Nhân dịp năm mới 2013, Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được và những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của tỉnh?
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Năm 2012 là năm gặp nhiều khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp, kinh tế tỉnh ta vẫn đạt được mức tăng trưởng 5,3% so với năm 2011, cao hơn mức tăng trưởng cả nước (5,03%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất (GTSX) đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 0,5%. Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song đã có tín hiệu tích cực hơn trong những tháng cuối năm, GTSX cả năm đạt 26.539 tỷ đồng, tăng 5%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, GTSX đạt 7.464 tỷ đồng, tăng 12,4%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2011. Một số công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng tiếp tục được tập trung nguồn lực thực hiện.
Nét nổi bật của năm 2012 là mặc dù kinh tế gặp khó khăn song các chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm bảo đảm. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm tiếp tục thu được kết quả tích cực, đã có 3 vạn lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 7,26%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉnh ta là 1 trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 mặt (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương).
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm qua cũng còn những mặt hạn chế. Còn nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các lĩnh vực có quy mô sản xuất lớn như lắp ráp ô-tô, sản xuất điện, sắt thép, xi-măng. Thu ngân sách nội địa chỉ đạt 82% dự toán năm (hụt thu khoảng gần 1.000 tỷ đồng). Môi trường đầu tư chưa được cải thiện rõ rệt, nhiều dự án đầu tư triển khai còn chậm, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Một số vấn đề nổi cộm, bức xúc về quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tuy đã được tập trung xử lý song chuyển biến còn chậm. Đời sống một bộ phận công nhân còn gặp khó khăn…
- PV: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những nguyên nhân của thành tựu và hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012?
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tỉnh ta đạt được những kết quả tích cực trên là do sự chỉ đạo sâu sát, quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã sớm nhận diện khó khăn, nắm sát diễn biến tình hình, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả, điều hành linh hoạt, kịp thời, đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức kinh tế cùng với đông đảo nhân dân toàn tỉnh đã đồng lòng thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh.
Việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã được các cấp chính quyền triển khai khẩn trương, đồng bộ, có sự vận dụng linh hoạt sát với tình hình thực tế của địa phương. Đã tập trung thực hiện gia hạn, miễn, giảm, giãn một số loại thuế cho các doanh nghiệp; giảm lãi suất cho vay, áp dụng biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ; triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Nhiều lĩnh vực được ưu tiên vay vốn như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Về nguyên nhân của những hạn chế trên, trước hết là do kinh tế-xã hội tỉnh ta chịu ảnh hưởng của tình trạng suy giảm kinh tế thế giới. Việc vay vốn của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ kém, một bộ phận doanh nghiệp bị phá sản. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hai do thiên tai, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, giá vật tư ở mức cao. Nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu không hoàn thành. Đó là, việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm. Còn nhiều hạn chế trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan giữa các cấp, các ngành. Trong giải quyết một số vụ việc phức tạp kéo dài, một số ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Ở một số lĩnh vực, việc thực hiện một số việc lớn, phức tạp còn thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiếu kiểm tra, xử lý chưa nghiêm. Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm người đứng đầu. Trình độ, trách nhiệm công vụ của một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Năm 2012, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2011.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện ô-tô của Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp
Nam Sách, TP Hải Dương. Ảnh: Thành Chung