Những người có công với nước phải được Chính phủ và Quốc dân nhớ ơn

11/06/2022 10:07

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Đây được coi là cốt lõi để kháng chiến thành công, để đất nước phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30.12.1966)

Ngày 6.6.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL đặt 3 phần thưởng cao quý nhất là: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc những người nước ngoài có công với Việt Nam.

Những người thi đua là những người yêu nước nhất

Thấm nhuần sâu sắc rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thi đua yêu nước chính là phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc vào ngày 11.6.1948. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Người đã nhấn mạnh: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỷ mỷ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.

Từ trong công việc hàng ngày, đòi hỏi mỗi người đều phải thi đua và thi đua trong tất cả mọi việc, mọi lĩnh vực của mọi giới, mọi ngành, càng khó khăn càng cần phải thi đua. Người nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”. Người chỉ rõ nền tảng của phong trào thi đua là trong công việc thường ngày của tất cả mọi người. Thi đua là hoạt động có tính tất yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi con người: “Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.

Trong tổ chức thi đua, Người nhấn mạnh: thi đua không phải là “ganh đua”, không được bất chấp mọi mánh khóe để chạy theo thành tích, đạt được thành tích bằng mọi giá; mà tổ chức “thi đua” là để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng, phải biết tổ chức nội dung thi đua sao cho phù hợp, không câu nệ phô trương hình thức. Để phong trào thi đua phát triển rộng rãi, mạnh mẽ, liên tục, thu được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các đoàn thể nhân dân, đảm bảo các mặt hoạt động thi đua đồng bộ, nhằm thực hiện mục tiêu đã định theo đúng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; đảng viên phải gương mẫu đi trước lôi cuốn mọi người noi theo với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Và thi đua không phải chỉ trong một giai đoạn nhất thời mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có như thế mới đảm bảo được tính toàn diện, rộng khắp cũng như ý nghĩa của việc thi đua. Người chỉ rõ: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào” (6), nghĩa là nhân dân ta không chỉ thi đua đánh thắng giặc ngoại xâm, mà sau khi kháng chiến thắng lợi, phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đẩy mạnh thi đua để xây dựng và phát triển đất nước.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua, nhờ vậy, phong trào thi đua ái quốc lan rộng, cả tiền tuyến và hậu phương. 6 năm sau ngày ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sức mạnh của các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”... đã góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cùng với phong trào thi đua, hàng trăm danh hiệu anh hùng, hàng nghìn danh hiệu chiến sĩ thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi lứa tuổi được trao tặng cho các cánhân và tập thể xuất sắc. Những nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã góp phần cổ vũ và tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Những người có công với nước phải được Chính phủ và Quốc dân nhớ ơn và tưởng lệ

Cùng với phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác khen thưởng. Ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 26.1.1946, Người đã ban hành Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, đây có thể coi là văn bản mang tính pháp lý đầu tiên về công tác khen thưởng. Người quan niệm rằng, đã có thi đua thì phải có khen thưởng. Để nuôi dưỡng phong trào thì sau mỗi đợt thi đua phải tiến hành sơ kết, tổng kết, đúc rút, phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến và cuối cùng, khâu quan trọng là biểu dương, nêu gương, khen thưởng.

Người cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có…”. Những người tốt, việc tốt đó cần và rất đáng được biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời và đúng mức để khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Bởi vì, nêu gương chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà Người đã nhận thức hết sức sâu sắc điều này “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Cho nên Bác nghĩ: cần có những phần thưởng để khuyến khích, động viên, cổ vũ mọi người hăng hái làm tròn nhiệm vụ… Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc”.

Tiếp đó, ngày 6.6.1947, Người đã ký Sắc lệnh số 58-SL đặt 3 phần thưởng cao quý nhất là: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc những người nước ngoài có công với Việt Nam. Sắc lệnh chỉ rõ: "những người có công với nước phải được Chính phủ và Quốc dân nhớ ơn và tưởng lệ". 70 năm đã trôi qua, song nội dung của những Sắc lệnh này vẫn giữ được giá trị, ý nghĩa to lớn, đặt nền móng cho công tác thi đua khen thưởng của nước ta sau này.

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và khen thưởng, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đã được ban hành và đi vào cuộc sống.

Chính sách khen thưởng kháng chiến là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Việc khen thưởng thành tích thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945; trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ được Đảng và Nhà nước triển khai từ năm 1961 đến nay đã 60 năm.

Việc khen thưởng thành tích thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ được Đảng và Nhà nước triển khai từ năm 1961 đến nay đã 60 năm.

Từ năm 2003 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp cho 2.494 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Pháp cho 30.678 trường hợp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cho 106.622 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cho 199.452 trường hợp. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích kháng chiến cho trên 21 nghìn trường hợp.

Từ năm 2013 đến nay, sau khi có Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã triển khai tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"cho trên 83.000 trường hợp.

Việc khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ được triển khai từ những năm 1985 về cơ bản các gia đình có nhiều liệt sỹ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đều đã được ghi nhận, khen thưởng. Chủ tịch nước đã quyết định khen thưởng Huân chương Độc lập cho 14.392 gia đình có nhiều liệt sỹ.

Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang thời kỳ kháng chiến cho 1.975 trường hợp, trong đó có 1.123 tập thể, 852 cá nhân (truy tặng 547 cá nhân, phong tặng 305 cá nhân).

Ngoài các nội dung khen thưởng trên, công tác khen thưởng cho các đối tượng làm nhiệm vụ quốc tế tại các nước bạn Lào, Camphuchia; khen thưởng cho cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đày cũng được triển khai thực hiện đảm bảo không bỏ sót người có công…

Theo Bộ Nội vụ, các loại hình khen thưởng (khen thưởng thường xuyên, khen đột xuất, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng tổng kết các giai đoạn cách mạng và khen thưởng đối ngoại) được triển khai ở các cấp, các ngành kịp thời và thiết thực. Công tác khen thưởng thực hiện kịp thời, đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định; việc bình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng người, đúng thành tích. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

Những năm gần đây, công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước trong đó có cả doanh nghiệp FDI đã được tặng thưởng các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước như Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Chính phủ, Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19, rất nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tặng Bằng khen. Đơn cử, vào đầu tháng 9/2021, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sỹ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Những người có công với nước phải được Chính phủ và Quốc dân nhớ ơn