Với diễn biến bất ngờ từ căng thẳng Nga-Ukraine, thị trường chứng khoáng Việt Nam đã không tránh khỏi khoảng thời gian biến động. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, trong khó khăn vẫn có những cơ hội đầu tư hiện hữu.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 đã chính thức khép lại. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên HOSE đạt mức khiêm tốn 6,75%, đánh dấu quý thứ III tăng trưởng chậm lại sau khi đạt đỉnh tăng trưởng vào quý I năm 2021.
Với nhóm VN30, mức tăng trưởng trong quý IV năm 2021 là âm 1,47%. Tuy nhiên, đã có sự phân hóa rất mạnh mẽ về lợi nhuận khi tăng trưởng chung bị tác động chính bởi tăng trưởng chậm lại ở nhóm ngân hàng và sự đi xuống của nhóm bất động sản. Trong khi đó, vẫn có một số ngành duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao như dịch vụ cảng biển, hóa chất, thép và các sản phẩm từ thép, dịch vụ tài chính.
Nhờ đó, tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đạt mức 24,25% và 20,53% cao hơn mặt bằng chung. Đây cũng là động lực chính giúp 2 chỉ số này phục hồi tốt hơn thị trường trong tháng 2 năm 2022.
SSI nhận định, diễn biến tương tự sẽ tiếp tục trong quý I năm 2022 khi thị trường đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, doanh thu về dịch vụ du lịch như ăn uống, lưu trú cũng được cải thiện khi các hạn chế đi lại trong nước ngày càng được dỡ bỏ, với việc doanh thu hoạt động du lịch đã phục hồi tại các điểm du lịch chính như Khánh Hòa và Phú Yên.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), ngành vận tải, chủ yếu là hàng không và dịch vụ tiêu dùng bao gồm dịch vụ hàng không, khách sạn, du lịch sẽ có mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 từ mức nền thấp, hỗ trợ bởi yếu tố mở cửa lại ngành du lịch và chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, Mirae Asset Việt Nam lưu ý rằng, dù kỳ vọng mức tăng trưởng khá cao nhưng mức EPS (lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu) năm 2022 dự báo vẫn thấp hơn so với trước dịch.
Ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng tốt cùng với nhu cầu tiêu dùng nội địa được hồi phục. Mirae Asset Việt Nam cũng nhận định ngành dầu khí sẽ tăng trưởng cao trong năm 2022, trong bối cảnh giá dầu tăng cao; ngành y tế (bệnh viện) sẽ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.
Ngành ngân hàng được dự báo duy trì mức tăng trưởng trên 20% nhờ nhu cầu tín dụng cao và đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài lãi. Đối với áp lực nợ xấu, việc chủ động trích lập dự phòng cao trong năm trước được kỳ vọng làm giảm áp lực lên lợi nhuận của năm 2022.
Ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin duy trì đà tăng trưởng nhờ xu hướng chuyển đổi số được củng cố. Tuy nhiên, tăng trưởng của các ngành nguyên vật liệu và dịch vụ tài chính có thể giảm tốc từ mức nền cao của năm 2021.
Chống chịu hiệu quả với rủi ro
Theo SSI, dù tác động trực tiếp của căng thẳng Nga - Ukraine hiện không phải quá lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, rủi ro ngắn hạn đối với Việt Nam khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến.
Diễn biến của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua cũng cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp. SSI cho rằng tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn.
Mặt khác, quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến kể từ 15.3 là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, vẫn có thể kỳ vọng vào các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.
Về định giá, hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, SSI duy trì quan điểm mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực.
Trong ngắn hạn, SSI nhận thấy biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.
Theo Mirae Asset Việt Nam, mức độ thích ứng với chính sách “sống chung với dịch” sẽ gia tăng nhờ độ phủ vaccine cao, cũng như việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường cho người dân giúp giảm tỷ lệ tử vong.
Các rủi ro bên ngoài có thể sẽ có tác động đến quá trình phục hồi trong nước do Việt Nam có độ mở kinh tế khá cao. Căng thẳng địa chính trị leo thang khiến giá của nhiều loại hàng hóa tăng cao như dầu, khí tự nhiên, than, nhôm...sẽ tạo áp lực tăng lạm phát, là gánh nặng lớn trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới- vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
Về mặt chính sách tiền tệ, trong nước, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp giúp cho Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất chính sách trong năm nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng Trung ương châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thêm vào đó, rủi ro nợ cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở thành nợ xấu. Theo ước tính của Mirae Asset Việt Nam, nợ cơ cấu đến cuối năm 2021 tương đương 5,9% dư nợ tín dụng hệ thống, tăng đáng kể so với mức 3,9% vào cuối năm 2020.
Dù vậy ở chiều tích cực, công ty chứng khoán này cho rằng, chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022−2023 có quy mô khoảng 4% GDP. Đáng chú ý trong gói hỗ trợ là chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, và hỗ trợ giảm lãi suất (giảm 2 điểm phần trăm).
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất (giảm 2%/năm) với quy mô tối đa 40 nghìn tỷ đồng, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm.
Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp với các yếu tố xúc tác chính bao gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh thúc đẩy chi tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiêu dùng tăng thông thường sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và công suất, tạo thêm động lực tăng trưởng. Thêm vào đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng hơn nữa trong năm 2022.
Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng tín dụng sẽ tăng khoảng 13% trong năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng 13,6% trong năm 2021, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp như năm 2021, để tài trợ cho các kế hoạch khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí vốn thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đã giảm 1 điểm phần trăm trong năm 2020 và giảm thêm 0,81 điểm phần trăm trong năm 2021. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ đang ở mức 7,6-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4,5%/năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Chỉ số PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm trong 2 tháng đầu năm báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang cải thiện.
Mức ROE (lợi nhuận trên vốn) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là 15,6% đang cao hơn nhiều nước trong khu vực, ngoại trừ Đài Loan (Trung Quốc) có mức 16,5%. Mức ROE của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện nhờ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.
Mirae Asset Việt Nam cho rằng, mức định giá hiện tại của thị trường cho thấy sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam có nhiều đổi mới nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Theo báo Tin tức