Người nâng tầm củ tỏi Kinh Môn

23/02/2020 07:15

Sản phẩm của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico của ông chủ Nguyễn Văn Ánh đã vươn cả ra thị trường thế giới.

Anh Nguyễn Văn Ánh giới thiệu sản phẩm tỏi đen với khách hàng

Từ một sĩ quan quân đội rẽ ngang, với niềm đam mê, sẵn sàng vượt qua thất bại, anh Nguyễn Văn Ánh ở phường An Phụ (thị xã Kinh Môn) đã tự tìm ra cách làm tỏi đen và nhiều sản phẩm từ tỏi. Sản phẩm của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico của ông chủ Nguyễn Văn Ánh đã vươn cả ra thị trường thế giới.

Không nản chí

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất tỏi đen, người đàn ông nhỏ nhắn, đôi mắt tinh anh, nhanh nhẹn rất vui vì sau bao gian khó đến nay anh đã thu được quả ngọt. Để công ty làm ăn phát đạt, sản phẩm được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến như ngày hôm nay, anh Ánh đã phải trải qua không ít thăng trầm. Qua giọng kể trầm ngâm, những "thước phim" về đam mê, khát vọng và hành động để biến ước mơ thành hiện thực của người đàn ông sinh năm 1978 này dần được tái hiện.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh, anh Ánh về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, sau đó chuyển về Ban Chỉ huy quân sự huyện Cẩm Giàng, rồi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương. Tuy là sĩ quan quân đội nhưng vì niềm đam mê với khoa học, kỹ thuật nên anh rất thích tìm hiểu những vấn đề về sinh học, y học.

Năm 2012, anh Ánh bắt đầu nghiên cứu về nuôi cấy mô tế bào thực vật để tìm nguyên liệu làm thuốc. Mặc dù từng đi nhiều nơi, đọc nhiều tài liệu, nghiên cứu nhiều loại cây khác nhau như đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến, tảo xoắn... nhưng anh vẫn chưa định hình được mình sẽ chọn loại cây nào để chế biến ra các sản phẩm giúp nâng cao sức khỏe như anh hằng mơ ước.

Giữa lúc còn đang loay hoay, anh Ánh được một người bạn nhờ mua giúp 20 kg tỏi để chế biến thành tỏi đen. Lúc này anh Ánh nhận ra nguyên liệu mình đang cần không phải tìm kiếm đâu xa mà gần ngay bên cạnh.

Kinh Môn là vựa tỏi lớn nhất nhì miền Bắc. Anh cũng hiểu rõ tỏi có nhiều công dụng tốt thế nào đối với sức khỏe con người. Chẳng thế mà từ xưa các cụ đã biết dùng tỏi vào nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Để hiểu hơn về công dụng của tỏi, ngoài tìm hiểu các bài thuốc từ dân gian, anh quyết định lên mạng tra cứu, tìm hiểu. Tìm kiếm bằng ngôn ngữ tiếng Việt, anh nhận thấy các tài liệu, thông tin nói về tỏi đen rất ít. Anh chuyển sang tra cứu bằng tiếng Anh và đã tìm được 2 tài liệu của Hàn Quốc, Nhật Bản nói về quy trình sản xuất cũng như công dụng của tỏi đen.

Nhờ phiên dịch, anh thấy tỏi đen có rất nhiều công dụng như chống lão hóa, làm đẹp da, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, viêm xoang, tiểu đường, ung thư... đáp ứng được các tiêu chí anh đang tìm kiếm. 

Sản phẩm tỏi đen Vietkiga của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 4 sao, cao nhất tỉnh

Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu tài liệu, anh Ánh tự mua nguyên liệu, thiết bị về đóng tủ ủ tỏi. Tủ được làm bằng nhôm, có bộ bảo ôn bằng xốp, chạy bằng điện.

"Mẻ đầu tiên, tôi mua 20 kg tỏi về ủ thử. Trong tài liệu nghiên cứu viết 1 mẻ ủ phải kéo dài 45 ngày nhưng tôi mới làm 15 ngày đã được. Tỏi thành phẩm khi ăn khá dẻo, có vị chua chua, ngọt ngọt. Mặc dù còn nhiều băn khoăn về thời gian ủ cũng như chất lượng sản phẩm nhưng tôi tự tin rằng sản phẩm mình làm ra chính là tỏi đen", anh Ánh kể.

Không chỉ để gia đình ăn, anh Ánh còn mang biếu bạn bè, đồng nghiệp và ai cũng thích. Sau mẻ đầu tiên, anh Ánh quyết định làm mẻ thứ hai và mẻ thứ ba bằng chính chiếc tủ do mình tự chế.

Tuy nhiên, thời gian ủ 2 mẻ này lại ngắn hơn mẻ ban đầu và chất lượng sản phẩm các mẻ làm ra cũng không giống nhau. Kết quả ấy khiến anh Ánh khá bối rối, không biết chất lượng sản phẩm của mẻ nào mới đúng và thời gian ủ chính xác là bao lâu.

Để chắc chắn về mùi vị của sản phẩm, anh Ánh đã nhờ mua 1 kg tỏi đen từ Nhật Bản về với giá 4,5 triệu đồng. Anh cũng được một người bạn tặng 1 hộp tỏi đen của Hàn Quốc.

Nếm các sản phẩm này, anh thấy tỏi thơm thoang thoảng mùi thuốc bắc, ngọt dịu và chua nhẹ. Nhận thấy quy trình sản xuất của mình chưa đúng, anh Ánh bỏ chiếc tủ ban đầu để tiếp tục nghiên cứu, thiết kế một chiếc tủ mới. Mẻ này ra đời sau 25 ngày ủ, có hương vị gần giống như những sản phẩm mà anh đã thử của Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả này đã mở ra những bước chuyển quan trọng trong hành trình làm tỏi đen của anh. 

Để đưa tỏi đen ra thị trường, anh Ánh chọn bán sản phẩm trên mạng xã hội Facebook. Không ngờ từ kênh bán hàng này anh đã nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Đây là động lực để anh quyết định nâng công suất tủ ủ lên 300 kg/mẻ. Nhưng do vẫn giữ thiết kế cũ, trong khi công suất tăng lên nên đã không đáp ứng được yêu cầu. Anh lại bắt tay vào nghiên cứu tủ ủ mới đáp ứng được công suất lớn.

"Trải qua khoảng 4-5 lần nghiên cứu, đóng tủ mới với khoảng 20 tấn tỏi ủ bị hỏng và số tiền nợ khá lớn, có thời điểm bế tắc, tôi phải rẽ sang hướng kinh doanh khác để duy trì cuộc sống. Nhưng với niềm đam mê, muốn nâng cao giá trị cây tỏi của quê hương nên tôi vẫn quyết định quay trở về với cây này", anh Ánh chia sẻ.

Chuyển hướng cuộc đời

Nông dân phường An Phụ xây dựng vùng trồng "tỏi cô đơn" để cung cấp cho công ty của anh Ánh

Vừa công tác trong quân đội, vừa làm kinh doanh bên ngoài khiến anh Ánh đuối sức. Công việc nào cũng dở dang, không chuyên tâm. Chính vì thế, sau nhiều đêm trằn trọc, tháng 9.2017, anh viết đơn xin ra khỏi quân ngũ để toàn tâm, toàn ý nghiên cứu quy trình sản xuất tỏi đen.

Anh nhận thấy trên thị trường hiện nay có rất nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh tỏi đen nhưng chỉ là sản phẩm tỏi thuần túy, giá cao nên khá kén chọn người dùng. Từ đó, anh nảy ra ý định phải đưa được nguyên liệu tỏi đen vào các sản phẩm khác. Anh muốn làm cho tỏi đen trở thành một gia vị dễ ăn, mọi người có thể ăn được chứ không chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có điều kiện kinh tế. 

Để thực hiện ước mơ đó, anh Ánh quyết định "đập mọi thứ đi để xây lại từ đầu". Anh tạm dừng sản xuất một thời gian để xốc lại các hoạt động. Anh xây dựng thương hiệu một cách bài bản hơn bằng việc thuê tư vấn thiết kế lại nhãn hiệu hàng hóa lấy tên Vietkiga chứ không phải Agrico như trước đây. Anh còn tham gia 1 khóa học về quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, anh đào tạo, xây dựng đội ngũ bán hàng riêng cho doanh nghiệp. Với mong muốn sản xuất quy mô lớn, anh đã thuê nhà xưởng rộng hơn để đặt thiết bị máy móc. Hiện nay, anh Ánh có khu nhà xưởng rộng 500 m2 với 4 tủ ủ tỏi, công suất 1,5 tấn/mẻ. Theo anh Ánh, để sản phẩm làm ra mẫu mã đẹp, thuận lợi cho người dùng thì phải dùng tỏi cô đơn thay cho tỏi nhánh.

Nếu trồng tự nhiên, tỏi cô đơn chỉ chiếm 1-2% diện tích, không đáp ứng được nhu cầu của công ty. Vì thế để có được nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, anh phối hợp với một số nông dân ở phường An Phụ xây dựng vùng nguyên liệu tỏi rộng 3 ha, sản lượng tỏi cô đơn đạt từ 70-80%.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, anh Ánh đã khẳng định được thương hiệu tỏi đen Vietkiga trên thị trường. Ngoài tỏi đen, anh còn làm ra nhiều sản phẩm khác từ tỏi. Anh đang hợp tác với Công ty CP Dược phẩm Dolexphar (Hải Dương) để sản xuất si rô cho trẻ em.

Nguyên liệu tỏi đen còn được đưa vào sản xuất miến, mì. Công ty cũng nghiên cứu để chế biến ra rượu vang từ tỏi và đưa ra thị trường đúng dịp Tết Canh Tý 2020 vừa qua. Rượu dễ uống, lại tốt cho sức khỏe nên đã được người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm tỏi đen của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp 4 sao, cao nhất tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm tỏi đen và các sản phẩm từ tỏi của công ty không chỉ có mặt tại hơn 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam mà đã được xuất khẩu chính ngạch sang Pháp. Công ty đang tiếp tục đàm phán về giá bán, cách thức thanh toán với một số khách hàng ở Hàn Quốc và Cộng hòa Séc.

Đánh giá về mô hình sản xuất, kinh doanh của anh Ánh, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn khẳng định đây là mô hình tiêu biểu của địa phương, góp phần khẳng định chất lượng tỏi Kinh Môn trên thị trường.

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nâng tầm củ tỏi Kinh Môn