Nỗi lo con bệnh "ết"

06/12/2017 10:10

Bà Na hớt hải chạy từ ngoài đường về hỏi chồng:

- Nếu trạm không cấp thuốc thì thằng con mình còn sống được bao lâu nữa?

Ông Na vội đặt chén trà đang uống xuống chiếu, hỏi lại:

- Bà nói gì tôi chả hiểu?

- Chỉ có ông là điếc mới không nghe. Mấy thằng bạn con mình nói sắp tới cơ sở điều trị “ết” (AIDS) không còn cấp thuốc cho nữa, mà phải mua. Thế là chết chứ sao!

Nghe vợ nói, ông Na lặng người đi. Mấy năm rồi, cái gánh nặng “ết” đã đè lên gia đình ông. Dù bây giờ sự kỳ thị của dân làng đã giảm, nhưng việc thằng con trai - một lao động chính trong nhà mắc bệnh - đã hạn chế nhiều đến công việc làm ăn. Đã thế, ông còn lo nó đổ bệnh cho vợ, rồi con cái. Tuy nhiên, sau cái sai lầm chơi bời dẫn đến “ết”, nó cũng đã tỉnh ra, không lêu lổng nữa, được bao cấp điều trị nên bệnh cũng giảm. Nhưng nếu bây giờ, do kinh phí khó khăn, không còn cấp thuốc ARV (thuốc kháng virus) thường xuyên thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Vừa lúc đó, chị Nga y sĩ và cô Mây đại lý bảo hiểm xã hội đến.

- Có chuyện gì mà ông bà lặng lẽ thế? - y sĩ Nga nhanh nhảu hỏi.

- Đang nẫu cả ruột ra đây, các cô còn hỏi nữa… - bà Na buồn rầu nói.

- Việc gì nghiêm trọng thế bác? - cô Mây xích lại gần bà Na.

Giờ ông Na mới nhận ra người vẫn đến nhà ông vận động mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Ông Na nói:

- Là chuyện thằng con trai tôi sắp phải ngừng dùng thuốc điều trị “ết” do không được cấp nữa…

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, cô Mây nói luôn:

- Không phải hoàn toàn như bác hiểu đâu. Em ấy vẫn được cấp thuốc ARV, nhưng phải có thẻ bảo hiểm y tế.

- Nhưng thẻ thì nhà tôi lấy tiền đâu mà mua, tôi đã nói với cô mấy lần rồi còn gì… - ông Na có vẻ căng thẳng.  

Y sĩ Nga đỡ lời:

- Bác đừng lo. Hoàn cảnh nhà mình đã có Hội Chữ thập đỏ rồi Đoàn Thanh niên giúp đỡ để mua bảo hiểm y tế, trước hết là với em đang điều trị “ết”. Hôm nay, chị em cháu đến cũng là để báo tin cho hai bác và em yên tâm.

Bấy giờ ông bà Na mới tươi tỉnh lại. Ông pha ấm trà mới mời hai cô uống nước...

NGUYỄN THẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo con bệnh "ết"