[Audio] Tái cơ cấu nông nghiệp         

15/03/2023 10:00

Trong xây dựng nông thôn mới, Hải Dương luôn chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

00:00


Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới là điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh 
Ảnh: Thành Chung

 Đây cũng chính là giải pháp căn cơ thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển.

Chuyển dịch mạnh mẽ

Những năm qua, Hải Dương đã khai thác thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi cùng tập quán canh tác của từng địa phương nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Với nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ làm đòn bẩy, sản xuất nông nghiệp có bước chuyển lớn phù hợp với xu thế. Cơ cấu ngành chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Trong nội tại các ngành cũng có sự chuyển dịch để đáp ứng với yêu cầu sản xuất mới. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng của tỉnh có chuyển biến tích cực khi thay thế các giống cây có năng suất, chất lượng thấp sang những giống mới cho hiệu quả cao, nhất là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa trong tỉnh giảm mạnh, hiện chỉ duy trì hơn 110.000 ha/năm song do áp dụng đồng bộ các giải pháp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Với sản lượng gần 700.000 tấn thóc/năm, tỉnh không chỉ bảo đảm nhu cầu lương thực trong toàn tỉnh mà còn phục vụ thị trường bên ngoài. Đặc biệt, Hải Dương còn có gần 2.300 ha diện tích lúa đặc sản đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Sản xuất rau màu cũng đã trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh trồng trọt của tỉnh. Với hơn 41.000 ha rau màu, tỉnh đã xây dựng được các vùng tập trung, giá trị trung bình đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng chuyên canh rau màu, cây thực phẩm trong tỉnh đã khẳng định được thương hiệu như: củ đậu Kim Thành; hành tỏi Kinh Môn, Nam Sách; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách... Các loại cây ăn quả cũng phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như: ổi Thanh Hà, Ninh Giang; vải Thanh Hà, Chí Linh; na Chí Linh; chuối Thanh Hà, Tứ Kỳ...

Dù phải chịu áp lực lớn về thị trường, dịch bệnh nhưng nhờ thay đổi phương thức sản xuất mà chăn nuôi cũng trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tỷ trọng chăn nuôi theo hướng công nghiệp hàng hóa đạt hơn 60%. Chất lượng con giống ngày càng được cải thiện đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thương phẩm. Tổng đàn gia cầm của tỉnh khoảng 15 triệu con, đàn lợn khoảng 370.000 con, cho sản lượng 115.000 tấn thịt hơi và 520 triệu quả trứng mỗi năm. Ngành thủy sản phát triển toàn diện cả về diện tích và sản lượng. Diện tích nuôi thủy sản gần 12.000 ha, sản lượng gần 88.000 tấn và 90% diện tích nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh cho năng suất gấp 3 lần cách nuôi truyền thống.


Hải Dương có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng đồng bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Trong ảnh: Trang trại nuôi lợn của Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Cẩm Giàng

Nhiều điểm nhấn

Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm; quan tâm xây dựng chuỗi liên kết, hướng tới giá trị là mục tiêu sản xuất để ngành phát triển ổn định, lâu dài.

Những điểm nhấn nổi bật trong nông nghiệp của tỉnh được khởi đầu từ phong trào dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2014-2015. Phong trào này đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trên đồng ruộng để tỉnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Từ hơn 54.000 ha được chia nhỏ trung bình 6 thửa/hộ nay dồn lại chỉ còn từ 1-2 thửa/hộ. Từ đây, người dân quan tâm hơn đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh xây dựng được hơn 430 vùng sản xuất tập trung, tăng hơn 300 vùng so với trước năm 2016. Các vùng đều có hợp đồng bao tiêu tối thiểu 50% sản lượng và giá trị cao hơn từ 1,5-3 lần so với sản xuất nhỏ lẻ. Lĩnh vực chăn nuôi cũng được chuyển dịch theo hướng tập trung. Hiện toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa nằm xa khu dân cư với quy mô từ 3 ha/khu trở lên.

Thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là cây vụ đông, lúa gạo, quả vải… đều được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Nguyên nhân do sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong cả trồng trọt lẫn chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 15.500 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Tỉnh cũng xây dựng được hơn 40 vùng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích khoảng 600 ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được quan tâm đầu tư với khoảng 30 ha sản xuất trong nhà màng, nhà lưới và hơn 500 ha sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong chăn nuôi, người dân chủ động phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, chú trọng sản xuất sạch, an toàn. Hiện toàn tỉnh có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất công nghệ cao, 122 cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Trên nền tảng sản xuất sạch, cùng sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nông dân thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng. Từ đó nâng cao vị thế, giá trị của sản phẩm với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại khác. Sản xuất sạch là yếu tố quyết định hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Sản xuất theo đơn đặt hàng giúp tránh được vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá đã tồn tại lâu nay. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 40 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, là bước đệm để nông sản của tỉnh hướng tới mục tiêu cao hơn là xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

10 năm xây dựng nông thôn mới cũng là từng ấy thời gian nông nghiệp của tỉnh tái cơ cấu mạnh mẽ nhất. Những chính sách trong phát triển nông nghiệp thời gian qua là điểm tựa để tỉnh hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Tái cơ cấu nông nghiệp         
    ss