Nợ công và trả nợ

08/11/2014 23:32

Nợ công, kiểm soát nợ công đang là một trong những vấn đề nóng trong các buổi thảo luận ở tổ, ở hội trường của Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII.


Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: "Nợ công quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của chiến lược nợ công quốc gia (không quá 65% GDP). Theo đánh giá đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần đến năm 2020 chỉ còn 62%". Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và chi trả nợ. Trong đó nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) xu hướng gia tăng. Nợ nước ngoài chiếm 49% đa phần là vốn vay ODA. Theo Bộ Tài chính, năm 2013 nước ta vay 40 nghìn tỷ đồng, năm 2014 vay 70 nghìn tỷ đồng và tiếp tục vay đảo nợ năm 2015... Đảo nợ là thuật ngữ của ngân hàng, còn thật ra là làm không đủ trả nợ, nên vay chỗ nọ, đập vào chỗ kia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nợ công đe dọa an ninh tài chính quốc gia". Một số chuyên gia tài chính cho hay, nợ công 65% GDP là an toàn cũng cần phải được bàn thảo kỹ trên cơ sở khoa học, nhất là nguồn trả nợ khả thi ở mức nào. Có quốc gia nợ công chỉ ở mức 30% GDP mà vẫn vỡ nợ. Còn ở Nhật Bản nợ công lên tới 250% GDP mà vẫn an toàn. Không phải Chính phủ Nhật Bản thiếu tiền mà đi vay,  mà là tiền trong dân dư thừa nhiều. Để ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ huy động (vay) của dân bằng hình thức bán trái phiếu Chính phủ và cho vay lại. Điều quan trọng là, kết cấu nợ thế nào? Nguồn trả nợ, cách trả? Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu nói rõ Quốc hội và nhân dân phải biết chi tiết công nợ. Như vậy có nghĩa là Chính phủ phải công khai công nợ, nhất là nguồn vốn vay ODA. Thuế của dân đóng góp, dân phải biết tiền đi đâu, về đâu. Vay ở nước ta có 2 khoản: Vay do thiếu hụt ngân sách mỗi năm khoảng 5% nên nợ tích vào rất lớn. Vay để đầu tư cho nhu cầu phát triển ngày càng tăng. Chính phủ còn bảo lãnh cho ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước vay. Có khoản Chính phủ đi vay về, cho vay lại, nếu lãi suất vay 10%/năm thì cho vay lại là bao nhiêu? Nếu chỉ 11%/năm hay rút xuống 5-7% thì bài toán tín dụng cần phải có lời giải?

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2014, Thủ tướng Chính phủ nói: "Kiểm soát chặt nợ công, quyết liệt xử lý nợ xấu". Chúng ta tin tưởng ở Chính phủ với quyết tâm như vậy. Song, vấn đề nợ công và trả nợ là chuyện dài dài. Là những cử tri, chúng ta có quyền đề nghị Quốc hội - những đại biểu ưu tú của nhân dân yêu cầu Chính phủ phải minh bạch nợ công, giám sát chặt chẽ chi ngân sách công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tệ tham nhũng.

 VŨ HOÀNG LUYẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ công và trả nợ