Đây từng là công trình độc đáo tốn không ít bút mực của các danh sĩ. Nay dấu tích xưa không còn, song dưới nền móng cũ còn cất giữ bao điều bí ẩn.
Bức tượng Phật Thích Ca cao 35 cm, tượng Phật A Di Đà cao 40 cm bằng chất liệu đồn
g màu đen bà Vũ Thị Điếm tìm thấy dưới chân tháp đá chùa Huyền Thiên
Trong "Chí Linh bát cổ" thì Vân Tiên cổ động (còn gọi là Huyền Thiên cổ tự) là một. Đây từng là công trình độc đáo tốn không ít bút mực của các danh sĩ. Nay dấu tích xưa không còn, song dưới nền móng cũ còn cất giữ bao điều bí ẩn.
Chùa cổ Huyền Thiên nằm ở phía nam chân núi Phượng Hoàng, cách di tích đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ vài trăm mét. Tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên kỳ thú, đường vào còn nguyên vẹn sự hoang sơ. Kiến trúc chùa nhỏ, đơn sơ, từ cổng, bậc lên đến chùa chính, nhưng cảnh trí núi non thì khiến người ta phải ngỡ ngàng, mê đắm.
Ông Nguyễn Văn Sông, Trưởng Ban quản lý di tích thị xã Chí Linh cho biết: Toàn bộ khu vực thung lũng dưới chân núi trước kia là nền móng chùa cổ. Theo thư tịch cổ, Huyền Thiên cổ tự là nơi đức Huyền Thiên thượng đế giáng hạ luyện linh đan, diệt tai, trừ ác. Sau đó, các cao nhân, đạo sĩ đời sau đã về đây luyện linh đan, tu tiên, tu Phật, xa lánh cuộc đời trần ai. Chùa Huyền Thiên thuộc tổng Kiệt Đặc (nay là khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh) được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Trong sách Chí Linh phong vật chí có viết: “Động Huyền Thiên ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Thế núi tuy hẹp nhưng quần sơn củng lập, hai cánh giương ra như loan liệng, phượng múa, cũng là một cảnh trí thanh quang vậy”. Tương truyền sau chùa có động gọi là Vân Tiên rộng mấy chục trượng, vách động có muôn vàn thạch nhũ. Trần Thánh Tông thăm động Huyền Thiên đã từng đề thơ. Trần Nguyên Đán cũng nhiều lần đến thăm động Vân Tiên và đã có bài thơ “Huyền Thiên tử cực cung”. Đến cuối thời Mạc, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân tiên sinh cũng đến ẩn cư tại nơi đây. Huyền Thiên cũng chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ tu hành thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni. Trải qua hàng trăm năm, do chiến tranh và thiên nhiên, ngôi chùa bề thế xưa nay chỉ còn là phế tích. Động cổ Vân Tiên cũng không còn dấu tích. Đến năm 2006, chùa Huyền Thiên mới được xây dựng lại gồm 3 gian thờ ba vị Trúc Lâm Tam Tổ, quy mô chưa xứng đáng với giá trị di tích đã từng tồn tại trong lịch sử.
Bên dưới sự đổ nát, hoang phế còn cất giấu biết bao điều bí ẩn. Chỉ cho chúng tôi xem những phiến đá quây quanh gốc cây bàng trước cửa chùa, ông Sông nói: “Đây là những tảng đá chân cột thời Trần được tìm thấy xung quanh nền cũ và dưới suối. Trong những tảng đá có cả hoa văn hoa sen. Cũng tại các địa điểm trên đã tìm thấy gạch, đá, ngói mũi hài, ống nước gốm, sứ, thống đá, nhiều cột gỗ đã mục”. Một trong những di vật quý được tìm thấy và còn lưu giữ tại Huyền Thiên cổ tự là ngôi tháp cổ Quang Minh bằng đá và tấm bia đá thời Hậu Lê (năm 1700) sừng sững trong sân chùa.
Tháp đá cổ Quang Minh nơi giữ xá lị của sư trụ trì Như Tịnh thế kỷ XVIII
Một trong những người gắn bó và ra sức gìn giữ di tích chùa Huyền Thiên là vợ chồng bà Vũ Thị Điếm ở khu dân cư Trại Sen. Hiện toàn bộ khuôn viên ngôi chùa đều nằm trên phần đất của gia đình nhà bà. Vợ chồng bà là người đã tìm ra bia đá, tháp đá hiện nay. Bà Điếm cho biết: "Mấy chục năm trước, khi ngôi chùa còn là phế tích, xung quanh khuôn viên có 3 ngôi tháp, trong đó có 2 tháp đất nung và 1 tháp đá. Nhưng đến nay 2 ngôi tháp đất nung đã bị người ta phá, chỉ còn ngôi tháp đá này”. Biết tháp là nơi đặt tro cốt của các nhà sư từng tu hành tại chùa nên bà đã xếp gạch lại để hương khói. Vợ chồng bà đã tìm ra không ít di vật giá trị chứng minh cho sự bề thế của chùa Huyền Thiên xưa. Đó là bức tượng Phật Thích Ca cao 35 cm, tượng Phật A Di Đà cao 40 cm bằng chất liệu đồng màu đen, 1 bát hương cổ bằng đồng. Cả ba di vật trên đều có trọng lượng 8 kg. Ngoài ra còn có một mảnh chuông đồng vỡ ước tính đường kính khoảng 40 cm. Những di vật này được bà Điếm tìm thấy dưới chân ngôi tháp đá khi nó bị sụt xuống và nghiêng đi như hiện nay. Hiện các di vật trên đang được bà cất giữ và bảo vệ cẩn thận.
Năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có tờ trình với UBND tỉnh xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50 ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ. Trước khi xây dựng sẽ tiến hành khảo cổ để tìm lại động cổ Vân Tiên cùng các di vật. Với những nỗ lực đó, Huyền Thiên cổ tự hứa hẹn là một điểm du lịch tâm linh độc đáo của tỉnh ta.
NGỌC HÙNG