Nỗi lo trái cây nhiễm hóa chất độc hại

24/09/2012 09:17

Trước thông tin nhiều loại trái cây xuất xứ từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất cao, nhiều gia đình đã "tẩy chay" các loại quả như: nho, táo, lựu, mận...


Trái cây Trung Quốc chưa được kiểm định chất lượng vẫn được bày bán phổ biến tại các cửa hàng

Nước ép từ quả lựu lâu nay đã trở thành thức uống quen thuộc giúp giảm cân, làm đẹp da của chị Nguyễn Thị Mai ở số nhà 29, ngõ 312, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Những ngày gần đây, thông tin về quả lựu xuất xứ từ Trung Quốc chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến chị Mai lo lắng. Chị cho biết: "Nghe nói quả lựu tốt cho sức khỏe nên tôi uống nước ép quả này 3 lần/tuần. Dùng nhiều như vậy không biết mức độ độc hại đến đâu?". Không chỉ riêng chị Mai, mấy ngày gần đây, những bà nội trợ ở xóm tôi bàn tán xôn xao về các loại trái cây xuất xứ từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất cao, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều gia đình đã "tẩy chay" các loại quả như: nho, táo, lựu, mận...  Thậm chí, vì lo trái cây Trung Quốc có hóa chất bảo quản, một số gia đình còn về quê tìm mua các loại quả: ổi, bưởi, chuối... để tích trữ.

Việc một số trái cây Trung Quốc có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép cũng khiến nhiều cửa hàng đổi "chiêu" kinh doanh. Tại một số cửa hàng chuyên bán hoa quả ở phố Trần Phú (TP Hải Dương), lượng trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán đã giảm gần một nửa so với tháng trước. Thay vào đó, các loại hoa quả có nguồn gốc trong nước như: bưởi, ổi (Thanh Hà), nhãn (Hưng Yên), na (Chí Linh, Bắc Giang), chuối, củ đậu... được bày bán nhiều hơn... Chị Linh, bán trái cây tại đây cho biết: "Thông tin các loại quả mận, lựu, nho Trung Quốc nhiễm hóa chất độc hại đã khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) thay đổi thói quen mua sắm. Mấy ngày gần đây, mặc dù giá bán các loại quả này đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg, người mua vẫn không để ý tới".

Ngoài những loại trái cây được khuyến cáo nêu trên, NTD còn băn khoăn trước nhiều loại quả khác có nguồn gốc từ Trung Quốc đang được bày bán tràn lan tại các chợ trong tỉnh. Trung bình mỗi ngày chợ Phú Yên (TP Hải Dương) tiêu thụ từ 10-15 tấn rau, củ, quả các loại. Trong đó, có nhiều loại rau, củ, quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chị Hạnh, chủ cửa hàng kinh doanh trái cây tại đây cho biết: "Mỗi ngày, tôi nhập gần 1 tấn trái cây các loại của một thương nhân ở chợ Long Biên. Mặc dù đang vào mùa của nhiều loại quả trong nước nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, bởi những loại trái cây này bảo quản được lâu, mẫu mã đẹp, giá cả hợp túi tiền với đa số NTD". Quan sát quầy hàng của chị Hạnh, tôi thấy các thùng trái cây đều ghi bằng chữ Trung Quốc. Khi mở thùng, tôi thấy các loại quả nho, lựu được bảo quản trong một túi ni-lông buộc kín, bên trong có chứa một chai nước, không rõ là loại nước gì. Theo chị Hạnh, chai nước này dùng để giữ tươi cho hoa quả. Tại nhiều chợ khác như: Thanh Bình, Ngô Quyền, Hải Tân (TP Hải Dương), chợ Cuối (Gia Lộc)... trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm  hơn 50%. Theo quy định, các loại trái cây nhập khẩu vào nước ta phải được các cơ quan chức năng công nhận và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy chứng nhận kiểm dịch, an toàn, vệ sinh thực phẩm, tờ khai hải quan, phiếu xuất kho. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn trái cây đang lưu thông trong tỉnh lại được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu từ các cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái hoặc mua lại từ chợ đầu mối hoa quả ở Long Biên (Hà Nội)… nên chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, người dân luôn lo ngại về chất lượng và độ an toàn của các loại trái cây mà họ vẫn sử dụng hằng ngày.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, thời gian "tự bảo quản" của trái cây không nhiều. Đối với những loại quả như: nhãn, hồng chỉ bảo quản được 3-4 ngày, mận tươi khoảng 10 ngày, cam tươi cũng chỉ kéo dài  được hơn 1 tháng. Trong quá trình thu hoạch, các loại trái cây thường bị các sinh vật xâm nhập qua đường núm nên thời gian bảo quản không dài trong môi trường tự nhiên. Để bảo quản, các loại trái cây phải được giữ trong môi trường có nhiệt độ thấp hoặc sử dụng các phương pháp dân gian như: bảo quản cam, bưởi bằng cách bôi vôi vào núm quả, để nơi thoáng mát. Bảo quản quả hồng bằng cách cho vào cát ẩm...

Ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: "Để bảo vệ sức khỏe NTD, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm soát chặt hơn thị trường trái cây. Các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra hóa đơn, chứng từ của các cửa hàng đầu mối chuyên cung cấp hoa quả cho các tiểu thương trên địa bàn tỉnh, nhất là các chợ ở TP Hải Dương; tăng cường chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Chi cục cũng phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức phát tờ rơi khuyến cáo NTD nên mua trái cây tại những cửa hàng có uy tín. Khi mua trái cây ngoại, thông tin của nhà nhập khẩu phải được niêm yết đầy đủ trên bao bì… Nếu người dân có khiếu nại về chất lượng sản phẩm, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành truy nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để kịp thời xử lý những đối tượng vi phạm".

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo trái cây nhiễm hóa chất độc hại