Gia đình

Những người không ngồi chờ duyên

Theo VnExpress 04/01/2024 13:42

Trong quán cà phê ở quận Đống Đa (Hà Nội), nhân Giáng sinh, Thùy Dung tổ chức một buổi gặp cho hơn 30 người xa lạ làm quen nhau qua những trò chơi ghép đôi.

Mọi người đều là thành viên một nhóm trên mạng xã hội có mong muốn tìm một nửa. Khảo sát cuối buổi cho thấy có 10 cặp "đã có ấn tượng với nhau".

"Dù mới chỉ là ấn tượng ban đầu và để đi đến tình yêu, hôn nhân sẽ còn một chặng đường nỗ lực, khởi đầu như vậy đã rất tuyệt. Có những bạn thậm chí đã đi xem phim, cafe với nhau trước cả khi mình công bố kết quả", cô gái 33 tuổi nói.

Phương Dung, 31 tuổi đứng ra tổ chức buổi offline để kết nối những người độc thân, tối 23/12 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thùy Dung tổ chức buổi offline để kết nối những người độc thân tối 23/12 tại Hà Nội

Dung làm trong ngành bảo hiểm, tự nhận mình là mẫu "dân văn phòng tiêu biểu", ngày đi làm tối về ngủ. Một ngày cách đây 5 năm, cô nhận ra tuổi thanh xuân của mình đang trôi qua vô nghĩa. "Tôi muốn yêu và được yêu", cô nói.

Kể từ đó Dung tham gia nhiều hội nhóm theo giới tính, nhóm thiện nguyện, thể thao, kết giao được nhiều bạn bè và cả những mối hẹn hò xong "chưa đi đến đâu". Các nhóm này giờ đã dừng hoạt động hoặc thoái trào nhưng cô nhận ra, chỉ cần mình muốn thay đổi ắt sẽ có con đường. "Tôi muốn chủ động tạo cơ hội cho mình", cô gái giải thích về buổi gặp mặt hôm Giáng sinh của nhóm 30 người xa lạ.

Thùy Dung nằm trong hơn 10% người độc thân ở Việt Nam, tăng gần gấp đôi trong 15 năm qua, theo Tổng cục Thống kê. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu cũng tăng từ 24,5 năm 2010 lên 26,9 năm 2022, đặc biệt các tỉnh miền Đông Nam Bộ (28,8) và cao nhất là TP Hồ Chí Minh (29,8).

Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm, gây thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số. Một trong các biện pháp Việt Nam đang áp dụng là khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con.

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến áp lực cuộc sống, đặc biệt khó khăn kinh tế khiến nhiều người ngại yêu và gắn kết tương lai. "Dù vậy, phần lớn vẫn mong muốn yêu và có người yêu. Họ chỉ thiếu cơ hội và điều kiện", bà Nga nói.

Tại phòng tham vấn của bà Nga thường xuyên có khách hàng tìm đến vì cô đơn, buồn chán. Hầu hết chia sẻ công việc bận rộn và môi trường đặc thù khiến không có cơ hội gặp gỡ, giao du, dẫn tới "bị ế".

Nhưng chuyên gia cũng nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ thay đổi tư duy, chủ động và tích cực hơn trong việc tìm kiếm một nửa, thậm chí đặt mục tiêu "chống ế" thành công trước tuổi 30.

Nguyễn Phượng, 28 tuổi, người Hà Nội, trong một chuyến du lịch hai năm trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Phượng, 28 tuổi, trong một chuyến du lịch hai năm trước

Kết hôn trước tuổi 30 cũng là mục tiêu mà Nguyễn Phượng, 27 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội đang hướng tới. "Từ đầu năm nay mình nhận thấy đã sẵn sàng kết hôn nên đặt việc giao lưu, kết bạn, hẹn hò lên ưu tiên cao nhất", Phượng cho hay.

Thời mới tốt nghiệp đại học, cô thường dùng các ứng dụng hẹn hò để mở rộng mối quan hệ. Nhưng càng ngày Phượng thấy đây không phải là môi trường an toàn. Cô đang nhờ bạn bè giới thiệu, song song đăng ký dịch vụ mai mối có trả phí. Qua dịch vụ này, Phượng đã được giới thiệu gặp ba người nhưng sau một vài buổi gặp thấy không phù hợp mục tiêu, tính cách và tư duy nên chỉ dừng lại ở quan hệ bạn bè.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực hẹn hò, chuyên gia Vũ Nguyệt Ánh cho biết một bộ phận người độc thân hiện nay đang tích cực hơn trong việc chủ động tìm kiếm một nửa. Họ có rất nhiều kênh để làm việc này, từ các ứng dụng, dịch vụ hẹn hò và mai mối có trả phí, nhờ mai mối truyền thống, tham gia offline các hội nhóm. Trên mạng có hàng chục các group hẹn hò, mai mối cho người độc thân. Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang xuất hiện nhiều quán pub, cà phê cung cấp dịch vụ hẹn hò giấu mặt.

Tại một group cho người độc thân với gần 3.000 thành viên do Nguyệt Ánh làm admin, các thành viên không ngại chia sẻ nhu cầu được kết bạn (khác giới) qua những bài viết hấp dẫn và chi tiết về bản thân, bởi khi viết hay sẽ gây ấn tượng với nhiều người và viết cụ thể sẽ tăng khả năng tìm được người phù hợp.

"Một mặt, người độc thân ngày nay tự tin và cởi mở hơn, không cảm thấy e ngại trong việc chủ động tìm cơ hội kết bạn như người thế hệ trước. Mặt khác họ cũng thấy nếu không chủ động sẽ khó khăn để mở rộng mối quan hệ và tìm được người ưng ý", Vũ Nguyệt Ánh nói.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người độc thân muốn yêu nhưng ngại đi tìm, theo chuyên gia Linh Nga. Họ vẫn đang nghĩ việc nam nữ gặp, yêu nhau là do duyên phận nên cứ đứng chờ. Tuy nhiên với cuộc sống bận rộn ngày nay và có nhiều kênh tìm bạn đời, việc chờ đợi một cuộc gặp gỡ giữa hàng triệu người dường như không đơn giản nữa.

"Cần hiểu đúng về 'hữu duyên thiên lý năng tương ngộ'. Duyên do mình tự tạo ra, tăng cơ hội tìm được những người phù hợp và chất lượng. Nếu ngồi chờ duyên đến, có thể cũng có nhưng cơ hội tìm được một nửa hoàn hảo thấp hơn, thậm chí lỡ mất tuổi xuân, lỡ mất cơ hội lấy vợ/chồng ở tuổi phù hợp nhất", bà Nga nói.

Nguyễn Phượng chia sẻ, dù chưa tìm được "một nửa" nhưng quá trình đi tìm giúp cô trưởng thành, chín chắn hơn. "Thời thiếu nữ tôi có thể bị hạ gục bởi câu 'lạnh lùng với cả thế giới, chỉ dịu dàng với mình em', thì nay tôi sẽ không chọn người đàn ông như vậy", cô nói.

Còn Thùy Dung, những buổi giao lưu của người độc thân cho cô nhiều mối quan hệ tốt trong cả cuộc sống lẫn công việc. Một buổi offline sẽ diễn ra dịp Valentine tới, song Dung đang băn khoăn không biết có tiếp tục đứng ở vị trí ban tổ chức.

"Có lẽ vì ở vị trí này mà vô tình làm tôi mất đi các cơ hội được kết nối với bạn khác giới. Tôi cũng đang có nhu cầu này mà", cô gái nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người không ngồi chờ duyên