Ông Biden, người vừa được truyền thông Mỹ loan báo chiến thắng trong bầu cử, được dự báo sẽ quay trở lại châu Á.
Một họa sĩ ở Mumbai (Ấn Độ) vẽ chân dung ông Joe Biden vào bức họa các đời Tổng thống Mỹ ngày 9.11. Ảnh: AFP
Với các nước như Nhật Bản, Singapore, lợi ích quốc gia gắn chặt với việc duy trì sợi dây liên kết với Mỹ bất kể người ngồi ở Nhà Trắng là ai. Ông Biden, người vừa được truyền thông Mỹ loan báo chiến thắng trong bầu cử, được dự báo sẽ quay trở lại châu Á.
"Ông ấy sẽ không chỉ đơn giản là xóa bỏ chủ nghĩa đơn phương và biệt lập của Trump, lại càng không muốn bị xem là mềm yếu với Trung Quốc", giáo sư Koichi thuộc Đại học Sophia (Nhật Bản) nêu quan điểm với Nikkei Asia Review.
Đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á háo hức
Nhiều chính phủ châu Á đã tranh thủ lấy lòng ông Biden ngay cả khi chiến thắng của ông chỉ mới được tuyên bố bởi phần lớn các hãng truyền thông vốn ủng hộ Đảng Dân chủ. Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận xét đây là một động thái "phá vỡ truyền thống" khi đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn chưa chính thức lên tiếng nhận thua.
Sự háo hức của châu Á dựa trên niềm tin rằng một nước Mỹ dễ đoán hơn trong các quyết sách với châu Á sắp sửa trở lại. "Nhiều quốc gia châu Á đang đánh trống ngực, háo hức mong chờ một nước Mỹ mới dưới thời Biden", tờ báo của Hong Kong viết.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và mới nhất trong ngày 9.11 là Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã lên tiếng chúc mừng ông Biden.
Đây đều là các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại châu Á. Viết trên Twitter, nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) nhận xét lập trường của Singapore về mối quan hệ với Mỹ vẫn chưa thay đổi và sẽ không thay đổi trong tương lai gần, bất kể ai là người đang nắm quyền ở Nhà Trắng: "Mỹ vẫn là đối tác an ninh chủ yếu của Singapore và sự hiện diện của Washington trong khu vực có ý nghĩa quan trọng với hòa bình, ổn định khu vực".
David Adelman, đại sứ Mỹ tại Singapore từ năm 2010 đến 2013, nhận xét sự háo hức của các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN, cho thấy khu vực đang hi vọng về sự trở lại của Mỹ trong các tổ chức đa phương. Mỹ đã không bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN kể từ năm 2017 đến nay.
"Các nhà lãnh đạo khắp châu Á đang mong tân chính quyền ở Washington sẽ xoay trục sang châu Á một lần nữa. Đây vốn là một trọng tâm dưới thời chính quyền Barack Obama" - ông Adelman viết.
Mỹ vẫn cam kết với châu Á
Do quá trình chuyển giao quyền lực vẫn chưa thực sự bắt đầu, mọi suy đoán về cách tiếp cận của chính quyền Biden trong các vấn đề cụ thể vẫn dựa trên các tuyên bố của ông trong quá khứ. Viết trên tạp chí East Asia Forum, nhà nghiên cứu Robert A Manning thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định chính quyền Biden tương lai sẽ tập trung vào việc "ngăn máu tiếp tục chảy" tại châu Á thay vì xóa bỏ các di sản của Trump tại khu vực.
Trong một tọa đàm trực tuyến được tổ chức hồi giữa tháng 10 mà phóng viên Tuổi Trẻ tham gia, các cây bút của tờ Nikkei Asia Review nhận định vấn đề nhân quyền sẽ nhận được sự chú ý đáng kể của chính quyền Biden. Các vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc hay vấn đề Hong Kong, Đài Loan sẽ được để mắt.
Theo giới quan sát, châu Á vẫn cần phải kiên nhẫn chờ thêm một thời gian để biết ai sẽ ngồi vào các vị trí quan trọng như ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia. Trong vấn đề Biển Đông, theo tờ Nikkei Asia Review, có thể vẫn sẽ trông chờ vào sự hiện diện của Mỹ song căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ giảm xuống và duy trì ở mức có thể kiểm soát.
Cũng giống như chính quyền Donald Trump, ông Biden nếu nhậm chức sẽ không thể "đòi" lại các thực thể tranh chấp cho bên nào đó liên quan trong khu vực nhưng sẽ tiếp tục thách thức các yêu sách vô lý của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Úc năm 2016, ông Biden từng khẳng định nước Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh Washington sẽ phối hợp cùng các đồng minh đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. Những điều này đã được ông nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử và cương lĩnh của Đảng Dân chủ.
Trung Quốc chưa chúc mừng Trái ngược với sự háo hức chung của châu Á, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng khi từ chối chúc mừng ông Joe Biden. Trong cuộc họp báo ngày 9.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lập luận chỉ có ông Biden "tự tuyên bố chiến thắng". "Theo cách hiểu của chúng tôi, kết quả của cuộc bầu cử sẽ được quyết định bởi các luật và quy định của Mỹ", ông Uông trả lời khi được hỏi trong họp báo. Tuy nhiên, ông bày tỏ hi vọng "tân chính quyền Mỹ có thể tìm được điểm giao thoa với Trung Quốc". |
Theo Tuổi trẻ