Saudi Arabia vừa chính thức tiếp quản vị trí chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ Nhật Bản, trở thành quốc gia Arab đầu tiên đảm nhận vị trí chủ tịch Nhóm G20.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đánh giá vị trí chủ tịch G20 là "cơ hội đặc biệt" để định hình sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP/TTXVN
Với vai trò là tân chủ tịch G20, Saudi Arabia sẽ đối mặt với không ít thách thức trong nhiệm kỳ này.
Nước Arab đầu tiên là chủ tịch G20
Ngày 1.12, Saudi Arabia đã đảm nhận vị trí chủ tịch G20. Riyahd tiếp quản vị trí mới từ Tokyo trong bối cảnh quốc gia này đang triển khai nhiều biện pháp cải cách kinh tế và xã hội táo bạo nhằm củng cố vị thế trên trường quốc tế
Trong vai trò là tân chủ tịch G20, Saudi Arabia sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 21-22.11.2020. Trong nhiệm kỳ này, Saudi Arabia sẽ tổ chức hơn 100 sự kiện và hội nghị trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó có các hội nghị cấp bộ trưởng.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabi (SPA) đưa tin Riyahd cam kết tiếp tục triển khai những công việc từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6.2019 và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Trong khi đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đánh giá vị trí chủ tịch G20 là "cơ hội đặc biệt" để định hình sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế.
Việc Saudi Arabia tiếp quản vị trí chủ tịch G20 từ Nhật Bản cũng đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia Arab đảm nhận vai trò chủ trì một tổ chức liên chính phủ.
Đây cũng là thời điểm nhiều thách thức với những vấn đề trọng tâm gồm các nguy cơ toàn cầu như chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề thuế doanh nghiệp, biến đổi khí hậu, phát triển nhân khẩu học với bài toán tỷ lệ sinh thấp, tuổi thọ tăng và dân số già hóa, trong khi chủ nghĩa dân túy gia tăng đang ngăn cản tiến bộ ở cấp độ đa phương, sẽ được đặt lên vai của chủ tịch G20.
Chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại
Tại hội nghị hồi tháng 6 vừa qua, các lãnh đạo G20 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về những nguyên tắc cơ bản ủng hộ một “hệ thống thương mại và đầu tư tự do, nhằm bảo đảm thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định”, đồng thời nhất trí sử dụng “mọi công cụ chính sách” để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những nguy cơ xấu và đạt tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.
Trong thời điểm thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro xuất phát từ những căng thẳng và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn, việc các thành viên G20 nhất trí thúc đẩy thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt sau những bất đồng và chia rẽ có thể coi là một điểm nhấn quan trọng có tác động “định hướng” cho hoạt động giao thương toàn cầu trong tương lai.
Quan trọng hơn, kết quả này cho thấy các nền kinh tế G20 có thể đạt đồng thuận trong những vấn đề lớn nếu các bên đều có trách nhiệm đối với vai trò “chèo lái” nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại, như quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác và tạm ngừng đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu (EU), tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, dẫn tới các hành động trả đũa từ phía Bắc Kinh, cũng như dùng "lá bài thuế quan" để gia tăng sức ép nhằm vào hàng loạt đồng minh và đối tác như EU và các nước thành viên hay Nhật Bản … nhằm thực hiện chủ trương "Nước Mỹ trước tiên", dự báo vấn đề liên quan tới chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nền kinh tế G20, vốn được cho giữ vai trò "đầu tàu" dẫn dắt nền kinh tế thế giới, trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy có xu hướng thắng thế tại nhiều nước cũng khiến làn sóng phản đối toàn cầu hóa lan rộng, đồng thời khiến nhiều quốc gia quay sang những biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, vốn bị coi là rào cản đối với động lực tăng trưởng. Thực tế cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang được cảnh báo là mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều mà đa số các nền kinh tế thành viên G20 không mong muốn.
Cải tổ WTO, thuế doanh nghiệp và già hóa dân số
Một chủ đề cũng chi phối và được cho sẽ gây căng thẳng tại G20 là việc cải tổ WTO.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế số vào đầu tháng 6, các bộ trưởng đã nhất trí cho rằng “cần phải hành động để cải thiện hệ thống xử lý tranh chấp thương mại của WTO”. Đây là lần đầu tiên G20 đề cập tới vấn đề cải tổ hệ thống xử lý tranh chấp thương mại trong tổ chức quốc tế này.
Tuy nhiên, các thành viên G20 hiện đang có quan điểm khác biệt về cách thức cải tổ WTO. Mặc dù cũng chỉ trích Cơ quan Phúc thẩm WTO như Nhật Bản nhưng Mỹ đã từ chối ủng hộ việc bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm các thành viên của cơ quan này. Kết quả là cơ quan có cơ cấu 7 thành viên này hiện chỉ có 3 thành viên - con số tối thiểu để tổ chức các phiên phúc thẩm.
EU đã chỉ trích quan điểm này của Washington, trong khi Trung Quốc lại kêu gọi kéo dài nhiệm kỳ cho các thành viên Cơ quan Phúc thẩm. Sự khác biệt về quan điểm giữa các nền kinh tế thành viên G20 có thể gây khó khăn cho việc xây dựng dự thảo văn kiện.
Về vấn đề thuế doanh nghiệp, trong bối cảnh sự bùng nổ của Internet đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của thương mại, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên mạng Internet như Google, Apple, Facebook hay Amazon đã dùng cùng một chiêu thức giống nhau để né thuế, đó là chuyển lợi nhuận sang một công ty con ở nước ngoài nơi có mức đánh thuế thấp. Đây được xem là một hành vi không công bằng trong hoạt động doanh nghiệp.
Mặc dù các thành viên G20 đã có một bước đi lớn trong việc đối phó với hoạt động trốn thuế - vấn đề mà các chuyên gia đánh giá là vô cùng nhức nhối trong hơn 1 thập niên qua - bằng việc tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung về thuế doanh nghiệp vào năm 2020; nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể hiện thực hóa mục tiêu này khi các nước vẫn bất đồng trong cách thức thực thi.
Thời điểm sớm nhất mà lãnh đạo G20 có thể nhất trí đặt bút ký vào văn kiện cải tổ hệ thống thuế cuối cùng là vào năm 2020. Đấy là chưa kể tới một “núi” thủ tục mang tính kỹ thuật sẽ phải thực hiện, đồng nghĩa các tập đoàn đa quốc gia vẫn có thể tận hưởng “sự tự do” thêm một vài năm nữa.
Chuyên gia về chính sách thuế toàn cầu William Morris thuộc PricewaterhouseCoopers nhận định trong trường hợp chính phủ các nước không thể xúc tiến một khuôn khổ thuế toàn cầu, nhiều khả năng các quốc gia sẽ tự hành động một mình, điều này chẳng khác gì việc tạo ra một “miếng vải chắp vá” của các quy định - một điều “kinh khủng” đối với thương mại và đầu tư.
Cùng với đó, vấn đề già hóa dân số cũng sẽ đặt ra các thách thức và cơ hội, và vấn đề này đòi hỏi "sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc”.
Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
Về vấn đề bảo vệ môi trường, mặc dù các thành viên G20 đã nhất trí chấm dứt việc thải rác nhựa ra các đại dương vào năm 2050, thể hiện vai trò đi đầu của G20 đối với vấn đề cấp bách đang là thách thức đe dọa môi trường sống của cả hành tinh này, song để ngăn chặn và xử lý triệt để việc thải rác nhựa ra các đại dương cũng được cho là bài toán khó.
Một thách thức lớn với các nước G20 đó là mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Có thể thấy, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng như trong năm 2019. Đây cũng là năm mà làn sóng kêu gọi tăng cường nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu trong cộng đồng tăng cao chưa từng có.
Hội nghị diễn ra khi ở nhiều nơi trên thế giới, người dân và nhà chức trách vẫn đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng từ những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ cho tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay CHDC Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ...
Không một ngoại lệ, biến đổi khí hậu kéo theo nước biển dâng và những đợt thiên tai mỗi năm một khắc nghiệt đang gõ cửa từng nhà, từng vùng, từng quốc gia và từng châu lục. Đó là những gì trái đất trải qua khi nhiệt độ mới chỉ tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Thế kỷ 21 đã chứng kiến 18/19 năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó có năm 2019.
Các nhà khoa học cũng tiếp tục phát đi những cảnh báo đỏ về tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc ngày 26.11 chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C.
Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết, lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Nhưng mục tiêu này dường như "bất khả thi" khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 6, Mỹ đã không đồng ý với bất kỳ cam kết nào về giảm khí thải CO2. Chỉ có 19 nền kinh tế thành viên còn lại đã nhất trí sự “không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và cam kết thực thi đầy đủ, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện này. Nguy cơ hệ thống khí hậu của trái đất bị đẩy vào thảm kịch trở thành "hành tinh nóng không thể sống nổi" là có thật.
Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu lượng khí thải tiếp tục tăng mạnh, gần 90% dân số thế giới có nguy cơ bị mất sản lượng trong cả ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Các nhà đầu tư châu Âu cảnh báo rủi ro từ biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn hơn một cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo báo cáo thường niên của Lancet Countdown, một liên minh gồm 35 tổ chức, biến đổi khí hậu sẽ làm tổn hại sức khỏe của cả một thế hệ, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm gây chết người, thậm chí là các tổn thương về thể chất và tinh thần do lũ quét và cháy rừng.
Trước hàng loạt khó khăn này, các chuyên gia nhận định trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 tới, Saudi Arabia cần phải nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung để cùng đối phó với những thách thức chung, từ đó đem lại lợi ích chung.
Theo TTXVN