Bỏ trốn khỏi nơi cách ly chỉ vì nhớ vợ con rồi khiến cả gia đình phải cách ly là điển hình cho thói vô trách nhiệm trước cộng đồng lúc dịch bùng phát.
Trước nỗ lực ngày đêm của các ngành chức năng để phòng ngừa dịch Covid-19 thì một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng thông tin không chính xác về dịch bệnh. Số khác lại thì bỏ trốn trong thời gian cách ly bắt buộc, kiến công tác phòng chống đại dịch gặp khó khăn.
Liên tục trốn cách ly
Ngày 19.3, Lê Văn Vũ từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Vũ được lực lượng chức năng đưa vào khu cách ly tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.
Đến sáng 29.3, anh ta bất ngờ bỏ trốn, khiến các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh phải phát đi thông báo truy tìm.
Lê Văn Vũ được tìm thấy tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) và được đưa về lại Tây Ninh sau đó. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu Vũ cách ly lại từ đầu trong 14 ngày.
Lê Văn Vũ bị xử phạt hành chính và cách ly lại từ đầu vì hành vi bỏ trốn |
Chiều 29.3, Nguyễn Thành Nam (28 tuổi, quê Hà Nội) cũng bỏ trốn khỏi khu cách ly phòng dịch Covid-19 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, sau khi nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam.
Anh ta sau đó bỏ về quê rồi đến cơ sở y tế huyện Mê Linh (Hà Nội) khai báo và thực hiện cách ly. Việc bỏ trốn của Nam cũng khiến cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng những trường hợp người đang cách ly mà bỏ trốn khi chưa xét nghiệm Covid-19 là rất nguy hiểm. Nếu những người bỏ trốn dương tính Covid-19 thì mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao.
“Những người này sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, địa phương sẽ xem xét xử lý ở mức độ hình sự”, ông Ngọc cho biết.
Tung tin cả thành phố bị phong tỏa
Ngày 21.3, Nguyễn Hữu Châu (28 tuổi, quê Nghệ An) đăng thông tin: “Thông báo tới bà con huyện Tân Kỳ, virus corona đã về Tân Kỳ mình nhé, An Phát vừa cách ly một nạn nhân...” khiến người dân ở địa phương này hoang mang.
Việc làm này khiến anh ta bị công an mời lên làm việc và ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng vì đăng tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận.
Nguyễn Hữu Châu bị công an xử phạt 12,5 triệu đồng vì đăng tin thất thiệt. Ảnh: Công an cung cấp |
Ngày 24.3, Lê Thị Yến Thanh (26 tuổi, quê Kiêng Giang) nghe bạn bè bàn tán thông tin dịch Covid-19. Chưa kiểm chứng thông tin, chị này đăng status lên mạng xã hội với nội dung: “Tình hình trên đảo Phú Quốc rất căng thẳng và hỗn loạn do virus Covid-19 lây lan trên diện rộng". Cô gái này sau đó cũng bị công an huyện Kiên Lương (Kiên Giang) triệu tập, xử phạt 12,5 triệu đồng.
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cũng đã mời hot Facebooker D.N.Q. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) lên trụ sở để làm rõ về hành vi đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam lên Facebook. Trung bình mỗi bài viết có hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận, tạo thành điểm nóng lan truyền thông tin thất thiệt.
Hay trường hợp N.V.D. (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú) khi đăng tải thông tin: "TP Hồ Chí Minh sẽ bị phong tỏa 14 ngày từ 28.3" đã khiến người dân một phen hoảng hốt. Sau đó, D. bị Công an quận Tân Phú triệu tập, xử phạt 10 triệu đồng vì tung tin thất thiệt.
Lực lượng chức năng đo thân nhiệt một người tại khu cách ly ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh |
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh, khẳng định thành phố luôn công khai tình hình dịch bệnh, số người nhiễm và các giải pháp phòng, chống Covid-19.
Ông Lương khuyến cao trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng. Đơn vị này đang phối hợp với Công an TP.HCM xử lý những trường hợp tung tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Phạt tù lên đến 12 năm
Trao đổi với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh thông luật thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết hành vi trốn khỏi nơi cách ly, khai báo gian dối là không thể chấp nhận, cần xử lý nghiêm.
Theo luật sư Bình, việc cách ly những người mắc bệnh, có nguy cơ mắc là quy định bắt buộc của ngành y tế thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó, những trường hợp trốn cách ly cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5-10 triệu đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly.
Người trốn tránh cách ly sẽ bị phạt từ lên đến 12 năm |
Cũng theo luật sư Bình, hành vi trốn tránh cách ly gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến hậu quả là làm lây lan dịch Covid-19, ra xã hội thì người trốn khỏi nơi cách ly sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tù cao nhất là 12 năm.
Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự, người có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người mà kết quả là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm.
Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 2 người trở lên thì mức phạt là 10-12 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Ngày 30.3, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh.
Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, từ chối, trốn tránh cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực cách ly, khu phong tỏa nhưng thực hiện một trong các hành vi trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.
Trường hợp người đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc về dịch Covid-19 mà gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Nếu tung tin trái phép về cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh hay bệnh nhân, thì bị xử lý về tội làm nhục người khác.
Theo Zing