Nhiều sản phẩm của Apple nhận đánh giá không cao bởi thiết kế kỳ lạ, cho trải nghiệm sử dụng kém.
Magic Mouse 2 được Apple ra mắt năm 2015. Đây là mẫu chuột không dây với bề mặt cảm ứng để nhận thao tác vuốt và nhấn. Tuy có kiểu dáng hiện đại, điểm trừ của Magic Mouse 2 là cổng Lightning nằm ở bên dưới, đồng nghĩa người dùng phải lật ngược chuột để sạc pin, không thể vừa sạc vừa sử dụng như những chuột không dây khác. Năm 2021, Apple bổ sung nhiều màu mới cho Magic Mouse 2 để đồng bộ với iMac M1, tuy nhiên vị trí cổng sạc không thay đổi. Từ khi ra mắt đến nay, thiết bị vẫn có giá bán 79 USD.
Remote đi kèm Apple TV 2015 được tích hợp touchpad để di chuyển giữa các mục, bên dưới là cụm phím điều khiển, trang bị gia tốc kế hỗ trợ chơi game. Tuy có nhiều tính năng thông minh, remote bị đánh giá kém do kích thước mỏng và nhỏ, dễ bị thất lạc hoặc kẹt trong ghế sofa. Bố cục nút bấm của remote không trực quan nên dễ nhấn nhầm, trong khi touchpad quá nhạy gây khó khăn khi điều hướng. Trên thế hệ Apple TV mới nhất, remote đã được thiết kế lại với phím điều hướng 5 chiều dễ sử dụng hơn.
Cũng ra đời vào năm 2015, Apple Pencil là phụ kiện bút cảm ứng cho iPad Pro. Để sạc pin, người dùng cần cắm cổng Lightning trên đầu bút vào cổng sạc của iPad. Việc cắm bút vào iPad để sạc gây mất thẩm mỹ, có khả năng làm gãy bút hoặc cổng sạc nếu vô tình tác động mạnh. Thiết kế này khiến người dùng không thể vừa sạc bút vừa sạc iPad. Đến nay, các mẫu iPad Pro, iPad Air và iPad mini thế hệ mới đã chuyển sang dùng Apple Pencil thế hệ 2, hỗ trợ sạc bằng nam châm hít vào cạnh máy tiện lợi hơn.
Smart Case là phụ kiện kèm theo tai nghe AirPods Max. Theo Apple, Smart Case sẽ kích hoạt chế độ siêu tiết kiệm pin do AirPods Max không có nút nguồn. Tuy nhiên, thiết kế của Smart Case nhanh chóng trở thành chủ đề ảnh chế (meme) trên Internet, bị nhiều người so sánh với túi xách, ví và nội y. Trong khi đó, khả năng bảo vệ hay cất gọn AirPods Max vào balo của Smart Case gần như không có.
Butterfly Keyboard lần đầu xuất hiện trên MacBook 12 inch 2015. Apple cho biết cơ chế mới giúp bàn phím mỏng hơn nhưng không ảnh hưởng trải nghiệm gõ. Tuy nhiên, bàn phím này quá mỏng, dễ bám bụi gây kẹt, thậm chí gãy sau một thời gian sử dụng. Cơ chế này được nâng cấp vào năm 2016 và 2018, song vẫn không thể khắc phục điểm yếu. Táo khuyết thậm chí đối mặt vụ kiện tập thể do từ chối bảo hành bàn phím “cánh bướm” bị hỏng. Sau hàng loạt tranh cãi, Apple quay lại thiết kế bàn phím truyền thống từ MacBook Pro 16 inch 2019.
Không dùng thiết kế thùng máy truyền thống, Mac Pro 2013 nằm trong khối hình trụ tròn, được nhiều người gọi là “thùng rác”. Bên trong máy là CPU Intel Xeon, GPU AMD FirePro cùng loạt công nghệ phần cứng cao cấp. Theo Apple, thiết kế hình trụ giúp Mac Pro 2013 tản nhiệt tốt hơn. Tuy nhiên, việc gắn module mở rộng hay nâng cấp phần cứng phụ thuộc vào cổng Thunderbolt 2 thay vì gắn trực tiếp vào thùng máy. Điều đó khiến nhiều người dùng lên tiếng chỉ trích, khiến Apple phải lên tiếng xác nhận Mac Pro tiếp theo sẽ chuyển sang thiết kế module truyền thống.
Theo Zing