Bà Lành ngồi bên hiên nhà. Lấy chiếc nón quạt phẩy nhẹ nhẹ lên gương mặt đầy mồ hôi. Tiếng thở dài não nề, lặng lẽ trôi tuột trong ánh chiều vàng vọt.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Bà Lành ngồi bên hiên nhà. Lấy chiếc nón quạt phẩy nhẹ nhẹ lên gương mặt đầy mồ hôi. Tiếng thở dài não nề, lặng lẽ trôi tuột trong ánh chiều vàng vọt. Nghĩ đến ngày mai, khi người ta sẽ đưa xe đến, đón Khôi về nhà, lòng bà không thôi xót xa. Giờ này Khôi đang nằm ngủ cong queo trên chiếc giường tre ọp ẹp. Hai mẹ con đã cùng nhau trải qua bao khó khăn để vượt qua quãng thời gian bão táp cuộc đời. Đến lúc này, nó cũng chưa hay biết việc nó sẽ về nhà cha mẹ nó trong nay mai. Nó vẫn vô tư, vẫn ăn thì ăn, ngủ thì ngủ và quậy phá lúc nào nó thấy bất an trong người. Bà Lành cắn răng chịu đựng, mãi rồi quen, cũng chừng ấy năm bà dần cảm thấy có Khôi trong cuộc đời, không hẳn là điều gì đó quá bất hạnh. Ít ra nó cũng là nguồn động viên lớn lao trong ngôi nhà ba gian rộng thênh thang, không một người thân nào bên cạnh bà.
Bà nhớ, hồi đưa Khôi về nuôi, nó chỉ đỏ hỏn bằng củ khoai. Ngón tay huơ huơ liên tục, phản ứng dữ dội mỗi khi có ai đó động vào người. Sư thầy trao cho bà khi Khôi tròn tháng tuổi. Khi đó, chùa đã đông nghẹt những đứa trẻ mồ côi, trụ trì thở dài mỗi khi nghĩ đến việc chăm lo cho các con. Tiền sữa, tã, bỉm, đồ ăn mỗi tháng kéo theo sinh hoạt phí của ni cô, chú tiểu trong chùa, cũng là gánh nặng cho thầy. Hồi đó, cứ sáng sáng, một sư cô đại diện, mang thùng bánh ú ra đầu đường đứng bán, kiếm thêm chút tiền lẻ về nuôi các con. Dần dà rồi người ta biết đến chùa, cũng có nhiều Mạnh Thường Quân đến, cúng dường chư tăng, có người thì nhận trẻ về nuôi, nên chùa đi vào hoạt động ổn định hơn.
Khôi là một trong những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và khi nhận nó vào, sư thầy trụ trì cũng không biết nó bị bệnh thần kinh bẩm sinh. Mãi sau này, mỗi lần Khôi lên cơn, co giật và phá đồ đạc, bà Lành lại lặng lẽ chờ nó qua cơn, rồi đưa lên thầy, nghe pháp, nghe kinh. Dần dà rồi quen. Tháng nào bà cũng đưa Khôi lên đó, học cách trấn an tinh thần cho cậu bằng giáo lý Phật pháp.
Nghe người ta đồn thổi, cha mẹ Khôi chắc bị bệnh hoặc có dùng thuốc khi mang thai nó, nên nó mới bị như vậy. Nhưng một người như bà Lành, duyên kiếp đưa đẩy, số phận buộc phải gắn với cuộc đời nó, thì thôi bà chấp nhận. Ngoài những lúc nó quậy phá, thì bà cũng nhờ nó được những việc lặt vặt trong nhà. Quét sân, rửa bát, nấu cơm, Khôi làm được hết. Thậm chí đi học, nó cũng tiếp thu bài khá nhanh. Thầy giáo vô cùng tiếc nuối khi phải để nó ở nhà, vì ngoài lúc quậy phá ở nhà, thỉnh thoảng nó cũng làm rần rần trên trường. Lũ bạn được thể, xông lên đánh nó. Lần đầu tiên bà Lành thấy nó từ trường về nhà, máu me bê bết, bà đau đứt từng khúc ruột. Dù không phải là con bà sinh ra, bà cũng cưu mang nó từ nhỏ, làm sao bà không xót khi đứa con mình chăm bẵm hằng ngày bị lũ bạn trêu chọc quá đáng.
Khôi không nhận thức được điều đó. Nó chỉ cười: "Xước xát một chút thôi mà mẹ, con không đau đâu". Bà Lành ngồi lấy bông, gạc, nước ôxy già rửa cho nó, vừa rửa vừa khóc. Vậy mà nó vẫn hềnh hệch cười như chưa có chuyện gì xảy ra. Hôm sau bà quyết định cho nó nghỉ học, cũng là bớt gánh nặng cho nhà trường và tìm phương án mới cho Khôi được an toàn.
Mới hôm trước, bác Tâm, anh trai của bà Lành ghé nhà. Bác bảo: "Em cũng tới tuổi rồi, nghĩ phương án mà giao thằng Khôi cho người ta nuôi đi, cứ như vậy hoài em sống sao được".
- Nhưng mà... tội cho thằng bé lắm. Dù gì em cũng đã nuôi nó mười bốn năm rồi. Mười bốn năm ấy, không phải ít. Nó gắn bó với em từng ngày, em xem nó là con ruột của mình rồi. Em không nỡ...
- Nhưng em có bệnh, vết thương chiến tranh, chất độc da cam trong người em kìa. Em không lập gia đình là vì điều đó, bây giờ em còn gánh thêm hậu quả của nó nữa.
Hai anh em ngồi bàn bạc nhau. Có khi tiếng gắt của người anh trai làm bà Lành khó chịu. Bà sợ ảnh hưởng đến Khôi, sợ nó sẽ nghe được rồi tâm lý không ổn định, mà sinh thêm chuyện. Cuối cùng bà chốt:
- Thôi kệ, anh cứ để em lo cho nó, tới đâu thì tới, lúc nào sức em không lo nổi nữa, em sẽ buông.
*
Biết chẳng thể khuyên ngăn được em gái, trong lòng lo lắng cho những ngày về già của em, nên mặc dù im lặng, nhưng hằng ngày người anh trai vẫn lặn lội ngược xuôi đi tìm cha mẹ đẻ của thằng Khôi. Ông nghĩ ít ra khi tìm được cha mẹ nó, người ta cũng có trách nhiệm lo cho cuộc sống của nó sau này. Về lâu về dài, nó còn lớn và trưởng thành nữa. Mười bốn năm chịu đựng vất vả, gian nan, đối với người em gái của mình như vậy là quá đủ. Nhiều đêm ông trằn trọc nghĩ suy. Ông nhớ như in hình ảnh người em gái trở về sau bao nhiêu năm làm thanh niên xung phong trên chiến trường miền Nam. Cô gái cao ráo, xinh đẹp, mái tóc dài đen mượt, bây giờ chỉ còn là một người con gái mắt trũng sâu vì sương gió, bão đạn. Mái tóc đen lưa thưa. Đôi bàn tay gầy khẳng khiu. Anh nhìn cô em gái của mình trước mặt, lòng đau quặn thắt. Chiến tranh chẳng chừa một ai. Nhất là những cô gái gửi tuổi xuân mình nơi chiến trường. Những gì họ mang về, chỉ có những vết thương và đau đớn thể xác. Là con gái, họ cũng có những lặng thầm, điều khó nói mà chẳng thể chia sẻ cùng ai. Khi nhận kết quả bị nhiễm chất độc da cam từ bệnh viện tuyến Trung ương, ông đã thấy em gái mình ngồi thụp ngoài hành lang bệnh viện, khóc không thành tiếng. Ông đứng như trời trồng, người đàn ông luống tuổi, muốn ào đến ôm em gái vào lòng an ủi, nhưng đôi tay ấy cứ run run. Ông cứ đứng như thế nhìn em khóc. Khoảnh khắc ấy in đậm trong đầu óc ông. Đến giờ, khi thời gian trôi qua mười bốn năm, mười bốn năm ấy người em gái nhỏ bé cũng chưa hết khổ. Tưởng rằng nhận một đứa con nuôi để đỡ đần về già, nhưng nó lại mắc chứng bệnh quái đản. Nhiều khi ngồi bên vợ con, cháu chắt đầy đàn, ông lại thở dài: “Số kiếp cô Lành khổ, biết bao giờ mới được hạnh phúc”.
Cũng vì nghĩ cho em, nên ông quyết tâm đi tìm cha mẹ của Khôi. Dẫu biết tin tức mịt mù, càng đi càng mất hút. Nhưng ông lại nghĩ, hằng năm, đi tìm kiếm đồng đội, ông cùng bạn bè chia nhau ra các tỉnh, có thông tin gì là tới. Thì bây giờ cũng làm theo cách đó, cộng thêm việc vào chùa, tâm sự giãi bày hoàn cảnh. Ông cũng tinh ý né lúc em gái không biết để tìm gặp sư trụ trì. Thầy vui vẻ, mang một số giấy tờ ở trong chiếc giỏ ngày xưa cha mẹ Khôi để lại. Trong đó, có giấy chứng sinh, tên mẹ và bệnh viện khi thằng nhỏ chào đời. Lần lần, ông cũng tìm ra. Khi đứng trước cửa ngôi nhà khang trang, rộng lớn, ông không khỏi run sợ. Mở cửa nhà là một người phụ nữ trạc tuổi bà Lành, gương mặt hiền hậu. Ông rón rén mở lời:
- Tôi hỏi khí không phải, trước kia chị có một đứa con, đã gửi ở chùa, nay nó tầm mười bốn tuổi?
Người phụ nữ khựng lại mấy giây. Rồi nước mắt lã chã rơi:
- Anh tìm đúng địa chỉ rồi, nhưng em không phải là người phụ nữ ấy. Cách đây năm năm, chị nhà đã ra đi sau một tai nạn giao thông. Cũng chính là ngày chị ấy đi tìm đứa con thất lạc bao năm của mình. Do quá nôn nóng, lại cố tình giấu chồng, nên chị ấy tự lấy xe máy đi và… Em chỉ là người vợ thứ hai của anh ấy thôi ạ.
Ông Tâm điếng người. Thì ra đây là lý do mà mười mấy năm qua người ta không quay lại tìm đứa con thất lạc của mình. Ông từ tốn:
- Rồi anh nhà hiện nay đang làm gì, liệu có ý định tìm thằng nhỏ về nuôi không?
- Dạ anh ấy là giám đốc một xưởng gỗ, cũng hai bàn tay trắng làm nên từ gỗ. Hồi mới cưới em về, anh ấy kể hết cho em nghe rồi. Cũng kể chuyện hai vợ chồng có một đứa con thất lạc, vợ vì đi tìm con mà mất. Anh muốn trở lại ngôi chùa ấy, tìm kiếm thằng bé, nhưng một phần cũng sợ tâm lý em chưa ổn định, đón nhận mọi thứ quá mới mẻ, nên mấy lần anh ấy còn lần lữa.
Ông Tâm có chút cảm thông. Ngồi lại một lúc trong ngôi nhà khang trang ấy, ông cũng kể về hoàn cảnh của cô em gái mình, về thằng Khôi, đứa trẻ ngốc nghếch bao năm em gái mình cưu mang như thế.
Nghe xong câu chuyện, người phụ nữ ôm mặt khóc rưng rức. Chị bảo, em cũng là thanh niên xung phong nè anh. Em không có con, run rủi thế nào gặp được anh nhà em. Rồi cứ thế thương nhau, bên nhau. Chẳng cưới xin gì. Vì cảm thông cho hoàn cảnh anh ấy, nên em về ở cùng anh ấy luôn. Chị ấy mất, cũng có một cháu nhỏ nữa, năm nay đã mười tuổi. Cháu nó đang đi học. Bây giờ biết tình hình cháu Khôi rồi, em sẽ về bàn bạc với chồng, lên xin chị đón cháu về nuôi. Dù cháu có như thế nào, thì nó cũng là con chồng em, em hy vọng sẽ sống hoà hợp với nhau.
*
Ngày Khôi được cha mẹ đưa xe đến đón, bà Lành đứng trong sân khóc như mưa. Nó cảm nhận được nỗi buồn đau của mẹ. Nó chạy ào đến, ôm chân bà, không chịu rời đi. Hai mẹ con cứ thế bịn rịn. Cả hai bên gia đình làm tư tưởng suốt một ngày. Người vợ thứ hai nhìn bà Lành đầy trìu mến: “Cũng là kiếp phụ nữ với nhau, trở về từ chiến tranh, em hiểu nỗi lòng của chị, nếu chị muốn cháu ở lại, em và anh ấy không ngăn cản. Chúng em hứa sẽ về thăm cháu thường xuyên, cho chị bớt lo toan và phần nữa là tụi em phải chịu trách nhiệm về lâu dài cho cháu”.
Bà Lành gật đầu đồng ý. Vậy là Khôi được ở lại. Ngôi nhà ba gian ấy hằng ngày lại tràn ngập tiếng cười, có khi là tiếng khóc, tiếng quậy phá của Khôi. Nhưng bà Lành cũng yên tâm phần nào khi con trai mình đã có chốn đi về mỗi khi nó muốn…
Truyện ngắn của THỤY