Năm 2024, nền kinh tế Đức dự kiến sẽ tiếp tục đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây.
Theo mạng tin châu Âu Euronews ngày 12/1, tăng trưởng GDP của Đức dự kiến sẽ giảm 0,6% trong năm nay, với áp lực lạm phát đình trệ đè nặng và mối đe dọa về tình trạng “giảm tốc” đang rình rập, thể hiện qua hoạt động sản xuất giảm sút.
Ngành công nghiệp ô tô, một trong những “viên ngọc quý” trong lĩnh vực công nghiệp của Đức, cũng đang gặp khó khăn, trong khi những hạn chế về ngân sách được cho là sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho các hộ gia đình và người tiêu dùng.
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Đức sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm trong năm nay, đồng thời là ví dụ nổi bật nhất về mức tăng trưởng yếu trong số các nước lớn ở châu Âu.
Thêm vào đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán rằng Đức có thể phải chịu một đòn giáng nặng nề từ “sự suy thoái của nền kinh tế thế giới”, do thương mại suy yếu và lãi suất cao hơn trên toàn thế giới lan sang năm mới.
Do lạm phát cao kéo dài kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao và nhu cầu trì trệ, Đức đã trải qua thời kỳ suy thoái tương tự vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, và do đó, hầu hết các triển vọng kinh tế đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,6% trong năm nay.
Điều đáng chú ý là do có sự trì trệ về kinh tế nên khoảng 2,6 triệu người vẫn thất nghiệp vào năm 2023. Con số này vào năm 2022 tương đối thấp hơn, ở mức 191.000. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay nếu điều kiện kinh tế ở Đức vẫn không được cải thiện.
Là nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, lĩnh vực ô tô của Đức là con át chủ bài của đất nước này. Tuy nhiên, mặc dù là cường quốc về đổi mới phương tiện di chuyển, ngành công nghiệp ô tô của Đức dường như đang phải vật lộn với một trong những thách thức lớn của sự suy thoái: cạnh tranh với Trung Quốc.
Theo Cơ quan Vận tải Ô tô Liên bang Đức (KBA), gần 98% ô tô vẫn chạy bằng động cơ đốt trong, do đó hầu hết các nhà phân tích tin rằng kế hoạch đưa khoảng 15 triệu xe điện ra đường vào năm 2030 của Đức là quá tham vọng và không thể thực hiện được.
Do hạn chế về ngân sách, ngành công nghiệp Đức không thể thách thức sự thống trị thị trường của Trung Quốc, do đó các khoản đầu tư đang bị trì hoãn. Duy trì thị phần xe điện gần 40%, Trung Quốc đang buộc Đức phải tiếp tục phụ thuộc vào hàng hóa do nước này sản xuất như pin.
Khủng hoảng ngân sách
Vào giữa tháng 11/2023, Tòa án Hiến pháp Đức đã hủy bỏ việc tái phân bổ của chính phủ khoảng 59 tỷ euro dưới dạng các khoản vay ứng phó với dịch COVID-19 để cải tổ nền kinh tế.
Chính phủ dự định sử dụng ngân sách để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, tuy nhiên phán quyết của tòa án đã tạo ra một lỗ hổng lớn hơn trong kế hoạch của chính phủ.
Nó còn có tác dụng bổ sung là gây ra sự xáo trộn lớn trong số người tiêu dùng và doanh nhân, những người chưa chuẩn bị cho cú sốc kinh tế.
Thời tiết ảnh hưởng tới nền kinh tế
Thời tiết bất lợi và biến đổi khí hậu cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức. Nước này đã chứng kiến lượng mưa lớn và lũ lụt trên diện rộng vào năm ngoái và tình trạng tương tự dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra vào năm 2024.
Kiểu thời tiết không đồng đều như vậy ảnh hưởng đến ngành năng lượng của Đức, đặc biệt là liên quan đến sản xuất dầu khí.
Người phát ngôn của Cơ quan Khí tượng Quốc gia Đức cho biết El Niño là một "ảnh hưởng lớn không thể dự đoán chính xác", làm tăng thêm sự bất ổn có khả năng tàn phá nền kinh tế Đức.
Ngoài ra, với ba mặt trận địa chính trị nguy cơ lan rộng: xung đột Nga-Ukraine, chiến tranh ở Trung Đông và leo thang ở Biển Đỏ, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác luôn rình rập.