Chất lượng môi trường ở nông thôn trên địa bàn Hải Dương đã được cải thiện, cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Nhiều giải pháp
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, từ sinh hoạt gia đình, đời sống cộng đồng đến sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp. Một số địa phương từng bước triển khai phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Đường làng, ngõ xóm được vệ sinh thường xuyên. Cống rãnh, ao hồ được khơi thông, nạo vét. Nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được triển khai. Rác thải tập trung đúng nơi quy định. Hiện nay phần lớn các địa phương ở nông thôn đều tích cực trồng hoa, cây xanh hai bên đường, khu vực đất trống, khu vực công cộng để tạo cảnh quan môi trường chung. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã triển khai áp dụng các mô hình canh tác hữu cơ, không lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Phần lớn các địa phương đã bố trí ô, thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tình trạng vứt rác ra kênh mương, bờ vùng ở cánh đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nông thôn xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này đã được khắc phục. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 làng nghề được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 52 làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. 14 làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường do hầu hết các làng nghề này chỉ còn 2-3 hộ làm nghề. Có 63 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và có điểm tập kết chất thải rắn tập trung.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành cho biết, thời gian qua các địa phương trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, huyện đã nhân rộng mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn 18 xã của huyện. Hướng dẫn các địa phương rà soát, bố trí địa điểm để xây dựng ô ủ rác tập trung, điểm tập kết, trung chuyển rác sinh hoạt. Đóng cửa nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đầy, không thể cải tạo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Cùng với chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Theo Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, hội nông dân cấp huyện đã xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường tại 100% cơ sở hội. Đến nay có 527 mô hình “Chi hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, 289 mô hình “Cánh đồng không rác thải”, 111 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ”. Hội Nông dân các cấp cũng phối hợp hỗ trợ các thùng ủ rác, men vi sinh cho các hộ nông dân tham gia mô hình.
Hiệu quả thiết thực
Là một trong những địa phương điển hình trong tỉnh về phân loại rác thải tại nguồn, hiện nay hoạt động phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen của người dân trên địa bàn huyện Nam Sách. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, từ khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên quy mô toàn huyện, ý thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong huyện về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được nâng cao. Chất lượng môi trường nông thôn của huyện được cải thiện, có bước tiến vượt bậc.
Chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng chủ yếu là rác thải nông thôn. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, hiện nay rác thải sinh hoạt đã được người dân bỏ vào túi kín, tạo điều kiện cho công tác thu gom. Tình trạng đổ trộm rác thải, rác thải vứt rải rác dọc quốc lộ 5 qua một số địa phương trên địa bàn huyện đã được khắc phục. Các bãi rác đã đầy, dừng sử dụng đang được các địa phương đóng cửa. Đến nay có 26 bãi rác đã san gạt, lấp đất và trồng cây. Huyện đã cơ bản giải quyết được vấn đề bức xúc do rác thải gây ra, góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trưởng tỉnh khẳng định: Hàng loạt giải pháp các địa phương, đoàn thể đã và đang triển khai đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, giúp giảm thiểu các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường nông thôn. Môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi rõ ràng. Đường làng, ngõ xóm khang trang. Cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Sự thay đổi tích cực của môi trường nông thôn đã góp phần quan trọng vào chất lượng môi trường của tỉnh. Cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và công bố kết quả thực hiện bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, tỉnh Hải Dương đứng thứ 22 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 26 bậc so với năm trước đó.
PHAN TRANG