Nỗi buồn của Diệp là cô chú đã can thiệp quá sâu vào gia đình nó. Còn mẹ nó, sao lại để người ta đặt dấu chấm hỏi về quan hệ của mình.
Diệp vừa đi học về đến đầu phố đã thấy tắc đường. Con phố nhà nó vốn chật hẹp, lại thêm nhiều hàng quán vỉa hè bán đồ ăn vặt cho học sinh lúc tan trường, thành ra lại càng chật thêm. Ông trưởng khu đã nhắc nhở mọi người đừng lấn chiếm vỉa hè nhưng chỉ được vài hôm, họ lại bày bán. Bỗng cô Thu hàng xóm kéo Diệp lại: “Vào nhà cô đã, tí nữa hãy về cháu ạ! Trên kia có đám đánh nhau đấy”. Diệp chột dạ: “Chỗ kia là quãng nhà cháu mà, để cháu về xem có chuyện gì xảy ra”. “Đừng! Cháu nhìn thấy sẽ không tốt đâu. Nghe lời cô, vào đây đã”. Nghe cô Thu nói thế, Diệp càng tò mò muốn biết sự tình nên nó chào cô thu rồi vùng chạy về phía nhà mình.
Cảnh tượng trước mắt Diệp là người lớn, trẻ con nhốn nháo, tụ tập đông đúc. Người thì giơ điện thoại quay video, người thì chụp ảnh liên tục, người thì vào can đám đánh nhau.
Diệp cố chen qua hàng rào người vây quanh và phát hiện mẹ nó tóc tai bù xù, bị cô nó túm ngược mớ tóc dài về đằng sau, vừa lôi xềnh xệch ra giữa đường vừa gào lên: “Cút khỏi nhà tao ngay! Cút ngay... Nhà tao không chứa cái loại đàn bà lăng loàn như mày. Trong lúc anh tao đau ốm, mày không chăm sóc, lại còn đi với người khác. Hôm nay tao phải cho mày một trận mới được”.
Ôi! Diệp sốc quá, nó muốn ngã quỵ xuống đất, mặt nóng bừng vì tức giận và xấu hổ. Nó định quăng cặp xách để nhảy xổ vào bênh mẹ, gỡ tay cô nó ra khỏi mớ tóc dài của mẹ nó nhưng chú nó đã xông đến trước, giọng hùng hổ: “Không được đánh! Không thèm đánh? Đánh loại đàn bà này chỉ thêm bẩn tay mình thôi! Để cho thiên hạ, làng nước người ta thấy bộ mặt xấu xa của nó là đủ rồi. Từ nay, nhà này cấm cửa…”.
Ngay lúc ấy, hai chú công an xã xuất hiện, giải tán đám đông tụ tập và mời mẹ Diệp cùng cô nó, chú nó lên trụ sở công an xã làm việc. Tối muộn mẹ nó mới trở về nhà bà ngoại, người rệu rã, mệt mỏi và nhắn tin cho nó: “Đừng buồn con nhé! Các cô chú của con tàn nhẫn quá. Mẹ không như họ kết tội đâu”.
Diệp chỉ thả tim tin nhắn của mẹ chứ chưa nhắn lại ngay. Lòng nó tủi hổ, đau xót, nước mắt không ngừng rơi. Nó vào bếp nấu cháo bưng lên, để nguội bớt rồi nâng bố dậy, đút từng thìa cho bố. Bình thường bố nó vẫn tự cầm thìa xúc cháo ăn được nhưng hôm nay sự việc xô xát xảy ra tại nhà khiến bố nó càng buồn chán, chỉ nằm im một chỗ. Bố nó vốn đang khỏe mạnh, kinh doanh cửa hàng điện tử to nhất phố, làm ăn đang phát đạt thì bỗng dưng đổ bệnh. Không ai nói cho Diệp biết về bệnh tình hình thực sự của bố nhưng nó tò mò xem trộm bệnh án rồi gõ google tra xem bệnh tình của bố có thể chữa khỏi được không. Bệnh này hiếm gặp, tự dưng bố nó bị liệt đôi chân, toàn thân đau nhức. Giải pháp là chỉ thay tủy may ra mới có cơ hội sống. Diệp vừa đọc vừa rùng mình rồi gửi đường link cho anh trai nó đang lao động ở bên Nhật. Anh nó hứa sẽ thu xếp công việc để về nước đưa bố đi chữa chạy: “Còn nước còn tát, em yên tâm, phải vững vàng đề động viên bố nhé, phải làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ nữa nhé!”.
Từ khi bố ốm, ngồi liệt ở xe lăn thì mọi việc kinh doanh do một tay mẹ Diệp quán xuyến. Mẹ ưu tiên cho Diệp tập trung việc học. Nó biết thương bố, thương mẹ nên tan học là về nhà dọn dẹp, nấu cơm, giặt quần áo. Nhiều lần nó muốn đẩy xe lăn cho bố ra ngoài dạo chơi, hít thở không khí thoáng đãng nhưng bố nó không chịu ra, phần vì mặc cảm, phần vì thương con gái.
Một lúc sau, Diệp nhận được clip dài hai phút từ cô nó kèm tin nhắn: “Đấy! Cháu xem cho rõ bộ mặt thật của mẹ cháu đi, rồi cháu tự quyết định là mình nên đứng về phía ai”. Diệp xem xong thì giận tím mặt. Clip quay cảnh cô nó, chú nó đi đánh ghen thay bố nó, bắt tại trận mẹ nó ngồi tâm sự với đối tác làm ăn ở bờ đê. Hai người xông vào, người quay, người đánh, người chửi, người rủa òm sòm cả lên. Diệp sốc lắm, nó thấy mẹ vẫn mặc nguyên quần áo trên người chứ có làm chuyện gì đâu mà cô nó, chú nó xỉa xói. Không thấy nó trả lời tin nhắn, cô nó nhắn tiếp: “Cô là cô thương anh trai cô, thương các cháu cô nên phải ngăn chặn sớm, kẻo mẹ cháu dại trai lại mang hết của nả cho giai thì bố cháu lấy đâu tiền mà chữa bệnh”. À, thế thì Diệp cũng hiểu phần nào. Nó giận cô chú không vun vén cho hạnh phúc của gia đình nó, lại can thiệp thô bạo, xúc phạm danh dự mẹ nó trước bàn dân thiên hạ. Nó cũng buồn vì mẹ lại tiếp chuyện đối tác ở bờ đê. Dù mẹ chưa làm gì quá giới hạn thì sự việc cũng khiến người chứng kiến phải đặt một dấu chấm hỏi.
Suốt đêm hôm đó, Diệp trằn trọc, không tài nào ngủ được. Nó nghĩ đến chuyện bỏ học vì xấu hổ. Nhưng chẳng còn bao lâu nữa là nó học xong lớp 12. Bỏ học thì biết đi đâu, làm gì. Bỗng cô giáo nó nhắn tin: “Cô chỉ muốn nhắc em một điều, rằng không ai được chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta được chọn cách mình sẽ sống. Hãy mạnh mẽ, can đảm lên em nhé! Chúc em nghị lực!”. Được cô giáo an ủi, Diệp cố nhắm mắt để chìm vào giấc ngủ, nhưng nỗi buồn cứ nghẹn ở trong lòng.
NAM HỒNG