Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, người đàn ông bất đắc dĩ rơi vào cảnh “gà trống nuôi con".
Những khó khăn mà họ phải trải qua để thay thế vị trí của người phụ nữ khiến cho những người xung quanh vừa cảm thông, vừa ái ngại.
Từ khi ly hôn, anh H.V.T phải đảm nhiệm cả vai trò làm mẹ với con gái
Vất vả trăm bề“Những ngày đầu ra chợ, tôi không biết phải mua những gì để có một bữa ăn cho con. Tôi phải nhìn người mua trước xem cách họ mua, trả giá, sau đó làm theo”, anh N.V.C ở xã An Bình (Nam Sách) cho biết. Từ cách buộc tóc, tắm gội cho con, anh đều vừa làm vừa tự học. Từ khi xa vợ, đảm đương thêm cả vai trò làm mẹ, anh C. phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.
Vợ anh C. lao động ở nước ngoài đã được gần 7 năm. Cũng từng đó thời gian, anh đơn độc vun vén cho gia đình, chăm lo cho hai đứa con mới bắt đầu đi học. Những công việc hằng ngày của vợ giờ đây đều do một tay anh đảm nhiệm: rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, dạy con học bài, đưa đón con đi học... Anh phải lên lịch cho từng việc. “Tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị thật nhanh bữa sáng cho các con, đi chợ mua thức ăn dự trữ trong ba ngày, đưa các con đi học rồi mới đi làm”, anh C. cho biết thêm. Công việc thợ hồ đã vất vả lại cộng thêm việc lo cho hai con nhỏ đã khiến anh C. gầy mòn, xanh xao. Có lần con gái anh bị ốm, anh C. gần như thức trắng đêm. Hôm sau đi làm do bị tụt huyết áp, anh C. bị ngã giàn giáo. Vết thương nhẹ nhưng anh cũng phải nghỉ trên giường bệnh hơn một tuần. Nhìn các con ăn uống kham khổ, con gái chấy đầy đầu, con trai mặc quần sứt chỉ, anh không cầm nổi nước mắt. “Tôi thấy đôi vai mình như trĩu nặng nên phải dồn hết sức, cố khỏe lên để còn lo cho các cháu”, anh C. cho biết.
Anh P.V.H ở xã Ninh Thành (Ninh Giang) lại ở một hoàn cảnh khác nhưng éo le không kém. Vợ anh từ khi sinh đứa con út được vài tháng thì bị liệt, chỉ nằm, ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào anh. “Vì hoàn cảnh riêng, lúc cháu vài tháng tuổi đã phải tách mẹ. Từ đó, tôi đã thay vợ mình ấp ủ, nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ cho con”, anh H. cho biết. Nhìn những cử chỉ chăm sóc con chu đáo của anh H. chúng tôi đã hình dung ra phần nào hành trình vất vả của anh. Điều đó lý giải vì sao đứa con anh H. cứ quấn quýt lấy bố, nửa bước không rời. Ngoài lo cho vợ con, anh H. còn mẹ già ngoài 90 tuổi, mắt mờ, lại luôn đau ốm. Mọi công việc to nhỏ trong nhà đều do một tay anh H. xoay xở. Cũng bởi neo người nên anh H. không thể đi làm ăn xa, chỉ quanh quẩn ở nhà để còn tiện chăm sóc cho gia đình.
Anh N.V.C và P.V.H tuy vất vả nhưng vẫn còn may mắn vì còn có vợ. Còn ông N.V.T ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), từ ngày vợ mất rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” đã 6 năm. Thương các con, 6 năm đằng đẵng, ông ở vậy, lao động vất vả để nuôi con ăn học trưởng thành. Công việc hằng ngày của ông là đánh cá trên sông, thu nhập chẳng cao lại phụ thuộc phần nhiều vào thiên nhiên. Gánh đồ nghề nặng trĩu trên vai cũng là gánh mưu sinh ông T. chắt chiu từ tình thương dành cho các con, tiếp thêm nghị lực cho các con khôn lớn mỗi ngày. Còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự khác nữa. Dù thế nào, việc đàn ông thay thế vai trò của phụ nữ là một hành trình đầy khó khăn, vất vả. Ngay chính bản thân họ cũng cảm thấy thiếu thốn về tinh thần, cần một bờ vai chia sẻ.
Ước mong thầm kínTay vê điếu thuốc lào, mắt nhìn xa xăm, ông N.V.T cho biết: “Có những lúc, tôi cũng có những mong ước cho riêng mình, tìm kiếm một người bạn đồng hành để bước tiếp quãng đời còn lại...”. Nhưng có lẽ đó chỉ mãi là suy nghĩ thầm kín của cá nhân ông. Bởi các con ông chưa chấp nhận được chuyện phải gọi một người hoàn toàn xa lạ là mẹ. Trong một lần đi thăm họ hàng, ông T. đem lòng yêu mến một người phụ nữ miền ngược. Không dành dụm được nhiều tiền nhưng mỗi năm vài lần, ông vẫn lặn lội bắt xe khách, vượt hàng trăm cây số để thăm bà. Có thể, các con ông N.V.T còn vô tâm nhưng cũng có thể do tình yêu thương của ông dành cho các con còn lớn hơn cả niềm mong mỏi hạnh phúc cho riêng mình.
Sau khi ly dị, gần hai năm nay anh H.V.T ở đường Ngô Quyền, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Bản thân anh rất khéo chăm con và đã thuần thục với công việc này từ khi còn sống chung với vợ. Tuy nhiên, anh cũng nhận thấy: “Dù tôi có khéo đến mấy thì cũng không thể thay thế được vị trí của một người mẹ với con mình”. Hơn nữa, chứng kiến con lớn lên, đổi thay từng ngày, anh biết sau này lớn lên, không phải chuyện gì con cũng có thể dễ dàng tâm sự với mình. “Tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ phải tìm cho cháu một người mẹ thứ hai, cũng là tìm cho tôi chỗ chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lựa chọn làm sao để lấy được người phụ nữ giàu lòng yêu thương, coi con chồng như con đẻ là điều tôi luôn đau đáu trong lòng”, anh H.V.T cho biết.
Không chỉ có ông N.V.T, anh H.V.T mà ngay cả anh N.V.C cũng có ước mong về một ngày gia đình đoàn tụ. Anh P.V.H mong có một phép màu để vợ mình khỏi bệnh, tiếp tục cùng chung nỗi lo và hưởng niềm hạnh phúc với anh... Tiến sĩ sư phạm - tâm lý Phạm Trung Thanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Hải Dương cho biết: Trong hoàn cảnh bắt buộc, một số người đàn ông phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Khi đó, không chỉ có những đứa trẻ mà ngay cả những người đàn ông cũng chịu thiệt thòi. Đối với họ, đó là một khó khăn, thử thách rất lớn. Bởi lẽ, không ai thay thế được vị trí, vai trò quan trọng của một người mẹ với sự lớn lên, hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Xét trong điều kiện cho phép, nếu muốn đi bước nữa, người đàn ông cần thận trọng tìm người bạn đời phù hợp không chỉ với bản thân mình mà còn với cả các con. Đó là điều không dễ.
LÊ HƯƠNG