Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Kinh Môn khắc phục khó khăn, tập trung làm đất vụ đông

THU XUÂN - LÊ HƯƠNG 14/10/2024 16:30

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, những ngày này, nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vẫn đang khắc phục khó khăn, tập trung làm đất vụ đông.

Nông dân Kinh Môn tranh thủ thời tiết nắng hanh để làm đất trồng hành, tỏi

Trên cánh đồng xã Hiệp Hòa nhộn nhịp tiếng máy cày, tiếng nói chuyện của bà con nông dân. Ông Bùi Văn Bắc ở thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa cho biết, mọi năm đất tơi, dễ làm. Sau khi thuê máy cày, ông chỉ làm 2 công là lên luống xong 1 sào. “Năm nay đất nát, nặng tay, khó làm. Nhà tôi phải mất 4 công mới lên luống xong 1 sào”, ông Bắc nói. Nếu thời tiết thuận lợi, vài ngày nữa, nông dân ở đây sẽ hoàn thành khâu làm đất.

lam-dat-vu-dong-1.jpg
Người dân tập trung máy móc làm đất sản xuất vụ đông

Hơn 5 năm thực hiện dịch vụ làm đất, trung bình mỗi vụ đông, anh Phạm Văn Tám ở phường Phạm Thái nhận làm khoảng 18 mẫu trồng hành, tỏi cho bà con. “Những vụ đông trước, lúa gặt đến đâu bà con thuê tôi làm đất ngay đến đó. Những lúc cao điểm, máy gặt lúa đi trước là máy làm đất theo sau. Thế nhưng năm nay hầu hết diện tích sau khi gặt đều phải phơi đất chờ ráo mới đưa máy vào làm. Một số diện tích đất còn nhão, phải cày qua một lượt, đợi đất tơi rồi mới quay lại vằm nhỏ, vun thành luống”, anh Tám cho biết.

Cánh đồng khu Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn là khu đồng trũng của thị xã. Đợt mưa bão đầu tháng 9, nước ngập đến 2/3 cây lúa. Hiện lượng nước trong đất vẫn còn nhiều. “Nếu thời tiết cứ nắng hanh như những ngày này thì khoảng 1-2 ngày nữa máy sẽ làm đất được”, bà Tô Thị Hợi, khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn cho biết.

lam-dat-vu-dong-3.jpg
Do đất chưa được khô ráo nên khâu làm đất mất nhiều công hơn so với mọi năm

Vụ đông luôn là vụ sản xuất được nông dân thị xã Kinh Môn mong chờ nhất trong năm bởi giá trị kinh tế mang lại cao, đặc biệt là cây hành, tỏi. Dù khó khăn nhưng những ngày này, người dân ở đây vẫn tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa phương tiện, máy móc và nhân lực để làm đất.

Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở khu dân cư Quảng Trí, phường Phạm Thái trồng 2 mẫu hành và 1 mẫu tỏi. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, gia đình đã chủ động khơi các rãnh nhỏ quanh ruộng để đất nhanh khô. Nhờ huy động máy móc, nhân lực, gia đình anh đã làm đất cơ bản, bắt đầu đưa hành tỏi giống ra trồng.

lam-dat-vu-dong-2.jpg
Nông dân vơ rạ, phơi mặt ruộng để đất khô ráo, dễ làm hơn

Còn thợ cày Phạm Văn Tám thì lạc quan: "Nếu làm ngày không kịp, vài ngày tới tôi sẽ tranh thủ làm cả đêm, phục vụ bà con”.

Một thuận lợi nữa đối với người trồng hành, tỏi ở Kinh Môn là thời điểm này, giá thuê nhân công, máy móc, giá các loại phân bón không tăng. Hành, tỏi giống được để lại từ vụ trước nên nông dân chủ động xuống giống gieo trồng ngay sau khi làm đất xong.

Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, năm nay tuy bị ảnh hưởng bởi bão lũ nhưng diện tích trồng cây vụ đông của địa phương không giảm. Thị xã có kế hoạch trồng 4.430 ha cây vụ đông, tăng hơn 20 ha so với năm 2023.

Diện tích vụ đông lớn do nông dân chủ động khắc phục khó khăn, tập trung các nguồn lực làm vụ đông. Một số diện tích chuối, sắn dây và hoa màu ở vùng đất ngoài đê bị chết do bão lũ được người dân cải tạo, tận dụng trồng cây vụ đông.

la-dat-vu-dong-4.jpg
Người dân phá bỏ các gốc sắn dây bị chết sau bão, trồng hành tỏi khu ngoài bãi xã Lạc Long

Ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết thị xã sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành diện tích gieo trồng vụ đông trong khung lịch thời vụ tốt nhất. UBND thị xã yêu cầu các phòng, ban, UBND các xã, phường hoàn thiện sớm hồ sơ hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão lũ. Đặc biệt lưu ý việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho cây vụ đông và kịp thời tiêu thoát nước nhanh khi có mưa úng xảy ra. Nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, vệ sinh đồng ruộng, xử lý và làm đất khẩn trương để kịp thời vụ...

Dân Thượng Quận trồng cây vụ đông thay chuối

Ngày 13/10, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận cho biết toàn bộ 50,5 ha trồng chuối của địa phương bị chết do cơn bão số 3 đang được người dân làm đất, trồng các loại cây vụ đông. Trong đó, 70% số diện tích được người dân trồng hành, tỏi, còn lại trồng bí xanh và các loại cây hoa màu khác.

Khó khăn khi trồng cây vụ đông trên diện tích chuối bị chết là phải thu gom cây chuối, cuốc gốc và san gạt lại đất. Chi phí thuê nhân công, máy móc phục vụ khâu làm đất cao, từ 1,4-1,5 triệu đồng/sào. Dự kiến, khoảng 10 ngày nữa, người dân sẽ trồng hành, tỏi xong, sau đó chuyển sang diện tích bí xanh, ngô, khoai tây…

Xã Thượng Quận có gần 60 ha trồng chuối Tết. Hằng năm, sản lượng chuối của Thượng Quận đạt khoảng 100.000 buồng. Với giá bán tại vườn từ 350.000 – 650.000 đồng/buồng, cây chuối mang lại nguồn thu trên 35 tỷ đồng/năm cho người dân. Gia đình có thu nhập cao nhất từ 600 - 700 triệu đồng/năm, nhiều gia đình lãi 300 - 400 triệu đồng/năm từ nghề trồng chuối.

THU XUÂN - LÊ HƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Kinh Môn khắc phục khó khăn, tập trung làm đất vụ đông