Đình Lộ Cương thờ Thành hoàng làng là Bùi Công Chiêu, một danh tướng có công giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII.
Đình Lộ Cương xếp hạng cấp tỉnh năm 2011
Đình Lộ Cương nằm trên khu đất cao ráo, thoáng mát ngay đầu khu Lộ Cương B, phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Trước cửa đình là dòng sông Kẻ Sặt. Sau đình là xóm làng đông vui quần tụ. Năm 2011, ngôi đình đã được xếp hạng cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Tích về Tả tướng quân Bùi Công Chiêu
Theo tư liệu thần tích bằng chữ Hán hiện lưu giữ tại di tích do Hàn lâm viện đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), vào triều vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293), tại thôn Lộ Cương, xã Tiền Lệ, huyện Đa Cẩm, phủ Thượng Hồng, quận Hải Dương có một gia đình phú ông họ Bùi, huý là Bút, vợ là Đỗ Thị Ân người xã Đồng An, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, cùng bản quận. Hai ông bà lấy nghề thương mại làm nghiệp chính mà trở nên giàu có. Tuy nhiên, hai ông bà tuổi đã cao mà chưa có con. Khi gia cảnh nghèo khó, bị mọi người coi thường, ông bà bèn sang nương nhờ quê ngoại. Lúc này, Bút công thường đi làm cho ruộng chùa, một lòng thành tâm cầu tự. Một thời gian sau, Ân nương có thai, sinh được một người con trai tuấn tú, đặt tên là Chiêu. Năm Chiêu công 19 tuổi học đã thành tài, tinh thông binh pháp. Năm đó, giặc Nguyên đến xâm chiếm, vua Trần phong Trần Quốc Tuấn làm Sư chế thập đạo tướng quân nghênh chiến địch ở Vạn Kiếp. Khi Trần Quốc Tuấn tiến quân qua thôn Lộ Cương, nghe tin Chiêu công tài giỏi bèn vời đến, phong làm Tả tướng quân rồi cùng dẫn quân đi đánh giặc. Chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, Chiêu công đã giúp Trần Hưng Đạo lập được nhiều chiến công, quân giặc bị giết nhiều không kể xiết, số sống sót vội vã bỏ chạy về nước. Giặc đã được dẹp yên, tin thắng trận báo về, vua Trần rất đỗi vui mừng, phong thưởng cho các tướng sĩ. Chiêu công ở triều đình được vài năm thì xin vua trở về cung ấp thăm hỏi gia đường. Vua bằng lòng và ban thêm vàng ngọc gấm vóc cho Chiêu công. Hôm đó là mùng 7 tháng giêng, nhân dân ra đón và hành lễ chúc mừng. Chiêu công bái yết tiên đường xong, liền cho tu sửa cung sở, mở yến mời phụ lão nhân dân. Khoảng 7-8 tháng sau, một hôm Chiêu công bỗng thấy một dải mây đen và có ba tiếng sét từ trên trời dội xuống, ngài tự nhiên hóa. Nghe tin Chiêu công mất, nhà vua rất thương tiếc, sai đình thần đến hành lễ, đồng thời truyền cho nhân dân tu sửa cung sở làm chính tẩm từ, cho phép người dân Lộ Cương làm hộ nhi phụng thờ hương hoả.
Nhân dân phụng thờ
Văn bia tại di tích cho biết, đình Lộ Cương được xây dựng từ khá sớm để thờ Thành hoàng làng với quy mô nhỏ, mái lợp cỏ gianh. Đến năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680), bản xã tu tạo đình và giải vũ, dân xã đóng góp công đức rất nhiều. Ngôi đình rất khang trang, to đẹp.
Tượng thờ Thành hoàng làng
Theo ý kiến của các cụ cao niên, đình Lộ Cương xưa có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái xây đao dĩ và 2 gian hậu cung xây bít đốc, phía sau tạo dáng quai chảo, kết cấu vì kèo bằng gỗ lim chắc khỏe. Hai bên sân đình phía đông và tây có hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian, hệ thống cột cũng bằng gỗ lim. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình là điểm tập kết của bộ đội, cán bộ cách mạng. Năm 1949, thực dân Pháp phá 3 gian giải vũ phía đông và chiếm làm nơi đóng bốt. Để đàn áp phong trào cách mạng và khủng bố tinh thần của nhân dân trong làng, quân giặc đã đem ông Vũ Văn Trước và Phạm Văn Nhữ ra bắn tại đình.
Năm 1962, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, toàn bộ các hạng mục chính, phụ của ngôi đình bị hạ giải xây dựng công trình phúc lợi. Năm 1994, nhân dân địa phương dựng 3 gian nhà nhỏ làm nơi thờ thánh. Đồ tế tự nhân dân phân tán cất dấu nay được cung tiến trả về đình. Năm 2010, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, công đức của nhân dân thập phương, các dòng họ... đình Lộ Cương được xây lại với quy mô hoành tráng trong một không gian thoáng đãng. Các công trình kiến trúc nằm trải trên diện tích 2.259 m2, gồm các hạng mục chính: cổng đình, tòa đại bái 5 gian đao dĩ và 3 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ, nhà khách, nhà thủ từ.... Nhìn chung, ngôi đình xây dựng khá đồng bộ với không gian thờ tự khép kín theo kiến trúc truyền thống, họa tiết trang trí mềm mại với đề tài lá lật, lá hóa long.
Như nhiều di tích khác, bài trí thờ tự tại đình Lộ Cương theo nguyên tắc chung cân đối. Chính giữa đại bái là ban thờ công đồng, hai bên có bát bửu, hạc thờ. Hệ thống xà, cột gắn 6 bức đại tự, một đôi câu đối với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích và công lao, tài đức của Thành hoàng làng. Tòa hậu cung là nơi đặt khám và tượng thờ Bùi Công Chiêu. Tượng chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài tượng thờ, tòa hậu cung còn nhiều đồ tế tự cổ khác có giá trị như thần tích, sắc phong, kiệu long đình, bảng văn, bia đá…
Lễ hội của đình Lộ Cương hằng năm có ba kỳ vào tháng giêng, tháng 6 và tháng 10 (âm lịch). Ngày xưa hội tháng giêng được tổ chức dài ngày kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Bùi Công Chiêu, ngay từ mùng 9, nhân dân đã tổ chức rước kiệu từ đình ra nghè, tế lễ. Trong làng có hai giáp, mỗi giáp có một ông đương cai chuẩn bị lễ vật tế gồm một con lợn và một mâm xôi. Hai giáp chia nhau sắm lễ suốt 5 ngày liền. Trong những ngày lễ, buổi tối đều tổ chức hát chèo, ban ngày có các trò chơi đánh vật, võ gậy, bơi chải, bắt vịt, đi cầu kiều...
Ngày nay, lễ hội vẫn được tổ chức theo lệ cũ, nhưng thời gian rút ngắn còn hai ngày (9-10 tháng giêng). Phần lễ được tổ chức gọn nhẹ và long trọng, phần hội bổ sung nhiều tiết mục mới. Lễ hội đã thu hút nhiều du khách các xã, phường lân cận, góp phần bảo lưu truyền thống địa phương và giáo dục thế hệ trẻ.
ĐẶNG THU THƠM