Bài thơ “Cảm ơn nhà báo” của tác giả Nguyễn Ruyến là một sự thấu hiểu, một tấm lòng tri ân, cảm thông cùng nghề báo và hàng nghìn nhà báo trên đất nước ta hiện nay.
Cảm ơn nhà báo NGUYỄN RUYẾN |
Trong cuộc sống hiện đại, thông tin cũng cần giống như nước uống và khí trời, không thể thiếu đối với mỗi người. Với chức năng cập nhật tin tức, cung cấp những hiểu biết mang tính thời sự trên nhiều lĩnh vực đời sống, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng, góp một tiếng nói hữu hiệu để ngăn chặn những tiêu cực trong xã hội, làm giàu có vốn văn hóa và tri thức đến với nhân dân. Bài thơ “Cảm ơn nhà báo” của tác giả Nguyễn Ruyến là một sự thấu hiểu, một tấm lòng tri ân, cảm thông cùng nghề báo và hàng nghìn nhà báo trên đất nước ta hiện nay.
Đặt vấn đề một cách trực tiếp và giàu tính biểu cảm qua hình tượng thơ, khổ thơ mở đầu là sự giãi bày một cách chân thực, đồng thời tác giả cũng đặt ra vai trò cực kỳ quan trọng của báo chí trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ như thế nào nếu con người thiếu thông tin? Quả vậy, lòng ta sẽ mờ mịt, tối tăm, thậm chí dẫn đến những nhận thức sai lầm nếu không có báo chí góp phần “soi đường cho quốc dân đi”: "Sẽ thế nào nếu cuộc sống thiếu thông tin/ Có lẽ lòng ta tối tăm, mờ mịt lắm/ Chỗ nông cạn lại tưởng rằng sâu thẳm/ Nơi đủ đầy cứ ngỡ chẳng có chi".
Từ nhận thức đúng đắn và hiểu được tôn chỉ, mục đích của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tác giả đã đi đến khẳng định tầm quan trọng hết sức to lớn, đặc biệt là niềm tin tưởng của nhân dân vào sức mạnh và “ánh sáng” mà báo chí nước nhà mang lại. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính Bác Hồ là người đặt nền móng và vạch con đường cho đất nước đi lên, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí cách mạng: "Úa cây đời chưa dễ rõ đường đi/ Nhờ báo chí cho ta ngời ánh sáng/ Từ có Bác vạch con đường cách mạng/ Báo chí - niềm tin hướng đến nhân quần".
Nhà báo, với tư cách là người cầm bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa, bao giờ cũng thể hiện quan niệm và mục đích của mình. Những câu hỏi đầy trăn trở mà sinh thời Bác Hồ đã từng đặt ra cho chính mình trong suốt hành trình vừa hoạt động cách mạng vừa viết báo, viết văn chưa bao giờ lại vang lên thôi thúc và buộc chúng ta phải trả lời như hiện nay. Đó là mỗi khi cầm bút, phải luôn đặt ra những câu hỏi “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”. Với tác giả bài thơ, anh đã thể hiện và bày tỏ quan điểm của mình hết sức chân thành, bộc trực. "Chữ nghĩa mỹ miều đâu hẳn thành công/ Mỗi trang báo - trái tim hồng thắp lửa/ Tin tức kịp thời nhưng không vội vã/ Ích nước, lợi dân luôn đặt lên đầu".
Nếu ba khổ thơ đầu, tác giả tập trung vào khắc họa vai trò của báo chí và quan điểm của mình về nghề báo thì đến ba khổ sau, nhà thơ lại tập trung khắc họa hình tượng nhà báo trên những dặm đường tác nghiệp. Có thể nói, nhờ khả năng quan sát và am tường về nghề báo và tấm lòng biết cảm thông với người làm báo, tác giả đã có những câu thơ chân thành, xúc động và gợi nhiều nỗi niềm đồng cảm của bạn đọc: "Dáng ai kia tay xách máy, bước mau/ Giữa nắng bỏng, trên cánh đồng ngập nước/ Giương ống kính chọn ghi cho bằng được/ Cảnh ngâm mình chiến sĩ gặt giúp dân".
Đặc biệt, những tin tức, phóng sự về Trường Sa, Hoàng Sa luôn là những thử thách lớn lao đối với người làm báo. Sống có trách nhiệm, sống hết mình để hiến dâng, đồng thời nhờ biết “vượt trăm ngàn mưa bão” của những phóng viên báo chí mà hai quần đảo thân yêu của Tổ quốc tuy xa xôi bỗng hóa thật gần. Đó cũng chính là lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm của người làm báo biết “dọn sạch lòng cho mơ ước xa bay” dẫu phải trải qua “gian nan, thử thách”, thậm chí có khi phải đổ cả máu chính mình: "Cùng biết bao thử thách, gian nan/ Trang phóng sự có khi hồng cả máu/ Khi nhà báo lương tâm nghề mách bảo/ Dọn sạch lòng cho mơ ước xa bay".
Khổ thơ cuối bài chỉ gói gút bằng một câu thơ cảm thán, tràn đầy cảm xúc và sự ngưỡng mộ của tác giả. “Trọn đời” là mãi mãi, không thể đổi khác và suy suyển bao giờ. “Đẹp lắm” là vẻ đẹp nhân cách, lương tâm của người làm báo, đó cũng chính là sự khẳng định, tôn vinh của nhân dân và cộng đồng xã hội đối với nhà báo, nghề báo cao quý: "Nhà báo trọn đời đẹp lắm ai ơi...!".
LÊ THÀNH VĂN