Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau

22/03/2019 12:24

Ngày Nước thế giới năm nay có chủ đề "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau" hướng đến việc tuyên truyền, vận động tạo cơ hội, nâng cao khả năng tiếp cận với nước sạch của các nhóm xã hội.


Mạng lưới cấp nước phủ sóng rộng khắp góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn Hải Dương

Nước cho cộng đồng

Việc tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Theo mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG6) của Liên hợp quốc, đến năm 2030, mọi người trên toàn cầu phải được công bằng trong tiếp cận, sử dụng nước uống an toàn với giá cả phải chăng. Chấm dứt sử dụng các nhà vệ sinh thô sơ, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người dễ bị tổn thương. Cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm, giảm thiểu giải phóng, xả thải các hoá chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa xử lý. Gia tăng hiệu quả sử dụng nước trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm khai thác, sử dụng nước ngọt bền vững để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người bị khan hiếm nước... 

Bà Ngô Thị Thảo, Trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau" bao gồm: nước cho phụ nữ; nước cho nơi làm việc, sản xuất; nước cho nông thôn; nước cho các bà mẹ, trẻ em, cho học sinh, sinh viên... 

Mục tiêu là vậy nhưng thực tế vẫn còn hàng tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, trong đó có các gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và các nhà máy. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc không được tiếp cận nguồn nước an toàn tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Ngày Nước thế giới năm nay hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao nhiều người bị bỏ lại phía sau trong quá trình tiếp cận nguồn nước an toàn.

Hải Dương làm tốt

Những năm qua, Hải Dương là một trong số ít địa phương đạt được kết quả tích cực trong việc cung cấp nước sạch, an toàn cho người dân. Đến hết năm 2018, đã có 221/227 xã trong tỉnh được cấp nước sạch đạt Quy chuẩn 02/2009/BYT, chiếm 97,4% tổng số xã. Toàn tỉnh đã xây dựng được 78 công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó có 73 công trình đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 120.000 m3/ngày đêm. Trong số này có 70 công trình sử dụng nước mặt, 3 công trình sử dụng nước ngầm. Các công trình cấp nước được đầu tư đồng bộ, mở rộng cấp nước theo hướng liên xã. Tất cả các công trình đang hoạt động cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn, bảo đảm về công suất, áp lực và lưu lượng nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân khu vực nông thôn.

Theo kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương, hết năm 2018, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 94,1%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu đạt 99,58%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 98,25%; tỷ lệ hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93,53%. Tất cả các trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 86,8%. Tất cả các công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững.

Bằng sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, mạng lưới cấp nước sạch khu vực nông thôn Hải Dương không ngừng mở rộng, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch ngày càng tăng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hải Dương phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ số dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.


 VỊ THUỶ       

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau