Những “sứ giả” mang tiếng Việt đến với nước Ý

03/05/2023 09:25

Những người thầy, sinh viên Việt đã tận tâm gây dựng văn hóa Việt, góp phần gây dựng cầu nối hữu nghị, phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ý trong hiện tại và tương lai.


Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và sinh viên Việt- Ý. Ảnh: Trần Anh

"Tôi loay hoay, trăn trở đi khắp các vùng của nước Ý để gây dựng phong trào học, gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt và cổ vũ các bạn sinh viên Ý yêu mến Việt Nam học tiếng Việt. Trời không phụ lòng người, cuối cùng sau gần một thập kỷ, tôi cũng đã làm được chút ít để góp phần phát triển phong trào học tiếng Việt, gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt ở Italia", Cô giáo Lê Thị Bích Hường xúc động chia sẻ.

Đi không quá nhiều nước nhưng với chúng tôi, đến với nước Ý xinh đẹp trong chuyến công tác vừa qua thật sự xúc động khi được mục sở thị, cảm nhận được tấm lòng lớn lao của những “sứ giả” với sứ mệnh truyền bá văn hóa Việt ở Ý. Đó là những tấm gương của những người thầy, những sinh viên Việt tận tâm gây dựng văn hóa Việt, gieo những con chữ để phát triển tiếng Việt, góp phần gây dựng cầu nối hữu nghị, phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ý trong hiện tại và tương lai.

Đến với Trường Đại học Ca’ Foscari, chúng tôi đã trực tiếp gặp được những “sứ giả” của tình hữu nghị Việt- Ý, những con người thật sự tâm huyết, ngày đêm đau đáu với sự nghiệp dạy tiếng Việt ở Ý như thế. Đó là các tấm gương như Giáo sư Richard Trần Quang Anh, cô giáo Lê Thị Bích Hường, và một số sinh viên mới từ Việt Nam sang học tại Italia. Trong đó, có lẽ xúc động nhất là tấm gương của cô giáo Lê Thị Bích Hường.

Cô giáo Lê Thị Bích Hường quê ở Việt Trì, Phú Thọ, nhưng lại chủ yếu sống ở Sen Hồ, Việt Yên, Bắc Giang từ khi còn nhỏ. Đó là quê hương của của một trong 49 làng quan họ cổ.


Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, giáo viên Trường Đại học Ca' s Focari. Ảnh Trần Anh

Chia sẻ với đoàn công tác chúng tôi, cô bộc bạch tâm sự: "Bố mẹ tôi không làm trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng đã tham gia vào lĩnh vực này. Bố là kỹ sư điện nhưng tích cực sáng tác, rồi tham gia vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mẹ tôi cũng vậy. Mẹ tôi là một trong những người đứng ra thành lập Câu lạc bộ Quan họ ở làng, là người đặt lời mới cho các bài hát theo làn điệu dân ca quan họ, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo, đồng thời mở lớp dạy quan họ miễn phí cho hơn 50 cháu ở làng Sen hồ. Bác ruột là Trần Linh Quý, nhà nghiên cứu quan họ, cựu Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Bắc trước đây. Cậu ruột là Trần Minh Chính, Tiến sĩ văn hóa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có một công trình nghiên cứu về dân ca quan họ khá đồ sộ, công phu với tựa đề “ Sinh hoạt văn hóa quan họ làng”. Công trình đã được nhận giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2016 vì những đóng góp có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy, phát triển loại hình dân ca đặc sắc này."

Có lẽ vì thế mà những làn điệu dân ca quan họ tự thân đã ngấm vào huyết mạch từ bé, nên sang Ý, cô như một “ca sỹ”, luôn biết uyển chuyển lồng ghép, vừa dậy tiếng Việt vừa dậy hát, đem các làn điệu dân ca quan họ đến với các sinh viên và những học giả, những người bạn Ý yêu quý Việt Nam. Và trân quý hơn, cô giáo Lê Thị Bích Hường luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp truyền bá tiếng Việt. Sẵn sàng dạy thêm giờ miễn phí khi có sự kiện và dồn tất cả công sức, tiền của cá nhân để tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Italia…

Vậy cơ duyên nào, Lê Thị Bích Hường lại tụ về Ý và trở thành cô giáo- “sứ giả” của Việt Nam thúc đẩy phong trào dậy tiếng Việt ở Ý? Vào năm 2005, tức là cách đây 18 năm, khi tôi đang làm việc tại Brazil với tư cách là Giám đốc điều hành Dự án hợp tác giữa Ý và Brazil, có một người chị bạn người Pháp gốc Việt đang sống và làm việc ở Pháp nhờ tôi dạy tiếng Việt. Mục đích của chị ấy là có vốn tiếng Việt để có thể nói chuyện với họ hàng ở Việt Nam nhân dịp về thăm Việt Nam của chị ấy. Sau đó, tôi dạy thêm một vài người nữa cũng với mục đích giúp họ có thể nói chuyện với họ hàng bên Việt Nam.

Sau 10 năm làm việc ở Brazil (2005-2015), tôi quay trở lại Ý. Tôi bắt đầu thành lập Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italia-Việt Nam và bắt đầu dạy tiếng Việt với tư cách giáo viên tình nguyện cho hiệp hội. Vì theo quan điểm của tôi có thêm một người biết tiếng Việt, có nghĩa là thêm một người biết về Việt Nam. Để dạy học được, tôi đã tham gia cuộc tập huấn tại Việt Nam dành cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài do Chính phủ Việt Nam tổ chức thông qua Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Sau đó tôi dạy tiếng Việt cho các cháu Việt Nam được nhận làm con nuôi ở bên Ý trong dự án do thành phố Bologna tài trợ. Từ năm 2019, khi bộ môn tiếng Việt bắt đầu được thành lập, tôi nộp đơn và trúng tuyển làm giảng viên thực hành tiếng Việt cho bộ môn tiếng Việt ở đại học Ca’ Foscari cho đến nay.

Biết chúng tôi quan tâm quá trình đạy và học tiếng Việt nơi đây, cô giáo Hường cũng thẳng thắn chia sẻ: so với “bên nhà”, việc dạy học tiếng Việt ở đây với đối tượng sinh viên người Ý nên rất đặc thù, khó khăn, vì thế phải biết cách cải tiến cách dậy mới “vào” được. Đặc thù ở chỗ, tiếng Việt là một bộ môn mới và so với các tiếng châu Á khác chưa được phát triển nên số lượng sinh viên vào học còn rất ít so với các bộ môn khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Bản thân người nước ngoài học tiếng Việt cũng rất khó. Do tiếng Việt có nhiều thanh điệu nên tôi nghĩ đã dùng các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam (trống, chập cheng) để cho các em sinh viên Ý hình dung được sự khác nhau giữa các âm điệu do khác dấu (ví dụ tùng- thanh trầm, cắc- thanh cao, phỏng theo cách gọi tên âm thanh khi ta đánh vào mặt trống hay thành trống) hay chập cheng (chập = dấu nặng và cheng =dấu không/ không dấu). Đây là phương pháp dạy đặc thù, vận dụng “sáng tạo” mà tôi đặt tên là phương pháp dạy phát âm Tùng Cắc.


Sinh viên Nguyễn Thị Hiền Thảo tặng trưởng đoàn công tác bức tranh "Dòng chảy Việt- Ý"


Bức tranh dòng chảy Việt- Ý

Mặt khác, các em sinh viên Ý khi đăng ký vào học ở bộ môn tiếng Việt đều mong muốn được biết về văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, so với các trường đại học ở Ý có môn tiếng Việt, Đại học Ca’ Foscari là nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, số giờ học tiếng Việt chưa được nhiều như các bộ môn khác. Một tuần học 2 buổi (lý thuyết và thực hành), mỗi buổi 2 tiếng với tổng số là 60 giờ cho một học kỳ và 120 giờ cho cả năm, tương đương với 1 tháng rưỡi nếu học 1 tuần năm ngày và 4 giờ trong 1 ngày. Học sinh học hai tiếng chính đó là tiếng Thái và tiếng Việt với số giờ tương đương như nhau nhưng số học sinh được sang Thái Lan thực tập gấp 5 lần số học sinh được sang Việt Nam thực tập.

Từ đặc thù đó, chúng tôi mang đến cho sinh viên nhiều hình thức truyền tải để có thể vừa dễ học tiếng Việt, vừa dễ cảm thụ nét đặc sắc văn hóa Việt qua các thể loại dân ca, sân khấu cổ truyền Việt Nam như quan họ, chèo, cải lương, tuồng cổ, múa rối nước. Hoặc qua các tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi tiếng mà thế giới biết đến như Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương và đặc biệt là Truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du…

Và gieo mầm rồi cũng ngày hái quả. Cô giáo Hường phấn khởi cho biết: "Các em sinh viên Ý rất hiếu học và thể hiện tình cảm yêu quý Việt Nam bằng cách đón nhận và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa ngoại khóa do tôi khởi xướng. Đặc biệt thông qua học hát các làn điệu dân ca Việt Nam, các em đã tham gia với niềm đam mê và trách nhiệm rất cao. Nhiều khi các em phải tập ở công viên khi chưa mượn được phòng hay chịu rét trong phòng không có lò sưởi để nghe tôi giảng Truyện Kiều và tập đọc những vần thơ Kiều đầu tiên. Các em đã được tôi phát huy khả năng của mình và đều được tạo điều kiện để tham gia tất cả các sự kiện văn hóa mà tôi khởi xướng. Thậm chí, có khi các em say mê học hát và múa online đến tận 11 giờ đêm. Trong số đó, nhiều em đã làm cho tôi bất ngờ đến xúc động về khả năng cảm thụ văn hóa Việt khi tự viết chương trình, lời bình các tiết mục văn nghệ."


TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam làm việc với Tổng vụ trưởng, Bộ Đại học Italia. Ảnh: Trần Anh

"Tôi đặc biệt xúc động về thành quả học tiếng Việt và du nhập văn hóa Việt của các sinh viên Ý. Chính các em với vốn tiếng Việt và văn hóa Việt đã làm rạng rỡ chương trình “Hồn Việt” được tổ chức cách đây một năm. Các em đã giới thiệu về lịch sử oanh liệt của đất nước con rồng cháu tiên - Việt Nam thông qua tiết mục múa cờ Dòng máu lạc hồng; giới thiệu các làn điệu dân ca thể hiện lòng mến khách của người dân Việt Nam nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng với các bài hát: quan họ Mời nước mời trầu, chèo với tiết mục Xúy Vân giả dại, cải lương với Tứ đại oán - Bá Lý Hề; phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam qua bài hát múa Tết quê em; giới thiệu thơ Nôm qua bài thơ Bánh trôi nước của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, phong trào thơ mới qua bài thơ “Chân quê”của nhà thơ Nguyễn Bính; giới thiệu một nghệ thuật vô cùng độc đáo của Việt Nam là múa rối nước và tác phẩm kiệt tác thơ Nôm Truyện Kiều của Nguyễn Du".

Quả đúng như vậy. Các sinh viên Ý, sinh viên và những người Việt Nam đang du học, công tác tại Đại học Ca’ Foscari khi trao đổi với chúng tôi cũng đều bày tỏ và hứng khởi với cách dạy tiếng Việt ở đây.

Sinh viên Tommaso Becchi, tâm sự: "Khi em chọn học tiếng Việt ở tuổi mười tám, đó là vì nhiều lý do. Trước hết, em bị thu hút bởi lịch sử đất nước của Bác Hồ: biết ngôn ngữ là cần thiết để thâm nhập văn hóa của một quốc gia, đặc biệt là một quốc gia cổ xưa như Việt Nam. Về điều này, em mừng là chỉ sau vài tháng, em đã có cái nhìn bao quát hơn về nhiều sự kiện lịch sử.


Cô giáo Lê Thị Bích Hường cùng các sinh viên Viêt Nam, Italia biểu diễn trong Chương trình "Hồn Việt". Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, khi em chọn con đường đại học này, không chỉ để có cái nhìn đầy đủ hơn về quá khứ, mà còn là cơ hội để trải nghiệm hiện tại và tương lai. Ngày nay, bất kỳ ai biết tiếng Việt đều được kết nối với đất nước 100 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Em rất hài lòng với sự lựa chọn học tiếng Việt của mình. Bây giờ, em rất nóng lòng được đến Việt Nam để đi dạo quanh Phố cổ Hà Nội và ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời của thành phố Hồ Chí Minh!".

Sinh viên Nawal Rebib, cho biết: "Bị cuốn hút bởi sự đa dạng văn hóa của Đông Nam Á, em chọn học tiếng Việt. Nhờ sự giúp dạy dỗ tận tình của các thầy cô, em đã học được những điều cơ bản về tiếng Việt. Em rất hài lòng với kết quả đạt được và nóng lòng chờ đợi để có thể áp dụng nó vào thực tế tại Việt Nam. Sinh viên năm thứ hai như em mong muốn có cơ hội được sang thực tập tại Việt Nam, đất nước của Bác Hồ, để hoàn thiện hơn tiếng Việt và thực hành những gì chúng em đã học được trong những năm này ở Đại học Ca Foscari. Rất tiếc là không có nhiều chương trình học tại các trường đại học ở Việt Nam và cơ hội thực tập tại Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Italia, chúng em mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để cho chúng em thực hiện được ước nguyện này".

Sinh viên Chiaral Venturi, chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng việc có thể đi thực tập tại Việt Nam là một kinh nghiệm cần thiết để hiểu đầy đủ và sâu rộng những gì chúng tôi học trong lớp. Trên thực tế, học tập hoặc làm việc tại Việt Nam trong một thời gian cho phép sinh viên chúng tôi cải thiện việc học ngôn ngữ và lịch sử của đất nước, nhưng trên hết là để tiếp xúc với nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam, mà chúng tôi chỉ có thể nhận thức một phần nhỏ trong lớp học. Dưới sự chỉ đạo của cô Hường, chúng tôi đã tổ chức một số sự kiện để chào mừng và tôn vinh Việt Nam và các truyền thống của đất nước xinh đẹp này. Đối với sinh viên chúng tôi, thật lý tưởng nếu chúng tôi có thể nhận được từ phía Chính phủ Việt Nam sự giúp đỡ có thể là vật liệu và đồ vật truyền thống, sách tiếng Việt, giúp đỡ trong việc soạn thảo từ điển… Những yêu cầu này thể hiện sự quan tâm và mong muốn của sinh viên chúng tôi là có thể được học sâu hơn và cải thiện tốt hơn những gì chúng tôi đang học, với hy vọng rằng mối quan hệ của chúng tôi với chính phủ Việt Nam ngày càng được củng cố".


Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Phạm Hùng Vương (người thứ hai từ trái sang). Ảnh: TG

Bạn Phạm Hùng Vương, đến từ quê hương Thái Bình, hiện là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Ca'sfocari, tâm sự: "Tôi có mối quan hệ thân thiết với các thày cô giáo và các sinh viên Đại học Ca'sfocari. Tôi rất tâm đắc cách dậy tiếng Việt ở đây. Cách dạy tiếng Việt ở đây luôn cuốn hút các sinh viên Italia. Tôi cũng học ít nhiều ở đây và thỉnh thoảng dạy cho các bạn đồng nghiệp người Ý và một số bạn quốc tế những câu tiếng Việt đơn giản để giao tiếp. Các bạn rất hào hứng học do đã tìm hiểu và được nghe kể về du lịch Việt, ẩm thực Việt, và đặc biệt là đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bạn rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa như: nấu ăn, biểu diễn văn nghệ do các bạn cảm thấy mới mẻ và hiếu kỳ với ẩm thực và văn hóa Việt. Tôi nghĩ không nên quá nặng nề tổ chức các sự kiện to tát, chúng ta nên đi từng những việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại thúc đẩy hữu hiệu quan hệ hữu nghị hai nước. Ví dụ, tăng cường quảng bá văn hóa, ẩm thực, và các cơ hội thực tập làm việc ở Việt Nam để các bạn cảm thấy có thể sử dụng tiếng Việt sau khi tốt nghiệp. Việc quảng bá có thể thông qua việc trao đổi giữa các Hội Hữu nghị của 2 nước (Hội Hữu nghị Ý- Việt và Hội Hữu nghị Việt- Ý) để con em các bạn bè người Ý biết đến nhiều hơn và lan tỏa ảnh hưởng. Các cơ hội thực tập và làm việc có thể thông qua liên kết giữa các trường đại học hai bên Ý- Việt và các doanh nghiệp Việt Nam- Ý để tạo ra những trao đổi ngắn hạn giữa 2 nước".

Sinh viên Nguyễn Thị Hiền Thảo, đến từ thành phố Hải Phòng. Hiện đang học tại Khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học Ca'sfocari, cho biết: "Sinh viên Việt Nam theo học ở đây không nhiều. Song chúng em luôn biết cách đoàn kết, đùm bọc nhau, hướng về Tổ quốc, tự giác học giỏi và chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại. Em đã vận động cùng nhiều bạn khác tự giác tìm cách truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng con em người Việt và luôn gắn kết với các thày cô, cũng như các sinh viên Ý đang học tiếng Việt trong các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Italia nói chung và thành phố Venice nói riêng. Khi được biết đoàn công tác Việt Nam đến thăm nhà trường em vui mừng và phấn khởi đến mức mấy hôm lâng lâng đến khó tả. Là người rất thích hội họa, lại vinh dự được cùng các sinh viên tham gia đón đoàn nên em đã ý thức và giành thời gian để vẽ một bức tranh tặng bác trưởng đoàn. Bức tranh mang tên: "Dòng chảy Việt - Ý". Qua bức tranh này, em muốn gửi tới thông điệp diễn tả tâm nguyện của những du học sinh tại Ý luôn hướng về quê nhà, hội nhập thành công, đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa Việt Nam. Luôn hướng về Tổ quốc thân yêu với niềm mơ ước học tập tốt, học hỏi được nhiều kiến thức mới nơi xa xứ".

Những điều mà các bạn sinh viên tâm sự hoàn toàn đúng thực tế. Trực tiếp trao đổi với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu, các phát biểu của lãnh đạo trường Đại học Ca’ Foscari tại Venice đều khẳng định, bộ môn tiếng Việt đã, đang phát triển tốt. Nhà trường sẽ toàn tâm, toàn ý ủng hộ duy trì và phát triển bộ môn tiếng Việt tại đây. Các sinh viên theo học tiếng Việt rất yêu quý Việt Nam nên rất chăm chú học và miệt mài tìm hiểu văn hóa Việt.


Giáo sư Richard Trần Quang Anh. Ảnh Trần Đức Anh

Cô Lê Thị Bích Hường tự hào, chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất vui mừng vì đã duy trì và phát triển lớp tiếng Việt trong 4 năm qua. Và chúng tôi rất vui mừng khi bộ môn năm 2022 đã có những cử nhân tiếng Việt đầu tiên tốt nghiệp. Những thành công của chúng tôi mới chỉ là bước đầu. Có được thành công đó là công lao của cả một tập thể. Đó là những đóng góp quan trọng của thầy trưởng khoa Marco Ceresa, của thày Trần Quang Anh đã tạo dựng bộ môn".

Như đã tâm sự, chúng tôi làm tất cả những gì có thể để gieo được con chữ tiếng Việt trên đất bạn, và để nhiều bạn Ý hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam ta. Và nguồn động viên lớn nhất là thành quả học tập và những lời cảm ơn chân thành từ các em sinh viên Ý: “Tôi xin cám ơn Giáo sư Richard Trần Quang Anh và cô giáo Hường đã luôn theo sát chúng tôi trong 3 năm qua. Với sự giảng dạy của mình, các thầy cô đã làm cho chúng tôi say mê tiếng Việt và tham gia vào các sự kiện văn hóa như thế này. Tiếng Việt rất khó so với người Ý nhưng nhưng cô Hường đã giúp chúng tôi trong việc phát âm và truyền cảm hứng cho chúng tôi khám phá những điều mới mẻ về đất nước Việt Nam. Khi tham gia vào các sự kiện như thế này, ngoài học các kiến thức cơ bản, chúng tôi còn được vui đùa, nhập vào các vai khác nhau và làm cho chúng tôi như cảm thấy đang được ở Việt Nam thật sự…” ( trích bài phát biểu của em Valentina Granata nhân sự kiện Hồn Việt, tháng 2 năm 2022).

“… Tôi thích học tiếng Việt hơn một số tiếng châu Á khác. Vì thích tiếng Việt nên chỉ trong một vài tháng lớp của tôi đã diễn được kịch Kiều. Tôi nghĩ đó là một cách tốt để ham thích tiếng Việt. Tôi rất vui học tiếng Việt tại Venice!” (trích bài văn của em Tommaso Becchi).

“ Em xin cám ơn cô về tất cả niềm say mê và tình yêu mà cô đã dành cho việc giảng dạy tiếng Việt. Cám ơn cô đã làm cho chúng em luôn cảm thấy cô luôn tự hào về học sinh của mình và em cũng có thể nói rằng em rất tự hào khi có một cô giáo như cô” (trích lời đề tặng của sinh viên Annastasia Badin khi em tốt nghiệp lấy bằng cử nhân vào ngày 13 tháng 10 năm 2022).

Thật ấm lòng khi những tâm sự, mong muốn của các thày cô giáo, của các sinh viên Trường Đại học Ca's Focari đã được đoàn công tác giải đáp thấu đáo và có thể yên tâm với chủ trương, hướng phát triển sắp tới về thúc đẩy hợp tác giáo dục, khuyến khích sự phát triển của ngôn ngữ và văn hóa của mỗi nước. Tiến sĩ Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với lãnh đạo nhà trường và các thày cô giáo, các em sinh viên: tai buổi làm việc với Tổng vụ trưởng, Bộ Đại học Italia ngày 17.4.2023, hai bên đã thống nhất sẽ tham mưu cho bộ trưởng hai nước thúc đẩy hợp tác về giáo dục; phát huy kết quả, tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Chính phủ hai nước về hợp tác giáo dục giai đoạn 2019-2022. Đặc biệt đẩy mạnh hợp tác phát triển ngôn ngữ, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và cung cấp học bổng. Hai bên cũng thống nhất tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hai nước theo hướng: phía Việt Nam sẽ tiếp tục dành các suất học bổng hàng năm cho công dân Italy để học tiếng Việt hoặc đào tạo ngắn hạn tập huấn vừa học vừa làm; phía Italy sẽ thúc đẩy cung cấp sách giáo khoa, cũng như phương tiện hỗ trợ âm thanh trực quan và các tài liệu giáo dục khác cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam để giảng dạy tiếng Italy và đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và trợ giảng…


Các đại biểu đoàn công tác giao lưu cùng các giáo viên và sinh viên Đại học Ca'sfocari. Ảnh: Trần Anh

Đặc biệt, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: "Các thầy cô giáo bộ môn tiếng Việt ở đây đã làm rất tốt. Chính các bạn đã làm một việc hết sức quý giá. Các bạn chính là những nhân tố quan trọng góp phần gìn giữ hồn cốt dân tộc Việt trong cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Và các bạn cũng là “sứ giả” truyền bá hệ giá trị văn hóa Việt Nam để làm cầu nối, phát triển tình hữu nghị Việt- Ý. Những kiến nghị của nhà trường, của các thày cô giáo và các sinh viên rất chính đáng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ, ngành hữu quan cần sớm nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và phía nước bạn để có chủ trương, chính sách tháo gỡ, giải quyết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thày cô giáo dạy tiếng Việt và các sinh viên Ý theo học tiếng Việt có điều kiện tốt nhất".

Khép lại bài viết này, thiết nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sự nghiệp dậy và học tiếng Việt ở Ý sẽ mở ra tương lai mới. Thiết nghĩ giá như ở các nước có đông người Việt cũng phát triển được phong trào dạy tiếng Việt và có những “sứ giả” truyền bá tiếng Việt, văn hóa Việt như ở Italia sẽ thiết thực biết bao. Vì chỉ có thế, cộng đồng người Việt về lâu dài mới giữ được hồn cốt dân tộc và là cầu nối hữu nghị với các nước sở tại.

Theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những “sứ giả” mang tiếng Việt đến với nước Ý