Niêm yết giá góp phần ổn định giá cả thị trường, hạn chế nâng giá trục lợi. Nhưng thực tế ở nhiều cửa hàng, việc niêm yết giá chỉ là hình thức, người mua vẫn có thể bị mua hớ nếu không mặc cả kỹ...
Hiện nay, phần lớn các chợ nông thôn không thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết
Lúc 4 giờ chiều 7-7, tôi đến Trung tâm Thương mại Hải Dương mua quần áo. Ướm thử thấy bộ quần áo vừa vặn, tôi đồng ý mua. Trên bộ quần áo có ghi giá bán 350 nghìn đồng. Thấy hơi đắt, tôi mặc cả, thì được chị bán hàng giảm giá xuống còn 300 nghìn đồng. Thấy hơi lạ, tôi hỏi: "Tại sao hàng nhà chị niêm yết giá rồi mà vẫn giảm giá". Chủ cửa hàng tỏ vẻ khó chịu: "Đã mặc cả lại còn hỏi vớ vẩn. Chị xem cả chợ có ai niêm yết giá đâu. Giá cả lên xuống thất thường, chúng tôi không có thời gian để thay đổi giá niêm yết". Khi đến một cửa hàng chuyên bán giày dép trên phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), tôi thấy ở đây bán khoảng hơn 100 mẫu giày dép các loại nhưng không niêm yết giá bán. Một nhân viên cửa hàng này cho biết: "Cửa hàng cũng đã có một vài lần thực hiện niêm yết giá trên từng sản phẩm nhưng khách hàng vẫn cứ mặc cả. Hôm trước, với giá niêm yết bán có lãi, nhưng hôm sau, đại lý thông báo lên giá chúng tôi lại phải thay tem giá một loạt, rất mất thời gian".
Dạo qua khu vực chợ Sặt, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), hầu hết các mặt hàng tại chợ đều không niêm yết giá. Một số hàng bán quần áo lớn có niêm yết giá nhưng cũng chỉ là hình thức. Khách hàng vẫn mặc cả giá bình thường và chủ cửa hàng cũng có thể giảm giá cho khách hàng từng loại. Đặc biệt, tại các chợ ở khu vực nông thôn, người dân vẫn có thói quen trả giá nên việc niêm yết giá bán hầu như không được thực hiện nghiêm túc.
Theo quy định của Bộ Công thương, các mặt hàng bày bán trên thị trường đều phải thực hiện niêm yết giá ở những nơi khách hàng dễ quan sát để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nếu cửa hàng không thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế thị trường tỉnh ta hiện nay, việc thực hiện các quy định này phần lớn chỉ mang tính đối phó với các cơ quan chức năng. Bản thân người tiêu dùng vẫn có thói quen mặc cả do không tin tưởng vào người bán. Việc định giá niêm yết cho sản phẩm cũng chỉ mang tính hình thức. Các chủ cửa hàng dựa trên khả năng tiêu thụ sản phẩm và mức thu nhập của người dân để định giá. Ngoài ra, cũng do người tiêu dùng thường có thói quen trả giá bán nên chủ các cửa hàng cũng phải niêm yết giá cao hơn để khi người tiêu dùng mặc cả, các chủ cửa hàng vẫn có lãi. Nhiều cửa hàng có thói quen “nhìn mặt khách hàng để định giá bán”… Theo quy định của Bộ Tài chính, bán cao hơn hoặc bán thấp hơn giá niêm yết là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động hợp pháp của các đơn vị kinh doanh khác.
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra niêm yết giá tại Siêu thị Intimex (TP Hải Dương)
Làm gì để việc niêm yết giá không còn là hình thức đang là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng. Theo ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là cần thiết, thể hiện văn minh thương mại, góp phần ổn định giá cả thị trường, hạn chế tình trạng nâng giá trục lợi bất chính của một số tiểu thương, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Để việc niêm yết giá được thực hiện thường xuyên, đoàn liên ngành của tỉnh vừa kiểm tra niêm yết giá tại 20 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, một số đơn vị chưa đưa ra được các phương án giá theo quy định, chưa giải trình được các yếu tố hình thành giá như Công ty CP Vận tải Đức Khoa, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Anh ở xã Ái Quốc (TP Hải Dương), Công ty CP Nam Hương xã Kiến Quốc (Ninh Giang)... Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cũng đã xử phạt gần 100 vụ vi phạm về niêm yết giá bán trên các loại hàng hoá thiết yếu như: sữa, phân bón, thực phẩm... Về lâu dài, người tiêu dùng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi thấy cửa hàng bán không đúng theo giá niêm yết, người dân có thể thông báo đến Ban thường trực của hội, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các tiểu thương và người dân hiểu rõ được ý nghĩa của việc thực hiện niêm yết giá trên sản phẩm. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm... Tổ chức cho các chủ kinh doanh ký cam kết thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đặc biệt với các hộ kinh doanh bán vật liệu xây dựng, phân bón và thuốc chữa bệnh. Đối với các cửa hàng bán đồ tạp hóa do lượng hàng hóa nhiều, tốc độ lưu chuyển nhanh, cần dán trực tiếp giá cả hàng hóa lên sản phẩm bằng các loại giấy dán giá có kích cỡ nhỏ, dễ thay đổi, thuận lợi cho việc sắp xếp hàng hóa. Ban quản lý các chợ cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh về kỹ năng bán hàng và văn hóa ứng xử đối với khách hàng; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đặc biệt, khi phát hiện các hành vi vi phạm cần có hình thức xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe và tạo nền nếp bán hàng văn minh, hiện đại.
LAN ANH