Những phát hiện mới

29/12/2014 15:04

Chúng tôi vừa tìm được văn bia ghi việc trùng tu văn miếu phủ Kinh Môn với nhiều thông tin quý hiếm mà từ trước tới nay chưa thấy ai đề cập.



Khu vực được cho là đã từng dựng văn miếu ở thôn Trần Xá, xã Lạc Long (Kinh Môn)


Chấn hưng đạo học

Từ trước đến nay, những công trình khảo cứu về di tích giáo dục thời Lê (1428 - 1788) mới đề cập đến văn miếu, trường học và thi ở Trung ương và ở TP Hải Phòng, một số khác thuộc tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Ở Hải Dương có Văn miếu Mao Điền là văn miếu hàng trấn (nay thuộc địa phận huyện Cẩm Giàng). Các huyện, xã có văn chỉ, từ chỉ. Nhưng chuyện cấp phủ có văn miếu hay văn chỉ thì chưa thấy công bố. Cho nên tìm thấy văn bia ghi việc trùng tu văn miếu phủ Kinh Môn có từ thời Lê với nhiều thông tin quý hiếm là rất hữu ích.

"Nhận thức và trách nhiệm của cá nhân là "công bộc của dân" trong văn bia cách nay đã 264 năm mà nay đọc vẫn khiến ta bồi hồi cảm phục".
Văn bia Trùng tu thánh miếu phủ Kinh Môn do Hoàng giáp Nguyễn Tông Khuê soạn năm 1751, hiện là 1 trong 4 bia ghi chép về văn miếu cấp phủ của cả nước còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung trong văn bia xác nhận: trước kia thánh miếu (văn miếu) phủ Kinh Môn được dựng tại tổng Hà Tràng, huyện Giáp Sơn (nay thuộc thôn Trần Xá, xã Lạc Long, Kinh Môn). Nơi đây từng được ví như đại văn hội của Hải Dương (Đông lộ). Năm Canh Thân, Tân Dậu (1749 - 1741) bị tướng quân “giặc cỏ” đốt phá chỉ còn tượng thờ, nền nhân nghĩa. Nơi dựng miếu thờ hoang tàn trong nắng rét. Năm Kỷ Tỵ (1749), Thái bảo Hải quận công họ Phạm duyệt quân qua đây, nhìn cảnh hoang tàn của nơi từng là miếu điện tôn nghiêm, nơi đông đúc xe ngựa xưa mà nay hiu quạnh, lòng ông bùi ngùi xúc động. Vị quan họ Phạm hỏi quan dân và được biết, nơi miếu điện vẫn được anh em nhà Tri phủ Phạm Cửu Địch quan tâm dọn cỏ nhưng chưa đủ sức khôi phục đồ tế lễ. Ông nói, để nơi tôn vinh đạo học hoang tàn là lỗi của ông, rồi tổ chức thảo luận và chỉ đạo phải nhanh chóng tu bổ, tôn tạo.

Thực hiện chỉ đạo của ông là 4 người, gồm: Tri phủ Phạm Cửu Địch và thuộc cấp là Tri huyện Dương Quế, người xã Hàng Kênh, huyện An Dương và hai vị xuất thân là vệ úy - quan võ là Nghĩa lĩnh bá Nguyễn Đình Hoán, người xã Tu Lương, huyện Đông Triều; Nguyễn Trọng Diễn, người xã Chúc Cương ở huyện Kim Thành, làm địa bạ ở xã Hạ Đỗ. Bốn người đã cùng nhau làm 2 tòa nhà, mỗi tòa 5 gian, lợp ngói bích, xây tường bao. Công trình được bố trí ban thờ, đồ thờ lộng lẫy, trở nên uy nghi hoành tráng, tôn nghiêm. Công trình khởi công vào mùa xuân, tháng 3 năm Canh Ngọ (1750), hoàn thành tháng 8 năm 1751. Số tiền đầu tư là 1.000 quan. Kinh phí do tự bốn người phụng sự, không nhờ người thân, không thu của dân, không phiền bè bạn.

Văn bia còn cho ta biết việc dựng văn miếu cấp tỉnh được triển khai trong những năm thuộc niên hiệu Thuận Thiên, Thiệu Bình  (1428 - 1439). Dòng 4, văn bia Trùng tu thánh miếu phủ Kinh Môn ghi đại ý: Trước đây, triều Lý, Trần lập quốc học… miếu thờ đầy đủ ở nơi vua đóng đô (kinh sư) nhưng chế độ ở cấp châu quận thì chưa có. Triều Lê ta (bản triều), vua bắt đầu ban lệnh cho các trấn lộ xây dựng miếu đình hoành tráng, thực hành nghi thức tế lễ như ở quốc học.

Văn bia khẳng định, những văn miếu ở trấn lộ bị thiêu phá sau 10 năm đã trở lại vị thế tôn nghiêm, hoành tráng có nguyên nhân từ những người mang lòng thành và ước nguyện được tôn tạo, tu bổ. Đặc biệt là vị quan mang hàm Thượng thư, Tiến sĩ Phạm Đình Trọng. Đóng góp của ông để chấn hưng đạo học là tư liệu lịch sử chưa thấy công bố.



Thác bản văn bia Trùng tu thánh miếu phủ Kinh Môn



Trăn trở hôm nay

Văn miếu phủ Kinh Môn được hai vị đại khoa, trọng quan của triều đình là Phạm Đình Trọng, Nguyễn Tông Khuê quan tâm và 4 người là trưởng quan và thuộc hạ (trong đó có 2 vị là quan võ), bỏ một khoản tiền riêng lớn để cứu văn miếu từ xuống cấp nghiêm trọng trở nên hoành tráng. Sách Tiến sĩ Nho học Hải Dương do Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương xuất bản năm 1999, ghi: Phạm Đình Trọng người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn (nay là thôn Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Hải, TP Hải Phòng). 21 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu 5 (1739), đời vua Lê Ý Tông. Ông từng giữ chức phó đô ngự sử, bồi tụng, tước Dao lĩnh hầu; chức Hiệp trấn ba đạo Đông, Nam, Bắc - thống lĩnh quân dẹp Nguyễn Hữu Cầu, thăng thượng thư Bộ Binh, hàm thái tuế, thái phó, tước Hải quận công. Theo một tài liệu chúng tôi tham khảo được: Phạm Đình Trọng (1715-1754) mất tại quân doanh, được truy tặng hàm thái bảo, tước đại vương, phong phúc thần. Trịnh Doanh viết bốn chữ "văn võ toàn tài" ban cho, lại cho biển ngạch khắc chữ "đồng hưu công thần", phong cho thái ấp vài ngàn hộ. UBND TP Hải Phòng công nhận Tiến sĩ Phạm Đình Trọng là danh nhân văn hóa. Trong văn bia soạn năm 1751 đã ghi Phạm Đình Trọng mang hàm Thái bảo (hàm thái bảo, thuộc mệnh quan của triều đình, hưởng bậc chánh nhất phẩm, cao hơn tể tướng một bậc).

Hoàng giáp Nguyễn Tông Khuê (1692 - 1766) là danh sĩ đời Lê Dụ Tông, cũng gọi là Nguyễn Tông Quai, hiệu Thư Hiên, quê ở Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, nay thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình). Năm Tân Sửu 1721 ông đỗ tiến sĩ. Là người nổi tiếng văn chương. Làm quan đến thị lang Bộ Hộ, tước Ngọ đình hầu. Ông hai lần đi sứ nhà Thanh, lần đầu làm phó sứ (1742), lần sau làm chánh sứ (1748). Ông cùng với Đoàn Trác Luân (anh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân là bốn danh sĩ được đương thời xưng tặng là "Trường An tứ hổ". Năm Bính Tuất 1766 ông mất, thọ 74 tuổi. Ngoài tác phẩm Trùng tu thánh miếu phủ Kinh Môn, Nguyễn Tông Khuê còn để lại cho hậu thế các tác phẩm: Sứ Hoa tùng vịnh, Sứ trình tân truyện (chữ Nôm, gồm 670 câu thơ lục bát); Ngũ luân tự (diễn Nôm 5 điều luân thường - vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn - bằng thể thơ song thất lục bát). Ông là danh nhân tỉnh Thái Bình.

Nhưng khi chúng tôi đi điền dã ở địa phương dịp cuối tháng 11 vừa qua thì ngay cả trầm tích văn hóa của di tích cũng hầu như không còn. Gương người xưa cho hôm nay soi vào là khi thiết chế giáo dục xuống cấp, những vị trọng quan của trung ương và địa phương đã nhanh chóng vào cuộc từ chỉ đạo đến tu bổ, tôn tạo. Kinh phí đầu tư không hề nhỏ nhưng họ tự bỏ tiền túi, không huy động sức dân. Nhận thức và trách nhiệm của cá nhân là "công bộc của dân" trong văn bia cách nay đã 264 năm mà nay đọc vẫn khiến ta bồi hồi cảm phục.

Đây là kinh nghiệm của người xưa và là bài học tham khảo cho công việc tu bổ tôn tạo thiết chế giáo dục hôm nay.



VĂN LỘC


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những phát hiện mới