Nhịn ăn sáng không chỉ khiến bạn khởi đầu ngày mới uể oải mà về lâu dài còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Béo phì
Bỏ bữa sáng, cơ thể có xu hướng ăn nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối. Trong khi đó, tần suất hoạt động của cơ thể vào buổi trưa và buổi tối lại không nhiều. Điều này dẫn đến việc dư thừa calo, tích tụ mỡ thừa trong cơ thể gây béo phì.
Viêm loét dạ dày
Cơ chế hoạt động của dạ dày là vẫn sẽ tiết dịch vị dù cho bạn không ăn sáng. Lúc này, axit bên trong sẽ phá hủy thành bảo vệ gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, bạn cần bổ sung thức ăn vào buổi sáng do đây là thời điểm mà dạ dày hoạt động mạnh nhất.
Suy giảm khả năng miễn dịch
Không ăn sáng khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi, nôn nao, cồn cào ruột gan. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ bị tụt huyết áp, choáng váng, tổn hại hệ tiêu hóa. Ngoài ra, thói quen bỏ bữa sáng cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và sức đề kháng trong cơ thể.
Mất tập trung, phản ứng chậm chạp
Bữa sáng là nguồn năng lượng chủ yếu cho hoạt động của não bộ. Giống như một “cỗ máy hết pin” cơ thể trở nên chậm chạp, mệt mỏi khi không có đủ năng lượng. Mặt khác, khi bị "bỏ đói", chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng, khiến bạn luôn có cảm giác khó chịu, không thể tập trung vào công việc.
Lão hóa nhanh
Một trong những tác hại với sức khỏe khi không ăn sáng đó là đẩy nhanh quá trình lão hóa. Do không ăn sáng nên cơ thể phải điều động lượng protein và đường dự trữ để hoạt động. Điều này khiến cho bề mặt da bị khô, rám, mất dinh dưỡng, dễ hình thành nếp nhăn ở trán và mắt.
Sỏi mật, táo bón
Khi ruột rỗng, nhu động sẽ giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài. Lâu dần nó sẽ kết lại thành sỏi và gây ra tình trạng táo bón nếu như bạn không ăn đủ 3 bữa một ngày.
Theo VTC