Điểm chuẩn của khối ngành sư phạm Trường Cao đẳng Hải Dương năm nay vừa được công bố chính thức trên website của nhà trường.
Theo đó, điểm trúng tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia là 10 điểm cho tất cả các ngành sư phạm từ mầm non tới THCS và 10,5 điểm theo kết quả học bạ THPT. Kết quả này là điểm thi của tổ hợp 3 môn: toán, vật lý, hóa học hoặc ngữ văn, lịch sử, địa lý; toán, văn, ngoại ngữ… tùy theo từng ngành.
Câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có từ hàng chục năm trước dường như nay đã quay trở lại. Trong những năm gần đây người ta đã quen với việc điểm chuẩn vào các trường sư phạm hằng năm đều ở mức thấp so với nhiều trường. Nhưng với kỳ thi mà số bài đạt điểm 10 tăng 60 lần so với năm 2016, nhiều thí sinh thi 3 môn đạt 30, hoặc xấp xỉ 30 điểm vẫn trượt đại học thì mức điểm chuẩn ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Hải Dương năm nay thực sự rất đáng suy nghĩ. Tất nhiên không phải thí sinh trúng tuyển nào cũng chỉ đạt 10 điểm 3 môn. Nhưng rõ ràng sẽ có những em như vậy đàng hoàng bước chân vào trường và trong tương lai không xa sẽ trở thành thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng làm nhiệm vụ “trồng người”. 10 điểm cho 3 môn thi hoặc 10,5 điểm ghi trong học bạ cho 3 môn xét tuyển, nghĩa là mỗi môn chỉ cần đạt trên 3 điểm, mức được coi là yếu trong đánh giá kết quả học tập. Nếu những học sinh như thế trở thành giáo viên thì tương lai giáo dục sẽ ra sao?
Tôi vừa đọc bài viết của TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói về hệ lụy của việc sinh viên sư phạm có đầu vào thấp. Cô Hương nói rằng giảng viên các trường đại học khó mà lấp đầy lỗ hổng kiến thức phổ thông cho những sinh viên như vậy. Thậm chí có em không biết đến ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt, đồng hay nhầm tưởng vận tốc của ô tô là 5 m/h… Nhưng kiến thức mới chỉ là một phần của vấn đề. Người làm thầy dạy học không chỉ cần kiến thức vững vàng mà còn cần có lòng say mê nghề nghiệp, là người có thể truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em học tập tốt hơn. Tôi không hình dung được học sinh sẽ phản ứng thế nào nếu thầy, cô giáo của chúng khoe rằng “Chỉ cần đạt 10 điểm 3 môn thi là tôi có thể đỗ cao đẳng và trở thành thầy, cô của các em”. Đó là chưa kể nhiều em đã chọn ngành sư phạm với đầu vào thấp chỉ bởi không còn cơ hội lựa chọn ngành khác, nghĩa là các em không chỉ có năng lực hạn chế mà còn thiếu luôn cả tình yêu với nghề nghiệp mà mình lựa chọn.
Nói đi cũng phải nói lại. Nhiều người cho rằng, ngay cả với mức điểm chuẩn thấp như trên, ngành sư phạm cũng chưa chắc tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Ở nhiều trường phổ thông hiện nay giáo viên đang dư thừa. Chuyện sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải cất bằng đi để làm công nhân, bán hàng hay bất cứ ngành nghề nào khác để kiếm sống không phải chuyện lạ. Những đồn thổi về việc phải có ít nhất vài trăm triệu đồng mới mong có được một suất dạy hợp đồng hay biên chế cũng là lý do khiến nhiều người có năng lực thực sự không muốn chọn ngành sư phạm. Trong khi các trường đại học, cao đẳng sư phạm không thể dừng tuyển sinh thì việc phải chọn thí sinh có đầu vào thấp cũng là lẽ thường. Nỗi buồn này có lẽ sẽ còn dai dẳng trong nhiều năm nữa.
HOÀI ANH