Nơi lưu giữ hồn gốm xứ Ðông

16/10/2016 08:22

Hải Dương là quê hương của nhiều trung tâm sản xuất gốm cổ truyền với những nghệ nhân nổi tiếng. Hồn gốm vẫn được lưu giữ tại Nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương (Bảo tàng tỉnh).



Các hiện vật gốm Chu Đậu trục vớt tại Cù Lao Chàm trưng bày ở Nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương


Dấu vết vàng son

Dẫn chúng tôi đến chỗ chiếc bình gốm hoa lam ở trung tâm khu vực trưng bày, anh Lưu Đức Duẩn, cán bộ phụ trách cho biết: Đây là sản phẩm của Xí nghiệp gốm Chu Đậu mô phỏng chiếc bình gốm cổ của bà Bùi Thị Hý đang được trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc bình không chỉ cung cấp những thông tin quan trọng về nữ nghệ nhân Bùi Thị Hý thế kỷ 15-16, mà còn làm thay đổi những nhận định về gốm Việt Nam, đặc biệt là gốm Hải Dương và góp phần tìm ra di chỉ gốm Chu Đậu.

Tại đây còn rất nhiều hiện vật gốm Chu Đậu, gốm Mỹ Xá được tìm thấy qua quá trình sưu tầm, khai quật. Nổi bật là nhiều loại chén, đĩa, bát, bình tỳ bà, bình hình cầu, bình thắt cổ bồng, bình vôi, hộp sứ, lọ...

Đặc biệt, tại đây hiện đang lưu giữ chân đèn do nghệ nhân Đặng Huyền Thông tạo tác. Chân đèn này cao khoảng 40 cm, có màu lam xám, phần dưới có các cánh sen, phần trên có rồng cùng các chữ Hán đắp nổi. Ngày chế tạo sản phẩm là 21- 9 năm Diên Thành thứ 3 (1580). Với tài năng của mình, Đặng Huyền Thông đã có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển nghề sản xuất gốm sứ của nước nhà. Những sản phẩm gốm ông để lại đến nay đã trở thành báu vật vô giá. Sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Đặng Huyền Thông sản xuất hiện có mặt trên 30 viện bảo tàng tại các nước: Canada, Úc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... Tại Bảo tàng Topkapi Saray còn lưu giữ chiếc lư hương gốm màu xanh xám của ông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589), một trong hai cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu.

Chỉ các chồng dính, anh Lưu Đức Duẩn cho biết đây là các hiện vật đặc biệt nhưng lại ít khi được du khách chú ý bởi các chồng dính này cho biết quy trình sản xuất gốm Chu Đậu cổ, cách sắp xếp các sản phẩm trong lò nung. Các chồng dính chính là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học đưa ra nhận định nơi phát hiện đã từng tồn tại trung tâm sản xuất gốm sứ cổ.

Tại nhà trưng bày còn một điểm nhấn ấn tượng là khu vực trưng bày các sản phẩm gốm được tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) khi xưa. Nổi bật nhất là một chiếc đĩa có đường kính khoảng 50 cm, bên trên có trang trí hình chim phượng và lân, đĩa men tam thái, loại sản phẩm hiếm gặp chỉ được đặt riêng cho các gia đình quyền quý.

Việc trục vớt con tàu đắm tại Cù Lao Chàm từ năm 1993-1996 đã tìm được trên 30 vạn hiện vật gốm, trong đó 24 vạn hiện vật còn lành, có nguồn gốc từ các lò gốm Chu Đậu và Thăng Long như bát, đĩa, cốc, bình, nậm, ấm, bát hương, tước, liễn; đặc biệt là những sưu tập đĩa lớn và bình tỳ bà... Bảo tàng Hải Dương được giao quản lý 5.561 hiện vật. Việc phát hiện và khai quật tàu đắm ở Cù Lao Chàm đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của gốm Chu Đậu vào thế kỷ 15-16, cho thấy gốm Chu Đậu không những được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Ở đây còn có các sản phẩm đại diện cho trung tâm sản xuất gốm Cậy. Đây là làng nghề thủ công truyền thống lâu đời chuyên sản xuất đồ gốm dân dụng, tuy đã có thời kỳ gián đoạn nhưng đến nay vẫn được duy trì và phát triển. Việc sản xuất đang dần dần được chuyên môn hoá: có lò chuyên sản xuất ngói cổ, lò chuyên sản xuất ấm chén, lò sản xuất các đồ gốm mỹ nghệ xuất khẩu...

Trung tâm của gốm

Theo Bảo tàng tỉnh, quá trình nghiên cứu, khai quật đã phát hiện được 13 trung tâm sản xuất gốm sứ trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc và thị xã Chí Linh. Các di tích này thường bám sát bờ sông, nhiều nhất ở tả ngạn sông Thương, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình và hữu ngạn sông Kẻ Sặt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số gia đình vẫn nặng lòng với nghề truyền thống nên tiếp tục duy trì sản xuất như ở làng Quao (Nam Sách) hay làng Cậy (Bình Giang).

Trung tâm gốm có niên đại sớm nhất là Vạn Yên - Trạm Điền thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Đây là trung tâm gốm có lịch sử từ thời Trần thuộc khu vực phủ đệ của Trần Hưng Đạo. Kết quả của những lần khai quật tại đây thu được nhiều hiện vật gốm không men. Niên đại tồn tại khoảng từ thế kỷ 13-14.

Một trung tâm gốm khá đặc biệt là gốm Quang Tiền, xã Đồng Quang (Gia Lộc). Năm 2005, trong quá trình đào đất làm gạch, đào ao thả cá, người dân thôn Quang Tiền đã phát hiện nhiều mảnh gốm các loại như bát, đĩa, bình vôi, con giống... Căn cứ vào hiện vật thu được, Hội Sử học Hải Dương xác định gốm Quang Tiền có niên đại thế kỷ 15-16. Cùng việc phát hiện ra di chỉ gốm Quang Tiền, tại đây còn tìm được nhiều tư liệu liên quan đến bà Bùi Thị Hý.

Trong số các trung tâm sản xuất gốm sứ được phát hiện, Chu Đậu là đỉnh cao của gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15-16. Trung tâm gốm Chu Đậu nằm ở tả ngạn sông Thái Bình, thuộc thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách). Năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng khu di tích gốm Chu Đậu là di tích khảo cổ. Việc phát hiện sự tồn tại của trung tâm gốm Chu Đậu khá tình cờ. Tháng 9-1983, cán bộ của Ban Thông sử Hải Hưng đến Chu Đậu để nghiên cứu nghề dệt chiếu, thấy nhân dân cho biết ở đây có những mẫu gốm lạ đã mang về cơ quan nghiên cứu. Tiếp đó, các nhà khảo cổ học xuống hiện trường đã tìm được nhiều con kê, đồ gốm hình vành khăn, hình đĩa 3 chân, những chồng bát hoa lam dính sụn, tước chân cao bẹp méo, bình thắt cổ bồng xanh rêu... Các nhà khảo cổ học dự đoán đây là một nơi sản xuất gốm cổ quý báu của đất nước. Từ năm 1986 - 2002, qua 6 lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã xác định được phạm vi di tích sản xuất gốm Chu Đậu rộng 4 vạn m2 cùng vô số hiện vật…

Nhìn vào lịch sử phát triển gần chục thế kỷ cùng hàng nghìn hiện vật đang được lưu trữ tại nhà trưng bày, chúng ta càng tự hào về trí tuệ, sự tài hoa của người thợ gốm xứ Đông.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi lưu giữ hồn gốm xứ Ðông