Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chú trọng thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
Để thực hiện Chương trình "1 triệu sáng kiến" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) đã xây dựng kế hoạch triển khai gồm 2 giai đoạn từ ngày 8/1/2022 đến ngày 1/9/2023 phân công nhiệm vụ và phân bổ chỉ tiêu cụ thể đến các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc. Để phong trào phát huy sáng kiến kinh nghiệm đi vào thực chất, hiệu quả, công đoàn đã thành lập Tổ Tư vấn hỗ trợ sáng kiến. Tổ này có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị, đoàn viên và người lao động xây dựng ý tưởng, hoàn thiện, đăng ký và nộp sáng kiến. Định kỳ hằng tháng, Tổ Tư vấn hỗ trợ sáng kiến tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện theo chỉ tiêu đã giao, biểu dương các đơn vị thực hiện tốt, nhắc nhở các đơn vị thực hiện chưa hiệu quả.
Ngày 21/5/2023, tại TP Hải Dương, đã xảy ra sự cố làm mất điện toàn bộ phụ tải đường dây 477 E8.1. Ngay sau đó, Điện lực TP Hải Dương đã chuyển nguồn cấp điện cho các phụ tải thuộc đường dây 477 E8.1. Riêng trạm biến áp Ngã Sáu 1 chưa thể khôi phục cấp điện do nhánh đường dây 22kV cấp điện là nhánh cụt, trong khi trạm biến áp Ngã Sáu 1 cấp điện cho các hộ dân ở nhiều tuyến phố như Mạc Thị Bưởi, Ngân Sơn, Tuy An, Phạm Ngũ Lão… Khu vực này có dân cư đông đúc, mức độ sử dụng điện cao. Trạm biến áp Ngã Sáu 1 rất cần một nguồn điện ổn định để bảo đảm cấp điện phục vụ nhân dân. Các giải pháp như san tải sang các trạm biến áp gần đó đều không khả thi do tiết diện đường dây hạ thế cấp hỗ trợ nhỏ; việc kéo cáp, nâng aptomat có nhiều khó khăn và thời gian thực hiện kéo dài.
Để xử lý sự cố này, anh Nguyễn Văn Chiến, chuyên viên Phòng Kỹ thuật Điện lực Hải Dương đã phối hợp đồng nghiệp tại Điện lực TP Hải Dương tận dụng cáp điện tồn kho tại Điện lực Hải Dương và các cột điện hạ thế trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi để kéo cáp ngầm từ trạm biến áp Ngã Sáu 2 sang trạm biến áp Ngã Sáu 1; đấu nối cáp ngầm với đường dây 22kV tại trạm biến áp Ngã Sáu 2 để cấp điện cho trạm biến áp Ngã Sáu 1. Nhờ đó kịp thời cấp điện cho trạm biến áp Ngã Sáu 1 để đóng điện các đường dây hạ thế cấp điện trở lại vào ngày 22/5. Anh Chiến cho biết: “Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty khoảng 200 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn là việc cấp điện được thực hiện nhanh chóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng trong đợt cao điểm nắng nóng”.
Công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng trên chương trình CMIS luôn là nhiệm vụ Điện lực Hải Dương phải duy trì liên tục, chính xác để bảo đảm thông tin khách hàng được chuẩn hóa. Trước năm 2022, công cụ cảnh báo trường hợp khách hàng sai thông tin chuẩn hóa chủ yếu thực hiện thủ công. Trên website chuẩn hóa chưa có tính tổng hợp dành cho người dùng ở một số cấp quản lý.
Để khắc phục những nhược điểm này, năm 2022, anh Trần Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Kinh doanh và một số đồng nghiệp đã triển khai giải pháp “Xây dựng hệ thống tự động gửi thông báo qua gmail đến lãnh đạo đơn vị hoặc bộ phận phụ trách trực tiếp về tổng số các trường hợp khách hàng sai thông tin chuẩn hóa trên chương trình CMIS theo cấu hình thời gian đặt trước”. Giải pháp được áp dụng tại Điện lực Hải Dương từ tháng 10/2022, mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt tiết kiệm nhiều thời gian dành cho các bộ phận quản lý, bộ phận thực hiện theo dõi chỉ tiêu. Dễ dàng triển khai sử dụng và thân thiện với người dùng do không phải thực hiện quá nhiều thao tác trên hệ thống đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng trên chương trình, tiết kiệm nhân công trong quá trình thực hiện theo dõi kết quả chốt theo các mốc thời gian tháng, quý, năm. Kết quả của báo cáo trực quan hơn, có sự so sánh giữa các thời điểm khác nhau để người quản lý chủ động đánh giá chất lượng, tiến độ chuẩn hóa thông tin khách hàng trên chương trình. Giải pháp này đã giúp Điện lực Hải Dương tiết kiệm gần 170 triệu đồng/năm, được công nhận là sáng kiến vào tháng 6/2023 và hiện đang trong quá trình bảo vệ ở Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Nếu được công nhận và áp dụng ở các đơn vị trực thuộc tổng công ty thì dự kiến số tiền làm lợi hơn 5,5 tỷ đồng/năm.
Anh Vũ Đức Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Hải Dương cho biết: “Trong bối cảnh chi phí sản xuất ngày càng tiết giảm thì việc có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Trong thời gian thực hiện phong trào thi đua, hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến", Điện lực Hải Dương và các đơn vị trực thuộc đã có 143 sáng kiến, vượt hơn 4% so với kế hoạch. Các sáng kiến này đã giúp cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty hơn 9 tỷ đồng”.
HUYỀN TRANG