Giáo dục

Những thí sinh đầu tiên thi đánh giá tư duy tranh suất vào đại học năm 2024

Theo Tuổi trẻ 03/12/2023 14:16

Dù chưa hết học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 nhưng sáng 3/12, gần 3.000 thí sinh đã chính thức tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt đầu tiên để tìm cơ hội xét tuyển vào đại học năm 2024.

Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 được tổ chức ở 8 tỉnh, thành phố. Trong ảnh: thí sinh dự thi tại khu vực Hà Nội sáng 3-12

Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 được tổ chức ở 8 tỉnh, thành phố. Trong ảnh: thí sinh dự thi tại khu vực Hà Nội sáng 3/12

Năm nay kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức là kỳ thi khởi động sớm nhất, mở màn cho mùa thi lấy kết quả xét tuyển vào đại học năm 2024.

Trong đợt thi đầu tiên, thí sinh được chia thành 107 phòng thi tại 16 điểm thi ở 8 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Tại khu vực thi Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy có mặt tại điểm thi từ rất sớm. Nhiều thí sinh từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Sơn La… đã về Hà Nội trước một ngày để chuẩn bị cho buổi thi.

Nhiều thí sinh cho biết lý do tham gia kỳ thi đánh giá tư duy là để tự giảm áp lực cho bản thân khi nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm 2024.

5 giờ sáng, khi trời còn mờ tối và rất lạnh, bạn Hà Tiến Đạt, học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Lâm (Hưng Yên), cùng chị gái lên Hà Nội để kịp tham dự đợt thi đánh giá tư duy để "tranh suất" vào đại học.

Đạt cho biết từ đầu năm lớp 12 em bắt đầu ôn luyện thi đánh giá tư duy trên mạng, ôn thi theo các dạng đề Đại học Bách khoa Hà Nội công bố trên trang web nhà trường. Dù tham gia đợt thi sớm nhưng Đạt cho biết khá tự tin, tinh thần thoải mái.

"Em chọn thi đánh giá tư duy để giúp em có thêm nhiều cơ hội vào các trường top đầu. Nếu đặt tất cả kỳ vọng vào điểm thi tốt nghiệp THPT bản thân em sẽ rất áp lực, vì đạt 28-29 điểm có khi vẫn không thể vào ngành hot của trường top đầu.

Đợt này em thi chủ yếu để trải nghiệm đề trước, từ đó xây dựng lộ trình ôn luyện cụ thể hơn cho bản thân. Nếu kết quả chưa tốt em sẽ thi tiếp các đợt sau", Đạt nói.

Vượt gần 200km, sau 6 tiếng ngồi xe khách, bạn Nguyễn Duy Đức, học sinh lớp 12 Trường THPT Mộc Châu (Sơn La), đã cùng bố xuống Hà Nội để tham dự kỳ thi đánh giá tư duy. Do nhà xa, Đức cùng bố đã xuống trước một ngày. Trong đợt thi này Đức đặt mục tiêu đạt khoảng 60 điểm để xét tuyển vào Trường Cơ khí.

"Em làm đề thi thử thấy tương đối khó. Phần vật lý em tự tin nhất, còn hóa và sinh hơi căng. Đợt thi này em muốn thử xem sức mình tới đâu và cân nhắc cho những đợt sau. Đi thi tinh thần em rất thoải mái", Đức chia sẻ.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi, trong đó đợt cuối vào ngày 15 và 16-6-2024. Các đợt thi đều diễn ra trong hai ngày và vào thứ bảy, chủ nhật để tạo thuận lợi cho thí sinh

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi, trong đó đợt cuối vào ngày 15 và 16/6/2024. Các đợt thi đều diễn ra trong hai ngày và vào thứ bảy, chủ nhật để tạo thuận lợi cho thí sinh

Bài thi đánh giá tổng thể các kỹ năng của thí sinh

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết năm 2023 Đại học Bách khoa đã thiết kế lại tổng thể kỳ thi đánh giá tư duy. Do vậy cấu trúc của bài thi đánh giá tư duy năm 2024 giữ ổn định như năm 2023.

Theo ông Điền, đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 được bố trí sớm hơn năm trước, nhằm giúp các thí sinh đã tự tin về kiến thức của mình có thể dự thi. Ngoài ra, giúp thí sinh làm quen với cách làm bài, cách phân bổ thời gian. Từ kết quả thi lần này, thí sinh có thể đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học, trong đó nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học, mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt. Đặc biệt, phần tư duy khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.

"Thí sinh không nên thi hai đợt thi gần nhau vì sẽ không nâng lên được năng lực, kết quả thi nhiều. Việc học kiến thức nền tảng là rất quan trọng, đề thi không 'mẹo' nhưng hỏi nhiều kiến thức khá rộng. Với số lượng câu hỏi nhiều và ở 3 cấp độ tư duy, thí sinh phải hết sức khẩn trương và có chiến lược làm bài tốt", ông Điền cho biết.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Những thí sinh đầu tiên thi đánh giá tư duy tranh suất vào đại học năm 2024