Nơi lưu giữ tinh hoa gốm sứ tỉnh Đông

28/12/2010 05:00

Hải Dương nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, sản phẩm gốm sứ đã hội tụ những tinh hoa của trời đất, con người, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Đông.

Tỉnh Đông xưa - Hải Dương nay nổi tiếng với những sản vật độc đáo, hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, sản phẩm gốm sứ đã hội tụ những tinh hoa của trời đất, con người, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Đông.



Mô hình lò nung gốm thời Lê, thế kỷ 17, được giới thiệu tại Nhà trưng bày Gốm sứ Hải Dương

Những năm qua, từ quá trình nghiên cứu, khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện được 13 trung tâm sản xuất gốm sứ trên địa bàn tỉnh. Trong số những trung tâm gốm sứ được phát hiện, Chu Đậu là đỉnh cao của gốm sứ Việt Nam thế kỷ (TK) 15 - 16. Hiện vật gốm sứ được sưu tầm, khai quật đã tạo nên một hệ thống gốm sứ đồ sộ, có chất lượng, ý nghĩa lịch sử, khoa học cao. Để bảo tồn, tôn vinh và quảng bá sản phẩm gốm sứ cổ độc đáo, góp phần thúc đẩy sự nối tiếp truyền thống nghề gốm sứ của xứ Đông ngày càng phát triển, Nhà trưng bày Gốm sứ Hải Dương đã được xây dựng và khánh thành vào tháng 5 - 2010.

Chị Nguyễn Thị Liên, Phó phòng Trưng bày Bảo tàng tỉnh dẫn chúng tôi đi thăm Nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương. Chị cho biết: Nhà trưng bày có quy mô 2 tầng với 700 m2 sàn, trưng bày gần 900 hiện vật gốm sứ được lựa chọn từ hàng vạn hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Các hiện vật gốm sứ được sắp xếp trưng bày theo ba chủ đề chính: “Gốm sứ cổ Hải Dương - gốm sứ Chu Đậu và con đường tơ lụa trên biển TK 15 – 16”, “Gốm sứ Hải Dương - sự tiếp nối truyền thống” và “Khái quát diện mạo gốm sứ Việt Nam”.

Chủ đề “Gốm sứ cổ Hải Dương - gốm sứ Chu Đậu và con đường tơ lụa trên biển TK 15 - 16” trưng bày, giới thiệu 538 hiện vật và được chia thành 3 tiểu đề. Ở tiểu đề một, trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm của các trung tâm sản xuất gốm sứ Hải Dương TK 13 - 18 gồm: gốm Vạn Yên - Trạm Điền (thuộc xã Hưng Đạo, Chí Linh), niên đại khoảng TK 13 - 14; trung tâm gốm ven sông Kinh Thầy, niên đại khoảng TK 14 – 16; gốm Chu Đậu, thôn Chu Tất, xã Thái Tân (Nam Sách), niên đại khoảng cuối TK 14 đến đầu TK 17; gốm Mỹ Xá, xã Minh Tân (Nam Sách), sản phẩm tương tự như gốm Chu Đậu; gốm Phúc Lão - làng Ngói, xã Hùng Thắng (Bình Giang), tồn tại vào TK 15 - 16; gốm làng Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang), chuyên sản xuất đồ gốm dân dụng ở TK 15 - 16; gốm Hợp Lễ, xã Long Xuyên (Bình Giang), thịnh đạt vào thời Lê và lụi tàn vào cuối TK 18; gốm sứ Thanh Khơi, xã Trùng Khánh (Gia Lộc), có niên đại TK 14 - 17; di tích gốm sứ Quang Tiền, xã Đồng Quang (Gia Lộc), niên đại TK 15 - 16 (tại đây tìm được nhiều tư liệu liên quan đến bà Bùi Thị Hý, nghệ nhân gốm xuất sắc, người đã để lại bút tích trên chiếc bình gốm hoa lam được lưu giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ). Trong những trung tâm sản xuất gốm sứ trên, hiện có gốm Quao và Cậy còn duy trì được hoạt động, các trung tâm khác đều bị thất truyền, lụi tàn vào cuối TK 17, đầu TK 18.

Tiểu chủ đề “Gốm sứ Chu Đậu - những khám phá từ lòng đất”, trưng bày hiện vật gốm sứ qua 6 lần khai quật tại Chu Đậu với các loại sản phẩm như: chén, đĩa, bát, bình, hộp sứ, lọ, tước các loại, ngoài ra còn có các loại ấm, âu, chậu, chóe, lon sành, lọ và các loại con giống… Đây là những hiện vật quý cung cấp thông tin quan trọng giúp đánh giá về quy mô, giá trị của gốm Chu Đậu. Hầu hết các sản phẩm có xương trắng đục, thô, có loại hơi xám, độ nung cao. Sản phẩm được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men màu khác nhau, phổ biến là men trắng hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh màu rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Một số hiện vật đã được tráng hai lần men “tam thái”. Hoa văn trang trí chủ yếu được thể hiện bằng vẽ lam dưới men, một số được thể hiện bằng kỹ thuật in khuôn, nặn tay.

Tiểu chủ đề “Gốm sứ Chu Đậu và con đường tơ lụa trên biển TK 15 - 16”, trưng bày một số hiện vật gốm sứ tiêu biểu được lựa chọn trong số 5.561 hiện vật từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) như: bát, đĩa, cốc, bình, nậm, ấm, lọ, hộp, bát hương, đặc biệt là những sưu tập đĩa lớn, bình tì bà. Những dòng men truyền thống xuất hiện trên hiện vật: men trắng hoa lam, men trắng vẽ nhiều màu, men xanh dương, men nâu... Các hiện vật này có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, cung cấp nhiều thông tin khoa học quan trọng góp phần khẳng định sự phát triển rực rỡ của gốm Chu Đậu vào TK 15 - 16.

Chủ đề “Gốm sứ Hải Dương - sự tiếp nối truyền thống”, trưng bày 194 hiện vật gốm sứ hiện đại của Hải Dương kế thừa truyền thống, bảo tồn, phát huy vốn quý của ông cha. Gốm làng Cậy với những sản phẩm gốm dân dụng, gốm mỹ nghệ xuất khẩu, gốm giả cổ. Sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại phỏng chế gốm Chu Đậu xưa. Sản phẩm sứ của Công ty CP Sứ Hải Dương với những đồ gia dụng, mỹ nghệ. Một số sản phẩm sứ gia dụng, sứ mỹ nghệ xuất khẩu của Xí nghiệp Sứ Hải Dương. Gốm làng Quao với những sản phẩm nồi, ấm, chậu, chõ, ang, vại nhỏ.

Nhà trưng bày giới thiệu 162 hiện vật thuộc chủ đề “Khái quát diện mạo gốm sứ Việt Nam”. Tại đây trưng bày sản phẩm gốm sứ của thời tiền sơ sử, thời Bắc thuộc, thời phong kiến với những hiện vật gốm đặc sắc của thời Lý - Trần, Lê - Nguyễn và một số sưu tập gốm sứ của những trung tâm sản xuất gốm sứ tiêu biểu của Việt Nam như: Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Đông Triều (Quảng Ninh), Đồng Nai và Hưng Lợi (TP Hồ Chí Minh).

Bên cạnh việc giới thiệu tinh hoa gốm sứ Hải Dương và của cả nước, nhà trưng bày còn giới thiệu những thông tin khoa học nghiên cứu về đồ gốm như: hình ảnh về một số hiện vật gốm Chu Đậu hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng của Nhật Bản, Phi-líp-pin, Anh, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ảnh về các cuộc khai quật tại xóm Hống, làng Gốm, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Những thông tin trên sẽ cung cấp thêm tư liệu để khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về kho tàng gốm sứ quý giá của xứ Đông cũng như của dân tộc.

  Ông Đặng Đình Thể, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Từ ngày đi vào hoạt động, nhà trưng bày đã thu hút gần 1.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, trong đó có nhiều đoàn học sinh và du khách nước ngoài. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh đầu tư xây dựng một lò sản xuất gốm tại nhà trưng bày, sẽ biểu diễn quy trình làm gốm thủ công, có thể làm sản phẩm trực tiếp bán cho khách tham quan; đẩy mạnh việc quảng bá đến nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Nhà trưng bày gốm sứ ra đời trở thành nơi trưng bày, giới thiệu các sưu tập gốm sứ và lịch sử phát triển nghề sản xuất gốm sứ cổ truyền của vùng đất Hải Dương; giới thiệu tới công chúng những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống ẩn chứa trong hệ thống tài liệu, hiện vật được trưng bày; là nơi tôn vinh tài hoa, óc thẩm mỹ tuyệt vời của con người Hải Dương được tạo lập, bảo tồn và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đồng thời, Nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương sẽ tham gia tích cực vào việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy vốn quý của nghề truyền thống.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi lưu giữ tinh hoa gốm sứ tỉnh Đông