Là bậc làm cha, làm mẹ, ai cũng mong muốn tạo mọi điều kiện cho con cái mình phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chị Dung đã tìm nhiều cách bù đắp cho con khi các cháu phải chịu nhiều thiệt thòi vì sống xa mẹ
Nhưng vì cuộc mưu sinh nên “cực chẳng đã”, nhiều người mẹ phải dứt ruột xa con khi chúng còn quá nhỏ.
Chấp nhận đánh đổiPhải chờ đến tối muộn tôi mới có thể hẹn gặp và trò chuyện với chị Phạm Thị Dung ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Khi nhắc đến những đứa con, ánh mắt của chị thoáng nét buồn rầu. Chị Dung sinh ra và lớn lên ở Thái Bình. Dù không muốn xa quê nhưng vì công việc nên chị phải tới Hải Dương lập nghiệp. Sau này, chị kết hôn với một người cùng quê nhưng vẫn quyết định gắn bó lâu dài với công việc ở Hải Dương. Hai đứa con của vợ chồng chị lần lượt chào đời. Qua hè này, con lớn của chị vào học lớp 2, còn đứa nhỏ mới hơn 2 tuổi đều đang ở với ông bà ngoại tận Thái Thụy (Thái Bình). Chị Dung tâm sự: "Tôi rất muốn ở bên con hằng ngày chăm sóc, lo cho con. Nhưng tôi phải làm việc từ 9-10 giờ/ngày, công việc lại rất áp lực, mệt mỏi nên không thể dành nhiều thời gian chăm sóc con. Con tôi chưa đến tuổi đi mẫu giáo, nếu gửi con ở những điểm trông trẻ tư nhân tôi lại không yên tâm”. Thời gian đầu, cứ nghĩ đến con là chị Dung rơi nước mắt. Nhiều lúc chị chỉ biết lấy ảnh của con ra để ngắm nhìn cho vơi đi nỗi nhớ. Chị luôn mong nhanh đến cuối tuần để cố gắng thu xếp công việc về thăm con. Có khi chị chỉ về được chốc lát trong chiều chủ nhật rồi sáng hôm sau lại tất tả đi sớm cho kịp giờ làm. Khổ nhất là những lúc nhận tin con ốm, chị đứng ngồi không yên, không thể tập trung làm việc, lại phải nhanh chóng thu xếp về quê chăm sóc con.
Nhưng so với chị Dương Thị Xuyến ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) thì chị Dung vẫn còn may mắn hơn vì chị Xuyến chỉ có thể về thăm con 1-2 lần trong năm. Vợ chồng chị vào tận Bình Thuận để lập nghiệp. Lúc nào mối lo lớn nhất của chị cũng là ba đứa con. Hai đứa con lớn một đã đi làm, một đứa đang học đại học nên chị lo nhất vẫn là cậu con trai út Trần Mạnh Cường 12 tuổi đang ở cùng với bà nội nay đã tuổi cao, sức yếu. Chị Xuyến không lo sao được khi Cường đang ở độ tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi trong phát triển tâm sinh lý nên có thể dễ bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những bạn bè xấu. Lo lắng là thế nhưng chị cũng không thể bỏ dở cơ nghiệp mà vợ chồng chị đã gây dựng bao lâu nay, bởi xét cho cùng, anh chị rời quê lập nghiệp cũng chỉ với mục đích lớn nhất là để chăm lo cho cuộc sống của các con được tốt hơn.
“Chị muốn con cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo của mình và để con cảm thấy như vẫn đang được ở bên mẹ mỗi ngày”. |
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Thu quê ở huyện Ninh Giang cũng khiến chúng tôi mủi lòng. Khoảng 4 năm trước, chị Thu lên TP Hải Dương làm công nhân cho một công ty may tư nhân. Ít lâu sau, tình cảm riêng tư nảy nở, chị lập gia đình với người bạn trai đang làm công nhân cho một công ty chuyên ngành điện tử ở khu công nghiệp Đại An (Cẩm Giàng). Do quê chồng ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) nên hai vợ chồng chị Thu đành phải thuê nhà ở trọ tại TP Hải Dương. Sau khi chị Thu sinh con, hết thời gian nghỉ thai sản, chị phải nhờ bà nội và bà ngoại của cháu thay nhau lên trông. Nhưng vì ở quê cũng còn ruộng vườn, còn hàng trăm thứ việc nên các bà cũng chỉ có thể giúp đỡ mẹ con chị trong một thời gian ngắn. Mặt khác, nhà trọ chật chội, thêm người cũng thêm nhiều bất tiện... Vậy là "cực chẳng đã", vợ chồng chị Thu đành phải gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Nhiều đêm, chồng đi làm ca, mình chị ở trong phòng trọ lặng lẽ khóc thầm nhớ con. Tuần nào được nghỉ chị cũng vội vội vàng vàng gói gém quần áo về quê chơi với con. Mỗi lần về thăm con, chị lại chẳng muốn đi nên cứ nấn ná ở thêm, đến sáng hôm sau mới đi sớm cho kịp giờ làm. "Tôi phải đi vào giờ ấy phần vì công việc, phần vì khi ấy con còn đang ngủ. Bởi mỗi lần bố mẹ đi mà cháu thức là 2 mẹ con lại ôm nhau khóc chẳng muốn rời. Thương con và vì hoàn cảnh như thế này nên dù muốn tôi cũng chưa thể sinh thêm đứa thứ 2".
Tìm cách bù đắp
Dù mỗi người có hoàn cảnh và lý do khác nhau khi phải xa con nhưng những người mẹ đều tìm cách bù đắp những thiệt thòi cho con bằng nhiều cách. Mỗi lần về thăm con, chị Dung lại mua cho con khi thì bộ quần áo mới, khi thì món đồ chơi. Con còn quá nhỏ, chưa thể hiểu hoàn cảnh gia đình và những tâm sự nên chị chỉ biết tranh thủ tận dụng thời gian ít ỏi để có thể cưng nựng, chơi đùa cùng con. Thời gian bên con ngắn ngủi, mỗi khi chuẩn bị hành lý quay trở lại Hải Dương, chị lại ngậm ngùi, không ít lần rơi nước mắt. Nhận thấy những thiệt thòi khi con còn quá nhỏ đã phải xa mẹ, chị Dung đang cố gắng tìm một công việc khác, bớt áp lực hơn để có nhiều thời gian dành cho gia đình và đón con về ở cùng để tiện bề chăm sóc. Còn chị Xuyến thường xuyên gọi điện về trò chuyện, tâm sự với con, hỏi han con chuyện ăn uống thế nào, học hành ra sao. Chị muốn con cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo của mình và để con cảm thấy như vẫn đang được ở bên mẹ mỗi ngày.
Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý, TS. Phạm Trung Thanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho rằng: Trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, người mẹ có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của con cái. Khi xa mẹ, trẻ ở độ tuổi khác nhau sẽ phải chịu thiệt thòi với những mức độ khác nhau. Theo đó, từ 1-5 tuổi là “thời điểm vàng” của trẻ, đây là giai đoạn mà tính cách của trẻ bắt đầu nhen nhóm hình thành, trong khi ở độ tuổi lớn hơn như từ 12-16 tuổi, trẻ lại có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những bạn bè xấu. Theo TS. Thanh, khi xa con, các bà mẹ phải luôn tạo tình cảm bền chặt giữa hai mẹ con. Dù có bận đến đâu, người mẹ cũng cần dành một khoảng thời gian nhất định để trò chuyện cùng con, lắng nghe con tâm sự để từ đó hai mẹ con có thể hiểu nhau hơn. Những người có trách nhiệm thay người mẹ chăm sóc trẻ như ông bà nội, ngoại hay người thân cần đặc biệt quan tâm đến con em mình. Nếu chúng đang đi học thì cần phải tạo mối liên kết chặt chẽ với nhà trường để nắm rõ kết quả học tập cũng như trao đổi phương pháp giáo dục phù hợp.
Có nhiều lý do khiến những người mẹ phải xa con dù không hề muốn. Suy cho cùng họ cũng chỉ vì mong muốn có thể đem lại cho con những điều kiện sống tốt nhất. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định ấy, người mẹ cần bàn bạc với những thành viên khác trong gia đình và cân nhắc xem con sẽ mất gì và được gì nếu phải sống xa mẹ. Hãy suy nghĩ thật kỹ lưỡng, tránh tình trạng có thể cho con đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn về mặt tình cảm. Hãy hình dung những hệ lụy xấu mà con cái có thể gặp phải khi thiếu đi bàn tay chăm sóc, giáo dục của mẹ. Hãy để sự hy sinh, đánh đổi của người mẹ sẽ có ý nghĩa chứ đừng để chúng trở thành vô nghĩa hoặc sai lầm khi con cái không nghe lời, bị dụ dỗ, lôi kéo…
HUYỀN TRANG