Cải cách hành chính

Những thủ tục không cần thiết làm lãng phí thời gian và các nguồn lực xã hội

PHONG TUYẾT 04/11/2024 17:59

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng hơn 3.000 thủ tục hành chính được cắt giảm là con số rất lớn. Những thủ tục không cần thiết làm lãng phí thời gian và các nguồn lực xã hội.

nguyen-thi-viet-nga.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 8 (ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Ngày 4/11, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung hơn vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá đây là con số rất lớn. Thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian và các nguồn lực xã hội, lãng phí cả cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp.

Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi nhưng hiệu quả chưa cao.

Có những hình thức xin ý kiến đều nhất trí hoàn toàn với dự thảo, nhưng đến khi ban hành thì chính các cơ quan, tổ chức đã nhất trí hoàn toàn lại kiến nghị về những vướng mắc, bất cập của văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra 2 nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này do bệnh lười đọc, lười nghiên cứu của một số cá nhân và hình thức xin ý kiến các tầng lớp nhân dân còn hàn lâm, gửi toàn văn dự thảo.

Trong khi đó, điều người dân quan tâm là sự phân tích sâu kỹ, ngắn gọn những thay đổi, bổ sung của quy định và nguyên nhân cùng các lợi ích, tác dụng của việc thay đổi, bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đánh giá bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay đang lãng phí do chưa có nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng.

Đại biểu cho rằng trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện vướng mắc, bất cập thì bên cạnh việc sửa đổi quy định cần tích cực giải quyết những hậu quả đã xảy ra, nhất là khi có ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thủ tục không cần thiết làm lãng phí thời gian và các nguồn lực xã hội