Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cầu đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ môi trường...
Nước sông ô nhiễm làm cá nuôi lồng trên sông Thái Bình chết hàng loạt
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Lưu vực sông Cầu gồm các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu, thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường trên lưu vực sông Cầu vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh có những hành vi vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Kết quả quan trắc tại nhiều điểm cho thấy chất lượng nước lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, ô nhiễm gia tăng ở khu vực thượng lưu và trung lưu.
Tình trạng ô nhiễm ở thượng lưu và trung lưu lưu vực sông Cầu ảnh hưởng khá lớn tới chất lượng nước khu vực hạ lưu, trong đó có các tuyến sông chính của Hải Dương như Thái Bình, Kinh Thầy. Tình trạng cá chết hàng loạt đã xảy ra ở các lồng bè nuôi trên sông Kinh Thầy và Thái Bình đoạn qua các xã Nam Tân (Nam Sách), Nhân Huệ (Chí Linh). Riêng trong các ngày 28 và 29.4.2018, mỗi hộ có từ 600 - 1.000 kg cá bị chết. Theo phân tích 3 mẫu nước sông Thái Bình đoạn qua xã Nam Tân do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện cho thấy nhiều chỉ tiêu nước sông không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Trong đó, chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hóa học) thấp hơn rất nhiều lần quy chuẩn cho phép. Đây chính là nguyên nhân làm cho cá nuôi lồng bị chết hàng loạt.
Trên lưu vực sông Cầu, chất thải chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý triệt để. Việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các khu đô thị, quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại chưa hiệu quả. Hạ tầng tại một số khu công nghiệp, khu đô thị chưa được đầu tư đồng bộ nên việc xử lý nước thải chưa bảo đảm. Nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường xuất hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Cầu kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Theo đại diện lãnh đạo Chi cục BVMT tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua sự phối hợp giữa cơ quan quản lý của các địa phương trên lưu vực sông Cầu chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ. Chưa có quy hoạch quản lý nguồn nước của toàn lưu vực dẫn đến việc thiếu thống nhất trong quản lý, sử dụng nguồn nước. Các văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục về BVMT còn nhiều bất cập, chồng chéo cũng gây nhiều khó khăn cho công tác BVMT trên lưu vực sông.
Cố gắng của địa phương
Theo ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương thuộc lưu vực sông Cầu là triển khai nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm và giám sát môi trường. Tại Hải Dương, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn nhạy cảm về môi trường, có nguồn xả thải lớn đều phải có ĐTM trước khi chấp thuận đầu tư và cho thuê đất. Việc điều tra, thống kê và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn thải cũng được các địa phương chú trọng. Trên địa bàn Hải Dương, nước thải phát sinh của các nhà máy trong các khu công nghiệp đã được đấu nối vào hệ thống thu gom của khu. Chất lượng nước thải bảo đảm theo đúng quyết định phê duyệt ĐTM. Riêng các cụm công nghiệp, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các doanh nghiệp đều phải tự xử lý cục bộ tại cơ sở trước khi thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Nhiều cơ sở trong cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa xây dựng hoặc đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng việc vận hành còn mang tính đối phó làm cho công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT cũng là một trong những giải pháp để các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật. Các cơ quan chuyên môn tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi: không có thủ tục về BVMT, thực hiện không đúng nội dung báo cáo ĐTM, bản cam kết BVMT, đề án BVMT, việc quản lý các chất thải phát sinh, giám sát môi trường không đúng quy định hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép…
Ngoài các hoạt động chuyên môn, các địa phương lưu vực sông Cầu tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nhân các ngày kỷ niệm về môi trường như Ngày Đất ngập nước thế giới, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Công tác tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức tự giác, tạo ra nhiều thay đổi trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp về BVMT.
VỊ THỦY