Tại Việt Nam, trung bình, mỗi năm xảy ra hơn 200.000 ca đột quỵ và khoảng 20% trong số này tử vong do phát hiện trễ. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây đột quỵ có thể phòng ngừa được.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - Cơ sở 3, vào mùa xuân, ngoài không khí lạnh, sự thay đổi trong lối sống hằng ngày làm ảnh hưởng đến việc dùng thuốc ở một số người mắc bệnh mạn tính.
Một số người có thể không tuân thủ lịch trình ngủ nghỉ thông thường hoặc quên uống thuốc. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ đối với người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp... Các nguyên tắc sau có thể giúp đề phòng nguy cơ đột quỵ.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, chiên rán và các loại thực phẩm giàu đạm và chất béo. Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau xanh. Giảm muối cho các món ăn hằng ngày.
Thay thế các loại thực phẩm nhiều tinh bột như cơm trắng, bánh mì trắng bằng ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt. Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào để tránh tăng cân quá mức.
Uống rượu, bia có chừng mực
Nhiều người có quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên tiệc tùng kéo dài, việc uống quá nhiều rượu bia không kiểm soát được có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, đồng thời làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Lượng tiêu thụ rượu ở mức vừa phải là tối đa 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
Không hút thuốc lá, thuốc lào
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Ngoài ra, khói thuốc cũng có thể làm dày thành mạch máu do tích tụ cholesterol, dẫn đến xơ vữa động mạch. Do đó, bạn không nên hút thuốc lá, thuốc lào dưới mọi hình thức.
Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ
Đảm bảo cơ thể luôn ấm áp, đặc biệt ở khu vực có thời tiết lạnh hoặc khi ra ngoài vào buổi tối. Mặc đủ quần áo ấm, đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay và khẩu trang, và sử dụng dầu để giữ ấm cơ thể.
Tránh thức khuya, làm việc quá sức. Tránh tắm muộn sau 22h, chú trọng việc đi ngủ sớm và đảm bảo ngủ đủ giấc.
Tuân thủ chế độ điều trị
Để giữ gìn sức khỏe, bạn nên tuân thủ việc dùng thuốc hằng ngày, đúng giờ và theo liều lượng đã được chỉ định. Việc đặt báo thức để nhắc nhở, sử dụng bảng theo dõi hoặc hộp chia thuốc hằng ngày có thể giúp bạn không quên uống thuốc, đảm bảo luôn tuân thủ đúng liều lượng.
Duy trì thói quen tập thể dục
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, chỉ cần 30 phút tập thể dục mỗi ngày và duy trì 5 lần một tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ.
Thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, trầm cảm và căng thẳng.
Người trưởng thành nên dành khoảng 2 giờ 30 phút (150 phút) mỗi tuần để tập các bài đơn giản. Những hoạt động nhỏ như đi bộ thay vì đi xe, đi cầu thang thay vì đi thang máy, làm vườn và dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc nước ta, dịp Tết thường rất lạnh, người có nguy cơ đột quỵ không nên cố gắng vận động đặc biệt là ngoài trời kể cả việc đi bộ nhanh. Nên tránh đổ mồ hôi nhiều khi thời tiết lạnh, mạch máu có thể bị co thắt đột ngột rất nguy hiểm.
Ngoài ra, một số bài tập như xoay cổ, xoa bóp gáy, day ấn huyệt phong trì, vận động khớp vai… cũng rất tốt cho việc bảo vệ cơ thể.
H.A (theo Vietnamnet)