Côn Sơn - Kiếp Bạc - vùng đất nổi tiếng của huyền thoại, thiên nhiên kỳ thú, những công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội đầm màu sắc dân gian, những địa danh lịch sử...
Rước lễ trong hội chùa Côn Sơn
Hội tụ danh tài đất Việt Qua các thời kỳ lịch sử, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành nơi di dưỡng tinh thần, điểm gặp gỡ, hội tụ của nhiều danh nhân đất Việt.
Từ thế kỷ XIII, các vị sáng lập Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đã về Côn Sơn hoằng dương thuyết pháp, xây dựng chùa Hun thành chốn quốc tự của nước Nam thời Trần.
Trải qua thời gian, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo cùng tồn tại và phát triển trên mảnh đất thấm đậm bản sắc văn hóa thuần Việt này. Nếu như khu di tích Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng Thiền phái Trúc Lâm thì khu di tích lịch sử Kiếp Bạc là một trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên dưới các triều đại phong kiến: Phật giáo - Đạo giáo - Nho giáo cùng hòa đồng, mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc. Di tích Kiếp Bạc gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo. Tháng 6-1285, tại bến Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương hội 20 vạn quân đánh tan quân Nguyên - Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên - Mông. Kiếp Bạc còn là nơi Trần Hưng Đạo lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến quân sự để bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Ba lần đế quốc Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt, cả ba lần chúng đều thất bại thảm hại trước ý chí đấu tranh kiên cường của vua tôi nhà Trần, thất bại trước tài năng quân sự kiệt xuất của Trần Hưng Đạo. Với đất nước, ông là Anh hùng dân tộc, được nhân dân tôn phong là vị Thánh. Với nhân loại, ông là một trong những vị tướng tài.
Cuối thế kỷ XIV, quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà chính trị, nhà thơ, nhà kịch pháp lớn ở cuối triều Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư động để sống những năm tháng cuối đời. Nguyễn Trãi - vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới từ thuở ấu thơ đã gắn bó với núi rừng Côn Sơn cùng ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Côn Sơn là nơi đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, trí lược tài ba và tư tưởng nhân tâm xuyên suốt thời đại của Nguyễn Trãi. Sự nghiệp, tài năng, đức độ và nhân cách của ông sáng tựa “Sao Khuê”. Vai trò của ông được đánh giá là một nhân tố quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ thứ XV. Ông không chỉ là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao kiệt xuất mà còn là tác gia hàng đầu trong lịch sử văn hoá nước ta với nhiều tác phẩm lớn có giá trị.
Núi Phượng Hoàng trong khu vực Côn Sơn là nơi Chu Văn An sau khi dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian thần nhưng vua không nghe, đã từ quan về ở ẩn, dạy học, viết sách cho tới khi mất. Chu Văn An có công truyền bá tư tưởng Nho học vào Việt Nam, xây dựng nền giáo dục nước nhà, là người thầy tiêu biểu, mẫu mực của muôn đời.
Và nơi đây cũng chính là quê hương của nữ Tiến sĩ nho học đầu tiên của Việt Nam - Nguyễn Thị Duệ. Bà được mệnh danh là Bà chúa Sao Sa, đã từng đào tạo nhiều hiền tài cho quê hương, đất nước.
Vùng đất di sảnNhững di sản văn hoá của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn lưu giữ đến ngày nay đều in đậm dấu ấn lịch sử và trở thành tài sản quý báu của dân tộc.
Điểm nhấn của quần thể di tích là chùa Côn Sơn cổ kính nằm dưới chân núi Côn Sơn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII. Ngôi chùa bảo lưu được nhiều di vật có giá trị. Tiêu biểu là mười sáu tấm văn bia quý nói về quy mô, những giai đoạn trùng tu chùa và ba pho tượng tam thế có phong cách giữa thế kỷ XVII hiếm gặp ở chùa khác cùng một bức tượng Phật A- di- đà cao trên 3m. Nơi đây còn ngọn Đăng Minh Bảo Tháp, nơi cất giữ xá lị của Đệ tam tổ Trúc Lâm thiền phái Huyền Quang.
Không chỉ là cõi thiền, Côn Sơn còn là chốn thiên nhiên kỳ thú với hồ nước trong xanh, rừng thông vi vút, bãi rễ bạt ngàn. Về Côn Sơn, du khách được soi mình nơi giếng Ngọc trong vắt, ngoạn cảnh Thanh Hư Động. Người có sức vóc có thể leo lên Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, thượng núi Ngũ Nhạc (5 đỉnh núi cao có những linh miếu thờ thần linh cai quản vạn vật, đất trời) để thu vào tầm mắt muôn trùng núi sông, trời đất, đắm mình vào chốn linh thiêng. Hoặc đi theo lối trúc thăm nền nhà xưa Nguyễn Trãi, nghe tiếng róc rách suối reo, dừng chân nơi Thạch Bàn nơi tiền nhân cảm tác “Côn Sơn ca”…
Côn Sơn đi vào lòng người bởi thiên nhiên kỳ thú, chốn quốc tự của nước Nam, Kiếp Bạc lại quyến rũ du khách với vùng bình địa, chốn sông nước mênh mang, các địa danh huyền thoại, các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Nơi đây có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tựa lưng vào núi Trán Rồng hướng ra sông Thương. Ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, có bố cục đối xứng, mang phong cách cung đình với thần đạo, nghi môn, tả hữu thành các, giếng Mắt Rồng, nhà Bạc, giải vũ và đền chính. Nghi môn đền uy nghi với kiến trúc kiểu cổng thành ba cửa vòm, là bức tranh thiêng hàm chứa cả âm dương, vạn vật. Đền chính uy nghi với tiền tế, trung từ, hậu cung. Mỗi nét kiến trúc đều toát lên sự tinh xảo. Đặc biệt, trong đền còn lưu giữ bộ ấn thiêng của Đức Thánh Trần.
Nằm trong quần thể Kiếp Bạc còn có các đền Nam Tào, Bắc Đẩu uy nghi ngự trên hai ngọn núi cao tiến ra sông Thương. Từ hai đỉnh núi này, du khách có thể phóng tầm mắt thu lấy một vùng sông nước, ngắm nhìn dải đất thiêng Cồn Kiếm giữa sông Thương. Kiếp Bạc còn là nơi tụ thủy của 6 con sông: Lục Nam, Thương, Cầu, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình. Về Kiếp Bạc ngày nay ta vẫn được nghe tên những địa danh lịch sử: Cồn Kiếm, Sông Vang, Hang Tiền, Hang Thóc, Ao Cháo, Xưởng Gốm, Xưởng Thuyền, Vườn Đào, Viên Lăng, Dược Sơn… Kiếp Bạc cũng là nơi Đức Thánh Trần hóa thân vào sông núi.
Giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được thể hiện ở hàng nghìn hiện vật khảo cổ tìm được qua các đợt khai quật. Cuộc khai quật năm 1972 tại sân sau đền Kiếp Bạc đã phát hiện được nền móng kiến trúc phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương thế kỷ XIII. Tại di tích Côn Sơn, khai quật di tích vườn tháp phát hiện 2.000 hiện vật được nhận định của tòa Cửu phẩm liên hoa thời Trần…
Giàu có về các giá trị văn hóa vật thể, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn hội tụ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ. Theo lệ cổ vào ngày mất của Đức Thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (22 tháng giêng âm lịch), triều đình đều cử các quan đại thần về tế, lễ cầu quốc thái dân an. Nhân dân bốn phương về trẩy hội và cung bái. Nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc và hấp dẫn được bảo lưu như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an, các trò chơi hội...
Về thăm Côn Sơn ngày 15-2-1965, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Hải Dương rất quan tâm đầu tư tôn tạo khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn được trùng tu, các ngôi đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Chu Văn An được đầu tư xây dựng mới. Nhiều nghi lễ, diễn xướng, trò chơi dân gian bị thất truyền đã được nghiên cứu phục hồi, có nội dung phong phú, chuẩn mực, giàu chất dân gian. Tiêu biểu như lễ tưởng niệm, lễ ban ấn, lễ cầu an, hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, diễn xướng hầu Thánh tại đền Kiếp Bạc; lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ Mông sơn thí thực tại chùa Côn Sơn.
Với giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, ngày 18-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”. Tháng 5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đây là những quyết định quan trọng, khẳng định giá trị, vị thế của khu di tích, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, đầu tư và định hướng phát triển quần thể di tích trong hiện tại và tương lai.
HẰNG TRẦN
Tưng bừng lễ hội mùa thu Lễ hội mùa thu Côn Sơn -Kiếp Bạc năm nay được tổ chức trang trọng, kéo dài từ ngày 25-9 đến 5-10. Điểm nhấn của lễ hội năm nay là lễ kỷ niệm 570 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được tổ chức sáng 30-9 và Lễ công bố Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng di tích đặc biệt quốc gia tổ chức tối 1-10 trên bến Vạn Kiếp trước cửa đền Kiếp Bạc (truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 và VTV4). Lễ hội năm nay dày đặc các hoạt động: lễ rước văn tại Côn Sơn, lễ cầu an và hội thả hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ rước bộ, lễ dâng hương tưởng niệm 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, lễ giỗ Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi… Phần hội sôi động với đêm thơ Côn Sơn tại sân đền Nguyễn Trãi, liên hoan diễn xướng dân gian ca ngợi công lao Đức Thánh Trần, hội quân, bơi chải trên sông Lục Đầu, các trò chơi dân gian: đấu vật, đánh thó, múa lân, rồng, rối nước, bắt vịt dưới nước, nấu cơm thi... Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của xứ Đông mà còn của cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ. |