Gần 20 năm kể từ khi chia tay mối tình đầu, anh Tiến Cường chưa từng nắm tay cô gái nào dù gia đình thúc giục và bản thân cũng muốn nhanh có vợ.
Nguyễn Tiến Cường (42 tuổi) sống ở ngoại thành, mỗi sáng chở rau lên trung tâm Hà Nội bán. Anh được mọi người xung quanh khen là người xởi lởi, miệng nói, tay làm, lúc nào cũng được các chị, các cô đi chợ vây quanh mua hàng. "Tôi nói không tìm được vợ không ai tin, bảo mồm miệng như mày sao mà 'ế'", anh kể.
Khu chợ Cường thường đứng bán có nhiều khách là sinh viên. Anh từng tìm cách xin tài khoản mạng xã hội, số điện thoại của các cô gái để kết nối. Nhưng lần nào cũng vậy, anh vừa nhắn vài câu là bị chặn liên lạc. Thậm chí Cường còn mất khách vì các cô không đến mua rau nữa.
Nhiều người mách anh dùng ứng dụng hẹn hò nhưng Cường nói đã thử rất nhiều, kể cả nhờ người quen giới thiệu, thuê bà mối hay đi làm lễ "cắt duyên âm" mà vẫn vô duyên.
Người đàn ông 42 tuổi thừa nhận, giờ bảo đến nhà một cô gái nào đó để "trồng cây si" thì không thể làm được vì nghĩ mình đã qua tuổi yêu đương như vậy. Hơn nữa, công việc bận rộn, anh không có thời gian đầu tư vào một mối quan hệ mà không biết chắc sẽ đến đâu.
"Bạn tôi có đứa cưới hai lần rồi mà tôi thì kiếm một người không ra", anh nói.
Tổng cục Thống kê cho biết độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Ở một số thành phố lớn như TP HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu của nam giới đã xấp xỉ 30. Trong tương lai, số nam giới khó kiếm vợ như anh Cường được cho là sẽ ngày càng nhiều bởi sự chênh lệch giới tính. Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.
Nhưng có nhiều nguyên nhân khiến nam giới kết hôn muộn. Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, người có nhiều năm tư vấn hôn nhân gia đình cho biết một số nam giới vì mải mê công việc, gây dựng sự nghiệp khi thành công nhìn lại đã có tuổi, ngại tiếp xúc, ngại thể hiện tình cảm nên gặp khó khăn trong xây dựng mối quan hệ. Có người ham vui, ham khám phá, thích tự do nên chưa muốn ràng buộc chuyện gia đình. Cũng có người không định vị được bản thân, không biết mình muốn điều gì nên không tìm được người phù hợp.
"Trường hợp còn lại tự ti về bản thân, chưa có tài chính để chăm lo cho gia đình nên chưa dám kết hôn", bà Kim Thành nói.
Hoàng Văn Minh (33 tuổi, ở Hà Nội) thuộc nhóm cuối. Anh từng hẹn hò với nhiều cô gái nhưng cho biết chỉ kết hôn khi nào có một khoản tiết kiệm, có nhà, xe. "Yêu ai tôi cũng nói thẳng phải chờ, có kinh tế tôi mới cưới. Người kiên nhẫn ở cạnh được vài năm, nhưng có người chỉ vài tháng", người đàn ông làm nghề môi giới chứng khoán, hiện không trong mối quan hệ nào, nói.
Chứng kiến nhiều bạn bè cưới rồi ly hôn vì kinh tế khó khăn, thấy có người phải vay chỉ vài triệu đồng để mua bỉm cho con hoặc sống lay lắt qua mùa dịch, anh Minh sợ. Nhưng nhìn thấy những người đồng trang lứa có vợ con đề huề, chàng trai cũng đôi chút chạnh lòng, vẫn mong ổn định tài chính để có vợ con.
Minh làm việc cật lực để có thu nhập. Một ngày, anh dành hơn 12h để làm việc, đưa đón trẻ nhỏ trong chung cư đi học, chạy xe ôm công nghệ vào buổi tối bên cạnh công việc chính và đầu tư để tích lũy. Có điều, tác động của dịch bệnh và bấp bênh của thị trường chứng khoán khiến tiền vào tài khoản của anh không như kỳ vọng. Sau dịch, bạn gái chia tay Minh do lời hứa "chờ anh vài năm" hết thời hạn. "Tôi xác định không có tiền thì đi tu chứ không lấy vợ", anh nói.
Nhà Minh đông anh em nên anh không bị bố mẹ thúc giục chuyện đám cưới, nhưng anh Trần Minh Đức, phó phòng của một công ty công nghệ tại TP HCM thì có. Người đàn ông có thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi tháng, ngoại hình sáng nhưng ở tuổi 36 vẫn chưa tìm được người phù hợp.
Trước đây, anh đặt tiêu chí bạn gái phải từ 23 tuổi đổ lại để có thể sinh con khỏe mạnh. Người đàn ông du học nước ngoài muốn vợ ít nhất phải học các trường top đầu, nhà Sài Gòn, ngoại hình ưa nhìn.
Năm 33 tuổi, anh gặp biến cố sức khỏe nhỏ nên hạ thấp tiêu chí, không cần nhà nội thành, chỉ cần ngoan ngoãn, có công việc ổn định là được. Tiêu chí tuổi tác vẫn giữ nguyên.
Ban đầu, anh Minh Đức chỉ nhờ vài người thân thiết giới thiệu, nhưng sau đó huy động mọi mối quan hệ để tìm bạn gái. Cùng một lúc anh nói chuyện với bốn cô để chọn người phù hợp. "Người mình ưng lại chẳng ưng mình", anh nói.
Là cháu đích tôn, tuổi nhiều dần, sức khỏe sa sút, anh Minh Đức bị người nhà liên tục giục lập gia đình. "Tôi mua căn hộ khác ra ở riêng để đỡ đau đầu, nhưng bố mẹ giới thiệu ai thì tôi vẫn đi gặp", anh nói, thừa nhận áy náy vì cha mẹ đã già mà mình vẫn chưa ổn định.
Chàng trai bán rau Nguyễn Tiến Cường cho biết, sau cả chục năm thúc giục mà con không thấy đưa bạn gái về ra mắt, bố mẹ mặc định anh "ế". Nhưng ông bà vẫn thở dài thườn thượt mỗi lần ai đó hỏi "thằng Cường có vợ chưa". Một số người gọi anh là "Cường rau sạch" vì mãi chưa được nắm tay cô nào. "Họ gọi thế cũng buồn", anh nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo & ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt TP HCM, cho rằng nam giới nên tập trung tìm hiểu giá trị bản thân, bồi đắp sự tự tin và chọn đối tượng phù hợp.
Ngoại hình nam giới không quá quan trọng, nhưng phải có sức khỏe và văn hóa tình dục vì điều đó hấp dẫn phụ nữ nhất. "Tình dục không có nghĩa là 'lên giường' mà là những cử chỉ, hành động tình cảm để phụ nữ cảm nhận được sự tinh tế", bà nói. Nam giới nên học cách ứng xử thế nào để cô gái mình muốn yêu có cảm giác được trân trọng, được sống tự do.
Theo bà Tâm, quan điểm phải có gì trong tay mới kết hôn là cái bẫy của suy nghĩ khiến người đàn ông gặp khó trong mối quan hệ. Không phải phụ nữ nào cũng nhìn vào tài chính để yêu. Nếu đàn ông có hoài bão, chí tiến thủ và đạo đức, các cô gái vẫn muốn gắn bó.
Chuyên gia tâm lý Kim Thành cho rằng đàn ông muốn lập gia đình nên xác định rõ đối tượng mình muốn là ai và tìm đến môi trường có nhiều người như vậy để tăng cơ hội gặp gỡ. Với những người chưa có kinh tế, cần nhìn lại xem tiêu chuẩn sống của mình có quá cao so với mức cần thiết không, tiết chế những khoản chi phí không cần thiết, tính toán để ưu tiên cho kinh tế gia đình thay vì lo lắng.
Các chàng trai cũng nên học cách tiếp cận, kết nối tình cảm. Phải thiết lập mối quan hệ bạn bè rồi mới nghĩ đến những thứ xa hơn, thay vì vồ vập từ đầu.
Dù vậy, các chuyên gia cũng khẳng định ngày nay nhận thức xã hội đã có nhiều thay đổi và có nhiều lựa chọn hơn phải cố kết hôn. "Nếu tìm hiểu nhau thấy không thích hợp thì cũng không cần cố ép mình vào hôn nhân. Vì cưới nhau rồi ly hôn thường sinh ra khổ tâm và nhiều phiền lụy hơn", bà nói.
Anh Tiến Cường vẫn muốn có một tổ ấm như bao người đàn ông khác vì rất thích trẻ con, thèm có một gia đình riêng để vun vén. Có điều, xét tình hình hiện tại, anh lo biệt danh "Cường rau sạch" sẽ gắn mãi với mình.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Theo VnExpress