Những vườn đào vắng bóng người mua

02/02/2021 10:23

Do dịch Covid-19 tái bùng phát đúng dịp cuối năm nên cả chủ vườn và thương lái thu mua đào Tết đều thấp thỏm, bất an. 


Người trồng đào ở khu 5, phường Tân Hưng gom cành bán cho thương lái

Mọi năm, khoảng 20 tháng Chạp, nhiều người đã mua đào, hoa về chơi Tết. Năm nay do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát khiến cho cả người trồng đào và thương lái gặp khó khăn.      

Khác với vẻ nhộn nhịp như mọi năm, cả cánh đồng đào khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) năm nay vắng vẻ hơn hẳn. Chỉ lác đác vài thương lái và lẻ tẻ vài tốp khách nhỏ đến mua hoặc thuê đào về chơi Tết. Anh Phạm Văn Bắc có ruộng đào rộng 1,4 mẫu cũng đang đứng ngồi không yên vì dịch. Từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái ở huyện Cẩm Giàng và tỉnh Thái Nguyên, TP Hải Phòng cũng đã về tận vườn đặt cọc. Nhưng sau khi có ca bệnh trong cộng đồng thì nhiều thương lái đã hủy đơn và xin rút lại tiền cọc. Thương lái nhập hàng về sợ không bán được. Đây lại là khách quen chủ vườn cũng không thể làm khác. Nhiều gốc đào to đã có khách quen đăng ký thuê nhưng chưa thấy tới hỏi lấy. Năm nay, nhà anh Bắc thầu thêm 4 sào ruộng để mở rộng diện tích với mức đấu thầu 1,5 -2 triệu đồng/sào, đầu tư cây giống khoảng 70.000-100.000 đồng/cây, ngoài ra còn tiền đầu tư đắp vồng, mua phân bón, công chăm sóc. "Đến thời điểm này vườn đào của gia đình tôi gần như còn nguyên, công sức cả năm coi như bỏ không. Để vài hôm nữa hoa nở hết rồi cắt bỏ cành đề giữ gốc thôi", anh Bắc thở dài nói.


Người chăm sóc gốc đào vẫn hy vọng khách tới mua

Bà Nguyễn Thị Xuân ở khu 5, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) có vườn đào rộng hơn 2 sào với 60 gốc. Năm trước, từ rằm đến 23 tháng Chạp là vườn đào của bà Xuân đã bán gần hết, nhưng năm nay mới bán được khoảng 1/3. Nhiều cây đào cổ thụ có giá hơn chục triệu đồng nhưng thời điểm này rất khó bán. Với những cây giá trị lớn như vậy chủ vườn đành cắt bỏ cành để chờ bán vào dịp Tết năm sau. "Do lo sợ dịch bệnh, dù đào đẹp hơn, giá mỗi cây đã giảm khoảng 30% so với năm trước nhưng lượng khách đến mua vẫn ít. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì vụ đào này tôi lỗ gần 200 triệu đồng", bà Xuân chia sẻ.


Vườn đào của bà Xuân mới chỉ bán được 1/3 

Những hộ trồng hoa ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) cũng không tránh khỏi cảnh "mất ăn, mất ngủ". Phần lớn đào chưa được đánh gốc tại các nhà vườn. Bà Nguyễn Thị Thêm, chủ vườn đào buồn rầu cho biết trước khi dịch bệnh xảy ra, ngày nào vườn đào cũng tấp nập khách đến hỏi mua. Nhiều thương lái ngỏ ý muốn mua cả vườn nhưng bà từ chối vì nghĩ năm nay đào đẹp, dễ bán. Dịch bùng phát bất ngờ khiến cho nhiều chủ vườn không kịp trở tay. Trước khi dịch tái bùng phát, giá mỗi cây từ 2-6 triệu đồng tùy loại, từ hôm có dịch, giá mỗi cây đào giảm từ 1-2 triệu đồng nhưng vẫn ít khách hỏi mua.


Có thương lái chấp nhận bán lỗ

Không chỉ chủ vườn lo, nhiều thương lái đã thu mua đào cũng như đang ngồi trên đống lửa vì lo không bán được hàng. Ông Nguyễn Văn Tùng ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) chuyên mua đào ở các tỉnh vùng cao về bán tại chợ hoa xuân Tôn Đức Thắng (TP Hải Dương). Đầu tháng 12 âm lịch, ông Tùng phải lên tận Sơn La chọn từng cành đào do dân bản trồng. Sợ ảnh hưởng dịch bệnh nên ông Tùng chỉ dám nhập khoảng 100 cành, giảm một nửa so với mọi năm, nhưng vẫn lo không thể bán hết. "Mọi năm, một cành đào Sơn La có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng nhưng do dịch nên giá đã giảm còn từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/cành. Nếu hàng không bán được tôi sẽ phải hạ giá tiếp dù có lỗ cũng phải chấp nhận", ông Tùng nói.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người trồng đào trong thành phố, UBND TP Hải Dương vừa kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái và người dân trên địa bản tỉnh mua hoa đào cho các hộ trồng đào tại các xã, phường Hải Tân, Tân Hưng, Thạch Khôi, Gia Xuyên và Liên Hồng nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân. Hiện TP Hải Dương có khoảng 275 ha trồng hoa đào Tết.

 HIỀN HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những vườn đào vắng bóng người mua