Nhiệm vụ chính của Hằng là thu thập thông tin dịch tễ, theo dõi sức khoẻ mọi người tại các khu cách ly tập trung, trung bình ngày làm việc 2 ca, mỗi ca 4-6 giờ.
Tình nguyện “nhập ngũ” chống dịch
7 giờ sáng thứ 2, trước cửa khu vực đợi xe ô tô của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội, Hà Thị Hằng, sinh viên năm 4 Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội tranh thủ ăn tạm chiếc bánh mỳ để tới khu cách ly tập trung hỗ trợ.
Hằng cho biết, trong đợt tình nguyện lần này trường có khoảng hơn 120 sinh viên tham gia. Riêng lớp y tế cộng đồng Hằng đang theo học có sĩ số 27 sinh viên, đều viết đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ CDC Hà Nội. Các bạn giúp thu thập thông tin dịch tễ của những người đi từ vùng dịch trở về, hoặc quá cảnh tại các sân bay, cảng quốc tế.
Không chỉ thời gian này mà ngay từ những ngày đầu tháng 3.2020, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội hăng hái tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại CDC Hà Nội. Tất cả chung tay, góp sức mình nhỏ bé của mình vào cuộc chiến đẩy lùi virus Corona.
Nữ sinh Hà Thị Hằng (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm sinh viên tình nguyện. Ảnh: NVCC
Hằng chia sẻ, khi biết CDC Hà Nội thiếu nhân lực hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, các em chủ động viết đơn xin phép nhà trường và trung tâm để “nhập ngũ” vào cuộc chiến. Đại học Y Hà Nội lựa chọn sinh viên tham gia chống dịch dựa trên tinh thần tự nguyện và ngành học để phân bổ nguồn lực vào đúng lĩnh vực theo học để phát huy tối đa sự hỗ trợ.
Các sinh viên hỗ trợ tại CDC Hà Nội sẽ tham gia nhiều công việc khác nhau như: Tìm hiểu thông tin các chuyến bay, những người trên chuyến bay đến từ đâu và đã đi những đâu, họ có tiếp xúc và đi qua vùng dịch hay không. Nhiều bạn sẽ ra sân bay, trực web, trực tổng đài y tế, thống kê, nhập thông tin dịch tễ học…
Ban đầu, khi biết con tham gia chống dịch, bố mẹ Hằng phản đối không cho đi, họ lo lắng khi đây đang ở thời điểm dịch diễn biến phức tạp.
Lúc đó, Hằng ra sức thuyết phục bố mẹ: “Bây giờ con đang học ngành y, chuyên môn về Y tế cộng đồng. Đây vừa là cơ hội, là thách thức giúp con hiểu được những việc sau này ra trường con sẽ phải làm. Đồng thời, ngành y đang rất cần những tình nguyện viên hỗ trợ, nếu những bác sĩ tương lai mà sợ thì người dân sẽ nghĩ sao”.
Để được bố mẹ đồng ý, cô sinh viên hứa sẽ bảo vệ bản thân thật tốt, ăn uống đầy đủ chất và thường xuyên giữ liên lạc để gia đình yên tâm.
Lao mình vào “cuộc chiến”
Nhớ lại lần đầu đến khu cách ly tập trung để thu thập thông tin, Hằng hơi choáng ngợp vì không nghĩ lại có hàng nghìn kiều bào từ nước ngoài trở về như vậy. Hằng thừa nhận lúc đó thấy hơi sợ vì nguy cơ lây nhiễm càng cao.
“Để chế ngự được nỗi sợ cần 3 điều quan trọng nhất, đó là tâm lý, suy nghĩ và hành động. Tâm lý phải vững, suy nghĩ lạc quan và làm việc luôn tay luôn chân tự nhiên sẽ chẳng con sợ gì nữa”, Hằng nói.
Nhóm của Hằng có 10 bạn, chia các ca, mỗi ca làm việc khoảng 4-6 tiếng. “Chúng em phân chia các ca trực xen kẽ nhau để tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức. Thường công việc sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 7 giờ tối, mỗi tình nguyện viên sẽ làm việc 2 ca/ngày”.
Nhiệm vụ chính của Hằng và các bạn là thu thập thông tin cá nhân, tư vấn và theo dõi tình hình sức khoẻ mọi người tại các khu cách ly, nếu thấy bất ổn sẽ báo ngay CDC Hà Nội để có phương án xem xét. Trung bình mỗi sinh viên thu thập 200- 300 phiếu khai báo/ngày, tuỳ vào số lượng người và quốc tịch khác nhau.
Trước khi vào thu thập thông tin tại khu vực cách ly, tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm, Hằng và nhóm đều phải mặc độ bảo hộ y tế, không sử dụng điện thoại và khử trùng toàn thân nghiêm ngặt. Vì vậy, tỷ lệ lây nhiễm sẽ rất thấp. Tuy nhiên Hằng cho biết bản thân tự cách ly với gia đình, bạn bè để giảm các nguy cơ lây nhiễm.
Mỗi khi mệt mỏi, mình và các bạn luôn tự động viên nhau “cố gắng lên vì chẳng mấy khi đất nước cần mình”. Cuộc chiến này sẽ còn dài, ít nhất trong 1-2 tháng tới đây, bản thân phải khoẻ mới giúp sức cùng cả nước đẩy lùi dich bệnh.
Dù đợt tình nguyện này khá vất vả và nguy hiểm, nhưng Hằng luôn lạc quan, nhờ những việc làm thực tế này. Những lý thuyết học trên lớp đều được vận dụng ngay và thậm chí thực tiễn đã dạy sinh viên các kỹ năng khác hơn sách vở rất nhiều lần. Đó chính là vốn liếng mà không phải sinh viên nào sắp tốt nghiệp cũng có được.
“Lao thân mình vào giữa cuộc chiến em mới thấy dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào thì người Việt vẫn luôn quan tâm, đùm bọc lẫn nhau. Hàng nghìn kiều bào trở về nước và dĩ nhiên nhà nước luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón, bố trí nơi ăn ở trong khoảng thời gian cách lý, cảm giác rất ấm lòng”, Hằng tâm sự.
Theo VTC