Nhìn sang dãy bàn gần đó, Huyền thấy Luân đang ngồi giữa một đám các em chân dài, trong đó có một cô ngả hẳn vào lòng Luân.
Khi kết hôn với Luân, mọi suy nghĩ với Huyền thật đơn giản: “Đã yêu nhau thì khi về chung mái nhà, cả hai sẽ cùng gánh vác việc gia đình”. Vì thế năm đầu tiên, chị không hề suy bì tính toán, lương lĩnh được bao nhiêu đều để tủ chung. Còn anh thì có tính thích mua sắm đồ dùng, dù có thứ chị thấy không thật cần thiết. Cứ có tiền là anh lại viện lý do chi cái này, mua cái kia. Tiền tiết kiệm phòng khi ốm đau cũng chưa có thành ra chị chẳng mấy khi dư tiền để sắm sanh quần áo, trang sức hay làm đẹp, dù thu nhập của chị cũng khá cao...
Kể từ khi lấy nhau, anh phó mặc cho chị lo toan mọi việc bên nội, bên ngoại, từ các khoản tiền giỗ, Tết, mua quà cáp thăm hỏi người thân mỗi lúc về quê. Chẳng bao giờ chị được thực sự cầm hoặc tiêu tiền của chồng. Nhiều lần anh đưa lương cho chị cất nhưng chỉ sau vài hôm lại nói có việc này, việc kia và bảo chị đưa lại. Những khi con ốm đau đi viện, Huyền thường phải lo lắng vay mượn vì những khoản chi tiêu phát sinh... Mẹ chồng vẫn đinh ninh con trai hằng tháng đều giao hết thu nhập cho con dâu vì mỗi lần đưa tiền anh đều đưa trước mặt bà còn khi anh bảo chị đưa lại tiền thường chỉ có hai vợ chồng. Thấy con dâu chi tiêu dè sẻn, ăn uống kham khổ, bà xót con, xót cháu, thỉnh thoảng lại đay nghiến mỉa mai chị. Khi tâm sự với cô bạn thân, Huyền bị chỉ trích gay gắt vì cái tính sĩ diện hão. Cô bạn bảo Huyền cứ ý tứ rởm, phải nói toẹt ra, thậm chí cứ đến kỳ lương là phải kiểm tra ví chồng luôn. Huyền về cũng áp dụng, nhưng chỉ nhận được thái độ lạnh lùng của chồng và câu mỉa mai: “Tưởng em làm công việc đấy có lương cao, bổng lộc lắm thì thiếu gì tiền mà phải kêu. Hay em lại cất đi lập quỹ riêng rồi bắt anh gánh đấy!”. Thấy chồng xúc phạm, động chạm, Huyền chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Nhưng con cái ngày một lớn, bao nhiêu thứ phải chi tiêu... Cho đến khi không chịu được nữa, Huyền trao đổi thẳng thắn với Luân. Luân tỏ ra giận dỗi và đi đến quyết định vì là con chung nên cả 2 sẽ cùng có trách nhiệm. Số tiền chi tiêu chung Huyền ghi lại, cuối tháng cộng vào rồi chia đôi, mỗi người chịu một nửa. Tuy nghe có vẻ buồn cười nhưng quả thật, Huyền cũng thấy dễ thở hơn vì không phải lo toàn bộ chi tiêu trong nhà như trước. Nhưng cũng chỉ được 3 tháng, anh lại viện lý do: “Để bảo đảm tính công bằng, chính xác nên cả hai phải có riêng hai cuốn sổ để thỉnh thoảng đối chứng”. Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, cộng với sự bất lực trước bản tính keo kiệt của chồng, Huyền đành trở lại cách thức cũ, nghĩa là không thèm quan tâm tới tiền của chồng nữa.
Những lần đi liên hoan hoặc có việc cần diện dàng, Huyền đành về nhà mượn tạm cô em ruột chiếc váy, đôi giày vì nghĩ chỉ diện 1 - 2 lần, mua thì lãng phí mà cũng chẳng có tiền… Thấy những biểu hiện của chị, cô em gái cũng lờ mờ hiểu ra vấn đề. Cô em khích bác: “Lấy phải ông Luân thì khổ rồi, hồi mới yêu, chả bao giờ thấy ông ấy mua cho chị được đồ gì quá 400 nghìn…”. Thấy vậy, mẹ Huyền mắng cô em gái: “Mày thì chỉ được cái đâm bị thóc chọc bị gạo. Anh rể mày nó tiết kiệm là để lo cho gia đình chứ có cờ bạc giai gái gì đâu”.
*
BÙI THU HẰNG