Lần nào chị đổi kiểu tóc anh Đức Tuấn cũng bắt vợ phải đi nhuộm lại. "Đẹp thì mặc cái áo bà ba nâu cũng đẹp", anh chồng khăng khăng. Để gia đình yên ấm, chị Hồng hạn chế nhất có thể chuyện làm đẹp, không trang điểm, không làm đẹp dẫu thích. Nhưng gần Tết, thấy mọi người đi chị cũng muốn xinh đẹp hơn ngày thường để đi chơi, đi thăm họ hàng.
Biết chồng khó tính nên lần này Hồng chỉ dám nhuộm tóc màu nâu trầm, chọn hai cái váy dài đến đầu gối, lịch sự, hy vọng thay đổi được tư tưởng của chồng. Nhưng vừa về đến nhà, anh Đức Tuấn sa sầm mặt, bảo vợ "chồng con rồi còn thích đú đởn". Anh bắt chị nếu mặc váy thì vẫn phải mặc quần tất dày đen để không lộ đôi chân. Bực mình, Tết đó chị và hai con về nhà ngoại.
Vốn là người thích làm đẹp, nhưng ngày nào chị Nguyễn Minh Thư (32 tuổi, ở Nam Định) cũng bị chồng càm ràm vì sắm nhiều váy vóc, ba bốn loại son môi và "giày dép bằng của chồng con cộng lại".
"Rõ là chó rách nông thôn mà cứ tưởng mình thiên nga thành phố", anh bỉ bôi mỗi lần chị trang điểm ra ngoài. Chị Thư bảo chồng, mặc đẹp cũng là cách thể hiện tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng hơn. Nhưng anh trách chị quá đầu tư hình thức, lãng phí tiền của gia đình.
"Có chồng con rồi, cần quyến rũ ai nữa mà phải đẹp", anh nói. Chỉ vì chuyện váy áo, vợ chồng chị Minh Thư lục đục vài năm nay.
Đức Tuấn, Minh Tiến là những đàn ông thuộc 61% cho rằng vợ/người yêu không nên trang điểm và ăn mặc nổi bật để tránh thu hút sự chú ý của người khác giới, theo khảo sát và nghiên cứu năm 2020 của Viện nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS).
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh (giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng nhiều đàn ông Việt vốn gia trưởng, thích sở hữu, rất sợ mất vợ nhưng ít khi dám nói ra. Vì vậy, họ không muốn vợ ăn mặc đẹp, tránh thu hút người khác phái.
Thực tế, trong quá trình sống, đàn ông chứng kiến phụ nữ mặc đẹp thường sẽ thu hút hơn. Bản thân họ cũng bị hấp dẫn bởi những người mặc đẹp nên theo tâm lý thông thường, họ lo vợ mình bị ai đó tán tỉnh.
"Quan trọng hơn cả, đàn ông sợ vợ mặc đẹp bởi ẩn sâu bên trong là sự tự ti. Anh ấy sợ không đủ tốt để giữ vợ chung thủy và luôn bên cạnh mình", bà Minh nói.
Nghiên cứu của các nhà tâm lý học ở Bichat, Pháp cũng cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đàn ông ghen tuông là thiếu tự tin. Những người cảm thấy mình thua vợ hoặc kém người đàn ông khác thường lo lắng, sợ vợ ngoại tình.
Chị Hồng, vợ anh Đức Tuấn chỉ ngẫm ra điều đó khi được các thành viên trong một diễn đàn hôn nhân - gia đình phân tích. Bức xúc về những cấm đoán vô lý của chồng, chị đã lên giãi bày. "Từ khi còn yêu, cùng là sinh viên nhưng tôi đã đi làm có thu nhập, chủ động mọi sinh hoạt, còn anh phải xin tiền bố mẹ", chị Hồng kể.
Kết hôn, cả hai đều đi làm, nhưng thu nhập của chị gấp bốn lần mức lương nhà nước của Đức Tuấn. Vì vậy, chị càng tỏ ra chủ động, chăm chút bản thân, anh càng lo lắng.
Có một lý do khác xuất phát từ chính người phụ nữ, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh là vì ở nhà họ quá xuề xòa. "Phụ nữ quên rằng mình cũng cần mặc đẹp trước mặt chồng. Họ chỉ muốn lấy lòng người khác, trong khi quên mất lấy lòng chồng cũng rất quan trọng", bà nói. Khi đó trong lòng đàn ông dễ xuất hiện mối nghi hoặc về sự bất thường của vợ, khiến họ cảnh giác, ngăn người phụ nữ làm đẹp.
Anh Trương Anh Đức (31 tuổi, ở Hải Dương) chưa từng có ý nghĩ sẽ cấm vợ mình mặc đẹp. Tuy nhiên, cách chị ăn mặc khi ở cạnh chồng lại khác hẳn khi đi chơi riêng, khiến anh bực mình.
"Ở nhà thậm chí cô ấy lấy quần đùi của chồng mặc cho thoải mái. Dù vợ chồng đi ăn ngoài hàng, vợ vẫn dép tông, đầu không thèm chải. Nhưng đi cà phê với bạn hay đến cơ quan thì như công chúa", anh kể.
Ông Hoàng Anh Tú, quản trị một diễn đàn về tâm sự, hôn nhân gia đình, có hơn 100.000 thành viên cho rằng ngay phụ nữ cũng có nhiều người định kiến về chuyện vợ mặc đẹp. Họ nghĩ cô vợ mặc đẹp, trang điểm cầu kỳ là những cô vợ lỗi, là người mẹ không yêu con, là rảnh, lười. "Một số người nói, phụ nữ đã có gia đình còn mặc đẹp lồng lộn là vẫn thích thả thính", ông Tú chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng cần tùy vào điều kiện, tình huống xung đột để lựa chọn cách giải quyết. Trong tâm lý học, có 5 giải pháp để giải quyết xung đột thường được áp dụng là nhượng bộ, lảng tránh, thỏa hiệp, hợp tác và cạnh tranh.
Chẳng hạn, trong trường hợp hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện vợ mặc đẹp mà chồng đang nóng, khó kiềm chế cảm xúc, vợ nên chọn nhượng bộ để êm ấm gia đình. Khi người đàn ông bình tĩnh, hãy ngồi lại cùng nhau, nói rõ với anh ấy lý do mình cần mặc đẹp để tăng sự thấu hiểu và tôn trọng. Còn trong trường hợp tính chất công việc/buổi tiệc bắt buộc phải mặc đẹp, phụ nữ cần chọn cạnh tranh để thể hiện quan điểm.
"Phụ nữ cũng nên chọn trang phục phù hợp tiêu chí 3H là hợp hình thể, hợp hoàn cảnh, hợp vị trí và đặc biệt là tự tin khi mặc để chồng không có cớ ngăn mình làm đẹp", bà nói.
Với nam giới, bà Minh khuyên thay vì khư khư giữ vợ bên mình, hãy cùng vợ xác định những mong đợi, giá trị nào mình cho là quan trọng để cùng nhau vun đắp. Người đàn ông vì tự ti mà cấm đoán vợ mặc đẹp cần xây dựng lại sự tự tin và lòng tự trọng.
Ông Tú khuyên các ông chồng học cách tôn trọng vợ mình nhiều hơn thay vì coi họ là sở hữu. "Phải hiểu váy áo, trang điểm không chỉ góp phần khiến chúng ta tự tin hơn, đẹp hơn mà còn giúp ta cư xử, hành xử cũng bớt đi thô lỗ, vô duyên", ông nói.
Gần đây, chị Hồng cố tình chụp tấm hình mình vừa mặc váy, vừa mặc quần tất dày như yêu cầu của chồng. Trong lần bạn đến chơi, có cả chồng ở đó, chị hỏi mọi người đẹp hay xấu. Ai cũng cười, bảo chị "dở người", nếu không có quần chắc chắn sẽ đẹp hơn.
Chị vợ nói chưa mặc váy bao giờ, sợ hở hang mọi người cười rộ lên, chê chị lỗi thời. Anh Đức Tuấn ngồi cạnh, mặt bừng đỏ. Từ đó, anh không đòi vợ vừa mặc váy, vừa mặc quần nữa, dù vẫn tỏ ra không vui.
* Tên các nhân vật đã thay đổi
Theo VnExpress