sách của Ai-ma-tốp. "Mùa thu vàng" lộng lẫy nắng thu, lá thu, rừng thu trong tranh Lê-vi-tan đã ám ảnh bao nhiêu thế hệ. Là quốc gia lạnh giá vào loại nhất châu Âu, mùa đông nước Nga hoang sơ và mang một vẻ đẹp lạ lùng trong những bài thơ "Con đường mùa đông", "Buổi tối mùa đông" của Puskin với "tuyết trắng và rừng bao la".
Nói đến con người Nga là phải nói đến "tâm hồn Nga", "tính cách Nga". Ở Nga có một từ rất nổi tiếng và thiêng liêng là "dusha", nghĩa là "tâm hồn". Ít có một dân tộc nào trên thế giới có một tâm hồn cởi mở, bao dung, nhân hậu, thủy chung, trong sáng như dân tộc Nga. Người Nga bộc trực, thẳng thắn, thành thực cả trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và biết giữ lời hứa. Người Nga chân thật, cả tin đến mức hay được gọi yêu là "ngố". Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ví "nụ cười của các giáo sư Xô Viết là nụ cười của bà mụ dạy, hay nụ cười ở nước thiên đàng, nghĩa là nụ cười ở xứ sở trong vắt không thể tìm đâu trên mặt đất bụi bặm".
Tâm hồn Nga là hiện thân của lòng vị tha, hào phóng, tận tâm, giàu đức hy sinh, quyết tâm tìm chân lý, sống đơn giản, ít đòi hỏi, thờ ơ với sự giàu sang. Người Nga cũng cần cù, yêu nước và giàu lòng trắc ẩn. Họ coi lòng trắc ẩn, sự cảm thông là quà tặng của thượng đế cho dân tộc Nga, là vũ khí chiến thắng cái ác.
Nói về văn hóa Nga, người ta thường so sánh với một nước khác cũng mênh mông, vĩ đại như nước Nga là nước Mỹ. Nếu Mỹ sở hữu một nền kỹ thuật tiên tiến, một trình độ tổ chức xã hội hoàn chỉnh và giàu có thì nước Nga lại mang trong mình một chiều sâu văn hóa, một sức mạnh tiềm tàng đang được giải phóng, một gã khổng lồ về cả diện tích và văn hóa khiến nước khác phải kính trọng.
Nói đến văn hóa Nga, người ta thường nhớ những lễ hội đậm màu sắc, những phong tục tập quán mang vẻ đẹp hồn hậu đặc trưng như phong tục đón khách bằng bánh mỳ và muối, những lễ cưới rộn rã sắc màu... Kiến trúc, hội họa, các điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật sân khấu, ba lê, opera, đồ chơi đất sét, búp bê Matryoshka, cỗ xe tam mã Nga... tất cả đều mang những dấu ấn Nga không thể nào trộn lẫn.
Độc giả Việt Nam còn say mê một nền văn học Nga vĩ đại và nhân văn. Người ta nói hai thứ đặc sản làm nên hồn cốt nước Nga là bánh mỳ đen với muối và văn chương. Suốt thế kỷ XIX và XX, văn học Nga luôn dẫn đầu thời đại, có số lượng phong phú cả về tác giả và tác phẩm, có chất lượng cao cả về tư tưởng, thẩm mỹ, có sức mạnh chiến đấu và vẻ đẹp độc đáo.
Nền văn học Nga suốt thế kỷ đã có những tác giả lỗi lạc trở thành danh nhân văn hóa của nhân loại như Puskin, Lép Tôn-xtôi, A.T Sê-khốp, Na-bô-kốp, Sô-lô-khốp... Họ được đánh giá là những nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nền văn học Nga suốt 2 thế kỷ qua còn có những tác phẩm được xếp vào loại kiệt tác của thế giới: "Chiến tranh và hòa bình", " Anna Karenina, "Tội ác và trừng phạt"...
Nền văn học Nga đã đạt được các tiêu chí cơ bản để được đánh giá là một nền văn học vĩ đại. Đó là tinh thần cao cả, sự phân tích xã hội sâu sắc, sự trăn trở tìm đường của mỗi cá nhân, của cả dân tộc và khao khát vươn tới cái đẹp, tính thiện.
Thế hệ chúng tôi còn sống trên nền nhạc Nga với những bài hát Nga. Ca khúc Liên Xô đến Việt Nam từ rất sớm, chỉ sau văn học một chút, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Các bài hát ấy được giới thiệu rộng rãi và phổ biến thường xuyên trên đài phát thanh, các sân khấu ca nhạc, các câu lạc bộ sinh hoạt của học sinh, sinh viên, thanh niên... Chúng tôi hát bài hát Nga ở mọi lúc, mọi nơi như giao thừa và họp mặt hát bài "Nâng cốc"; khi hùng tráng sôi nổi lên đường hát bài "Bài ca tuổi trẻ sôi nổi", "Cuộc sống ơi, ta mến yêu Người", "Xi-bê-ri nở hoa"; khi yêu thì hát bài "Triệu triệu đóa hoa hồng", "Tình ca du mục", "Đôi bờ", "Chiều Matxcova"; bộ đội vượt Trường Sơn hát bài "Katyusha"... Những bài hát của xứ sở Bạch Dương có ca từ đẹp, lời da diết, âm điệu lại rất đỗi dịu dàng, mang đến cho người nghe cảm xúc chân thành, tình cảm trong sáng và tinh thần lạc quan. Có lẽ chính chất nhân văn đẹp đẽ ấy đã từ nước Nga, vượt qua muôn trùng xa cách đến được với trái tim người yêu âm nhạc Việt Nam.
Yêu mến lắm, nước Nga ơi!
NGUYỄN THỊ LAN